Bảo tồn bền vững giống trâu ngố
- Cập nhật: Thứ tư, 12/2/2014 | 2:40:23 PM
YBĐT - Xuân này, Hội chọi trâu Lục Yên (Yên Bái) đã bước sang mùa giải thứ năm. Mục đích của lễ hội này là khôi phục một lễ hội từ xa xưa ở một vùng quê có nghề canh nông rất phát triển và nuôi được giống trâu to khỏe gọi là trâu ngố.
Những chú trâu chọi ở Lục Yên sẽ là trâu giống tốt để bảo tồn và phát triển nguồn gen quý.
|
Lễ hội cũng góp phần bổ sung cho hệ thống lễ hội tỉnh Yên Bái trong chiến lược phát triển tiềm năng kinh tế du lịch. Đồng thời, Lục Yên còn hướng tới một mục đích quan trọng là bảo tồn nguồn gen quý của giống trâu này vừa cung cấp sức kéo cho sản xuất vừa chăn nuôi trâu theo hướng hàng hóa.
Đặt ra những mục tiêu ấy là vì trước khi khôi phục hội chọi trâu, việc chăn nuôi trâu và giữ được giống trâu ngố ở Lục Yên đang gióng lên những báo động. Bởi lẽ, đất rừng vốn là nơi người dân trước đây đưa trâu lên chăn thả, nay chuyển sang trồng rừng kinh tế nên nuôi trâu phải có người chăn dắt. Do đó, trâu không còn môi trường giao phối tự nhiên, sinh sôi bầy đàn như trước.
Bên cạnh đó, mô hình gia đình ít con, lao động nông thôn chuyển dần sang lao động ngành nghề, dịch vụ và sự phát triển của những khu công nghiệp cũng đã khiến nguồn nhân lực không đáp ứng được yêu cầu chăn thả gia súc. Ruộng nương ở đây vốn là vùng trọng điểm sản xuất lương thực của tỉnh nên người dân cũng từng bước cơ giới hóa sản xuất nên những con trâu đực, trâu cái tốt nhất dần theo thương lái về xuôi và vào lò mổ.
Trước thực trạng này, tỉnh Yên Bái đã có nhiều giải pháp chuyên môn, trong đó phối hợp với những cơ quan chuyên ngành của Trung ương tìm giải pháp bảo tồn nguồn gen quý giống trâu ngố. Tuy vậy, kết quả rất hạn chế, nguyên nhân chính là chưa tạo được động cơ để người dân tiếp tục phát triển chăn nuôi trâu và khó khăn trong quy hoạch đồng cỏ tự nhiên để chăn thả bầy đàn. Trong khi đó, đặc tính sinh lý của trâu nái rất khác biệt với bò nái nên người dân khó tìm cách ghép đôi cho trâu đực phối giống. Bên cạnh đó, kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho trâu cũng chưa thực hiện được.
Một số khó khăn đó hiện đang từng bước được khắc phục. Ông Hoàng Văn Số - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, tín hiệu đáng mừng là nuôi trâu ở Lục Yên mấy năm về trước có dấu hiệu giảm đàn khá rõ thì nay đang ổn định trở lại và tăng đàn. Điển hình như năm 2013, tổng đàn trâu đạt trên 17.800 con, tăng 2,5% so với năm trước. Thuận lợi là nuôi trâu hiện mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét.
Nhận thức về chăn nuôi trâu đã thay đổi khi người dân không còn quá lệ thuộc vào nguồn cỏ tự nhiên mà họ đã biết tận dụng đất bờ bãi trồng cỏ, sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp như thân cây ngô, rơm rạ bổ sung thức ăn chăn nuôi. Một con trâu đực to từ 4 tuổi trở lên, đạt trọng lượng trên 500kg bây giờ có giá trên 50 triệu đồng và một con trâu cái to cũng có giá trên dưới 40 triệu đồng, gần đủ xây một căn nhà cấp 4. Vì vậy, những hộ nuôi trâu chỉ chọn những con trâu giống có thể trạng to lớn để làm con giống.
