Tết vui tươi, xuân tiết kiệm
- Cập nhật: Thứ năm, 6/2/2014 | 8:40:46 AM
YBĐT - 9 ngày nghỉ tết Giáp Ngọ 2014 đã qua, công chức đã đến khai xuân nơi công sở bắt đầu một năm làm việc mới, người dân đã quay lại với nhịp sống hàng ngày như vốn có. Có thể khẳng định rằng, thị trường tết năm nay hàng hóa cực kỳ phong phú và giá cả rất phải chăng đã góp phần đáng kể để người dân ăn một cái tết tràn đầy niềm vui và hạnh phúc.
Sau tết, giá thịt bò, cá tươi (loại ngon) chỉ tăng nhẹ trong khi thực phẩm khác và cá nhỏ giá rất hạ và khó bán.
|
Giống như mọi năm, thị trường tết khởi động khá sớm. Mới đầu tháng Chạp Quý Tỵ, người kinh doanh đã chỉnh trang cửa hàng, trưng lại biển hiệu, tập kết và bày biện hàng hóa; người nông dân nuôi được đàn gà, con lợn; trồng được ruộng rau, luống hoa cũng chờ mang bán phiên chợ tết. Yếu tố tích cực của người sản xuất và nhà kinh doanh đã khiến thị trường tết Giáp Ngọ vô cùng phong phú về chủng loại và dồi dào về số lượng. Không chỉ ở thành phố Yên Bái, trung tâm các huyện, thị mà ngay cả các chợ phiên ở vùng nông thôn, hàng hóa cũng rất đa dạng, đủ loại bánh kẹo, rượu bia, thuốc lá, rau, củ quả, hoa tươi… từ bình dân đến cao cấp, xuất xứ trong nước và nhập khẩu khiến người dân có cảm giác mình thực sự là “thượng đế”.
Đảo qua thị trường ngày tết mới thấy, mặt hàng rau xanh "made in" Yên Bái chiếm lĩnh hầu như toàn bộ thị trường, một phần nhỏ còn lại chỉ là hành, tỏi khô, cà chua, khoai tây… từ Vĩnh Phúc, Hà Nội lên; hàng Trung Quốc không còn đất sống. Cô Thắm bán rau ở chợ Yên Bái cho biết: “Nông dân mình đã tiếp cận với thị trường rồi, không còn độc canh cây lúa nữa. Người tiêu dùng cũng chẳng tội gì mà không chọn rau của bà con ta, vừa tươi ngon vừa an toàn!”.
Cuộc sống đã đủ đầy hơn nên trong phòng khách mọi nhà ngoài cành đào đã có thêm lọ hoa tươi, nhu cầu văn hóa ấy đã thúc đẩy nguồn cung đủ lớn để đáp ứng. Nhờ thời tiết thuận lợi và những ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nên chợ tết thực sự là một rừng hoa, từ cúc, hồng, đồng tiền, thược dược đến dơn, ly, lan… muôn hồng nghìn tía. Bên cạnh những loài hoa truyền thống, thị trường đã xuất hiện nhiều hơn những chậu hoa cao cấp cho người có điều kiện hơn chọn lựa như: Tiên ông, tuy líp, thủy tiên…
Chị Nguyễn Thu Hiên ở phường Hồng Hà (TP Yên Bái) cho biết: “Tôi vốn đã rất thích hoa, ngày tết phòng khách phải nhiều hoa. Ngoài chậu lan Hồ Điệp màu tím yêu thích, năm nay tôi bỏ qua hồng, dơn để làm hai chậu Tiên ông và tuy líp. Tuy đắt hơn nhiều lần những loại kia nhưng 'tiền nào của ấy" nhìn rất sang trọng”.
Tâm lý “ít nhưng phải ngon” đang dần hình thành trong người tiêu dùng ngày tết. Thịt lợn, thịt bò, cá tươi, rượu, bia, bánh kẹo trên thị trường vô số, ngày tết ai cũng sắm nhưng không cần nhiều và phải ngon. Bánh kẹo, nhất thiết không mua hàng cân, hàng Tàu; kiểu dáng phải bắt mắt, chất lượng tốt và rõ nguồn gốc xuất xứ… Chính tâm lý này khiến những giỏ quà bắt mắt, bày đầy đường năm nay trở nên ế ẩm.
Anh Tuấn - chủ cửa hàng công nghệ phẩm trên đường Hoàng Hoa Thám (TP Yên Bái) cho biết: “Nhiều người tham lam, lợi dụng đóng giỏ hàng tết để nhét hàng hết đát, thiếu lượng, phẩm cấp thấp… bán kiếm lời, giờ hết cửa rồi. Hàng nhà tôi toàn loại tốt mà bán còn chưa nổi”. "Vui chỗ buôn, buồn chỗ bán" cũng là tâm lý chung của những người đi buôn chuyến dịp tết này khi mà nơi cất hàng thì xe lớn xe nhỏ tấp nập hàng hóa chở đi, nơi bán đến tay người tiêu dùng thì đìu hiu vắng khách.
Hàng công nghệ phẩm năm nay không “cháy”.
Khởi động rất sớm nhưng thị trường tết lại “tăng tốc” muộn. Tâm lý người tiêu dùng “đắt hay rẻ cũng chỉ hai ngày 29 và 30”, có nghĩa đợi đến ngày 29 hoặc 30 tết mới đi mua sắm nên chỉ những người đủ kinh nghiệm, thừa bản lĩnh mới nắm phần thắng. Dù chuyển động muộn nhưng điều đáng mừng là tuyệt nhiên không có hiện tượng “cháy” hàng như nhiều năm trước trong khi giá cả lại rất phải chăng. Lấy thị trường tết làm dịp để tiêu thụ nhiều hàng hóa chứ không phải là cơ hội để nâng giá bán là quan điểm rất đúng đắn của người sản xuất và nhà kinh doanh nhất là trong điều kiện "cung" đã đáp ứng "cầu" và có phần bão hòa. Nhờ thông tin nhanh nhạy và giao thông thuận tiện nên sự khan hiếm cục bộ đã không xảy ra.
Điều đáng mừng nhất năm nay là giá cả không những không tăng mà một số loại còn thấp hơn tết trước và cả ngày thường. Tại các chợ Cổ Phúc, Yên Bình, Yên Ninh, thịt lợn ngon 80 nghìn đồng /kg; gà mái 100 nghìn, gà trống 120 nghìn đồng/kg; riêng thịt bò loại ngon tăng hơn ngày thường 30 đến 40 nghìn đồng/kg nhưng theo chị Tùng ở chợ Cổ Phúc (Trấn Yên) thì: “Chỉ thịt ngon giá mới tăng, thịt thường, xương, lòng… giá thấp hơn hẳn ngày thường, thậm chí không bán được”.
Bia, rượu, nước giải khát bán chạy hay không, giá cao hay thấp phụ thuộc rất nhiều vào… ông trời. Tiết trời mà nắng nóng thì đắt hàng, rét buốt thì ngược lại! Năm nay tiết trời khá ấm áp nên hàng bán cũng rất phập phù, các đại lý cũng không dám tăng giá để mong hết hàng ngay trong dịp tết.
Giá bia tại Trấn Yên, Văn Yên, Yên Bình, thành phố Yên Bái đồng mức: bia Hà Nội 220 nghìn đồng/thùng, bia 333 là 235 nghìn đồng... Nhờ giá cả hợp lý nên sức mua tăng rất mạnh, đặc biệt là mấy ngày áp tết, nên đến quá trưa ngày 30 tết chợ đã nghỉ họp, trong các cửa hàng, siêu thị hàng đã vơi sạch, dù không lãi cao nhưng doanh thu lớn nên cả người bán và người mua đều hoan hỷ.
Ngay từ chiều mùng 2 tết, chợ đã họp trở lại, chủ yếu phục vụ các mặt "đổi món" ngày tết như rau, cá, thịt bò... Không giống như mấy năm trước sau tết là “rau được giá, cá lên ngôi”, năm nay, giá cả không tăng so với trước tết, thậm chí như ngày thường với giá rau trung bình 10-12 nghìn đồng/kg, cá 70- 90 nghìn đồng/kg và sức mua rất mạnh. Cho dù dung tích cái tủ lạnh trong mỗi gia đình ngày một to hơn nhưng với người tiêu dùng thông thái thì không tội gì mua nhiều về cất trữ, ăn đến đâu mua tới đó vừa tươi ngon vừa tiết kiệm.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cùng với những quyết sách hợp lý của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, diện mạo “tam nông” Yên Bái đã có nhiều nét mới.
YBĐT - Không phải “thánh địa” của cam và cũng chưa nổi tiếng như cam sành Lục Yên nhưng hôm nay, các xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn đã có hàng ngàn héc-ta cam, quýt với sản lượng gần chục ngàn tấn. Vùng quê nghèo khó hôm nào nay đã trù phú.
Năm 2014 ngành GTVT chủ trương thực hiện có hiệu quả đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.
YBĐT - Nói đến Văn Yên là nhắc đến quế. Từ xa xưa, quế được người Văn Yên trồng thành rừng, được đưa vào hương ước của từng bản, làng và trở thành thương hiệu riêng của vùng cao Tây Bắc.