Bên cạnh lợi ích kinh tế, nhiều người còn có chung nhận định, việc khôi phục hội chọi trâu đã thể hiện rõ hiệu quả của việc bảo tồn nguồn gen quý và kích thích mạnh phong trào nuôi trâu. Bởi vì, ngay từ những lần mở hội đầu tiên, nhiều hộ dân đang nuôi những con trâu đực từ 2 đến 3 tuổi và chỉ 1, 2 năm sau bán được giá nhưng nhiều hộ đã giữ lại để nuôi thành trâu chọi hoặc không nuôi chọi thì đến tầm trâu 7, 8 tuổi càng có giá.
Ông Dương Bình Xuyên ở xã Liễu Đô cho biết, nếu dân chọi trâu tìm được một con đực ưng ý, họ sẵn sàng trả giá tới cả trăm triệu đồng và ở Lục Yên đã có một vài con được mua trên 80 triệu đòng.
Gia đình ông Xuyên từ khi có hội chọi trâu cũng đã nuôi một trâu đực được 5 tuổi. Con trâu này có thể trạng khá to và ông vô cùng phấn khởi khi đã có thêm một con nghé đực đầu tiên 5 tháng tuổi. Thể trạng của trâu bố, mẹ đều to nên con nghé này to gần gấp đôi con nghé cùng lứa của nhà hàng xóm. Vì nhiều người thích nuôi trâu đực nên quan sát trên các đồng cỏ hoặc buổi chiều, khi các đàn trâu về chuồng, dễ nhận thấy có khá nhiều con đực to lớn hơn so với trước đây.
Con nghé của gia đình ông Dương Bình Xuyên ở xã Liễu Đô to gần gấp đôi con nghé cùng tuổi của nhà hàng xóm.
Đáng khích lệ là những con trâu đực chọi xong không mổ như những sới chọi khác mà để chọi tiếp ở các sới khác hoặc nuôi để chọi trong những mùa hội tiếp theo nên số trâu chọi này sẽ là những con giống chất lượng. Không ít chủ trâu khi tìm được trâu chọi tốt còn phối hợp với họ hàng, các thôn xóm đang nuôi những con nái tốt để ghép con đực chăn thả, hy vọng sẽ có những thế hệ trâu đực to lớn, chọi hay như trâu bố.
Ông Bùi Văn Thịnh - Chủ tịch UBND huyện Lục Yên cho biết, phát huy lợi thế chăn nuôi cũng như bảo tồn gen quý giống trâu ngố, bên cạnh phát triển đàn trâu và bảo tồn nguồn gen theo hướng tự phát trong nhân dân, huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện triển khai Đề án tuyển chọn từ 400 con trâu nái trở lên là những con to, khỏe, bảo đảm các yếu tố sinh sản tốt để tạo hạt nhân về con giống. Sau khi đã tuyển chọn, huyện phối hợp với Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh Yên Bái để có nguồn nghé giống chất lượng cao sau này.
Đồng bộ và quyết tâm cao, chắc chắn nguồn gen quý của giống trâu ngố Lục Yên sẽ được bảo tồn bền vững đồng thời là một trong những yếu tố thúc đẩy hiệu quả kinh tế của việc chăn nuôi trâu tại địa phương.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
Chiều 11/2, Ban Quản lý dự án 2, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Liên danh các nhà thầu xây lắp Nhật Bản và Việt Nam đã ký kết gói thầu số 6 thuộc Dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện.
Ngày 11/2, Bộ Xây dựng cho biết đang tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), điều chỉnh, bổ sung một số quy định mới phù hợp hơn. Theo đó, sẽ bỏ quy định về sở hữu chung cư thời hạn 70 năm mà thay vào đó là cho phép các bên mua bán nhà tự thỏa thuận.
Ô tô các loại đã qua sử dụng chỉ được nhập khẩu nếu bảo đảm thời gian đã qua sử dụng không quá 5 năm, tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu.
YBĐT - Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân PCCR trong mùa khô, đến nay đại bộ phận người dân trong xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái)đều đã hiểu được giá trị, nguồn lợi của rừng và tích cực bảo vệ rừng, nhất là thực hiện đầy đủ các cam kết PCCCR.