Triển vọng và thách thức
- Cập nhật: Thứ năm, 13/2/2014 | 8:43:45 AM
YBĐT - Nhận thức rõ khó khăn và thách thức, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã và tiếp tục tập trung chỉ đạo, có những cơ chế, chính sách thích hợp, tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ cùng sự cố gắng của các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế.
Yên Bái có diện tích chè đứng thứ 3 vùng Tây Bắc nhưng sản lượng đứng thứ 2.
(Ảnh: Thanh Miền)
|
Yên Bái thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã được ba năm. Chặng đường 3 năm qua với rất nhiều khó khăn, bao trùm là khó khăn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu kéo dài, ảnh hưởng sâu sắc đến kinh tế tất cả các nước trên thế giới. Năm 2013, kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn và biến động phức tạp. Những tác động tiêu cực của nền kinh tế thế giới và trong nước ảnh hưởng lớn đến thực hiện mục tiêu về kinh tế mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.
Nhận thức rõ khó khăn và thách thức, Đảng bộ tỉnh đã tập trung chỉ đạo, có những cơ chế, chính sách thích hợp, tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ cùng sự cố gắng của các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế nên sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội, một số mục tiêu về kinh tế có nhiều triển vọng đạt nhưng cũng có chỉ tiêu đòi hỏi phải phấn đấu cao hơn nữa.
Trong 3 năm qua, tổng sản phẩm xã hội mỗi năm một tăng, năm 2011 đạt 10.242,40 ngàn tỷ đồng, năm 2012 đạt 11.767,89 ngàn tỷ đồng và năm 2013 đạt 13,004 ngàn tỷ đồng (giá so sánh 2010). Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế mỗi năm một giảm, năm 2011 là 13,5%, năm 2012 là 12,11%, năm 2013 còn 11,20% (theo giá so sánh 2010 là 10,51%).
Tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm chủ yếu do tăng trưởng những năm qua là từ nguồn vốn đầu tư, chưa phải từ hiệu quả của sản xuất, khi Chính phủ cắt giảm đầu tư công, tăng trưởng sẽ chậm lại. Mục tiêu Đại hội đề ra tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm là 13,5%, đòi hỏi năm 2014 và 2015 mỗi năm phải đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 16% - một nhiệm vụ rất khó khăn.
Cơ cấu kinh tế trong GDP chuyển dịch theo hướng tích cực, đặc biệt tỷ trọng nông, lâm nghiệp giảm nhanh, từ 32,71% năm 2011 giảm còn 26,46% năm 2013 (trước đây, mỗi năm chỉ giảm được hơn 1%). Song tỷ trọng công nghiệp - xây dựng tăng không đáng kể, 3 năm qua chỉ dao động ở mức 33%. Tỷ trọng dịch vụ tăng khá, từ 33,24% năm 2011 lên 40,41% năm 2013.
Mục tiêu về cơ cấu kinh tế đề ra đến năm 2015 là: tỷ trọng nông, lâm nghiệp 25%, công nghiệp -xây dựng 41%, dịch vụ 34%, đòi hỏi phải tăng tốc công nghiệp mới đạt được cơ cấu này. GDP bình quân đầu người tăng khá, từ 13,510 triệu đồng năm 2011 lên 22,9 triệu đồng năm 2013 (nếu theo giá cố định năm 1994 thì GDP bình quân đầu người là 20,14 triệu đồng). Với tốc độ này, chỉ tiêu GDP bình quân đầu người năm 2015 là 25 triệu đồng có thể hoàn thành trong năm 2014.
Trong ba lĩnh vực sản xuất chủ yếu của nền kinh tế: nông - lâm nghiệp, công nghiệp, dịch vụ 3 năm qua đều có sự phát triển. Trong nông nghiệp, sản lượng lương thực có hạt tăng nhanh, năm 2012 tăng 5.350 tấn so với năm 2011, năm 2013 tăng 9.870 tấn so với năm 2012. Sản lượng lúa cả năm chiếm 72% - 75% sản lượng lương thực có hạt; lương thực bình quân đầu người hàng năm từ 353kg đến 365kg, đứng thứ 11/12 tỉnh vùng Tây Bắc.
Cây chè được xác định là cây công nghiệp dài ngày, một cây thế mạnh của tỉnh. Diện tích chè mỗi năm tăng được vài trăm héc-ta (năm 2013 tăng 500ha so với năm 2012), sản lượng chè búp tươi đạt trên 91.000 tấn. Yên Bái là tỉnh có diện tích chè đứng thứ 3 vùng Tây Bắc nhưng sản lượng đứng thứ 2.
Nhìn chung, việc cơ cấu lại ngành chè bằng phát triển chè an toàn, chè hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm và kim ngạch xuất khẩu thực hiện chậm so với mục tiêu Đại hội đề ra. Chăn nuôi tăng chậm, tổng đàn gia súc chính năm 2011, 2012, 2013 lần lượt là: 549,55 ngàn con, 570,76 ngàn con, 588,51 ngàn con; trong đó, đàn trâu, đàn bò hàng năm tiếp tục giảm.
Như vậy, tổng đàn gia súc chính mỗi năm chỉ tăng được trên 3% nên chỉ tiêu tổng đàn gia súc chính tăng bình quân mỗi năm 5% sẽ rất khó đạt. Tổng đàn gia cầm 3 năm qua tăng không đáng kể, năm 2012 so với năm 2011 tăng khoảng 120.000 con, năm 2013 tăng 50.000 con so với năm 2012. Nếu không có đột phá thì tỷ trọng giá trị chăn nuôi chiếm 30% giá trị sản xuất nông nghiệp như chỉ tiêu đề ra cho năm 2015 là khó thực hiện.
Lâm nghiệp là một thế mạnh của tỉnh và được tập trung chỉ đạo. Chỉ tiêu Đại hội đề ra mỗi năm trồng mới 15.000ha, cả 3 năm qua, Yên Bái đều trồng mới mỗi năm trên 15.000ha, với đà này chắc chắn sẽ đạt chỉ tiêu. Tỷ lệ che phủ rừng mỗi năm có tăng nhẹ, năm 2012 đạt 60%, năm 2013 đạt 60,02% (đang đứng thứ 3 các tỉnh vùng Tây Bắc). Để đạt chỉ tiêu độ che phủ rừng 63,5% vào năm 2015 đòi hỏi phải cố gắng hơn nữa trong trồng, khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ rừng.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định: phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, phát triển công nghiệp chế biến sâu trong các lĩnh vực tỉnh có lợi thế. Mặc dù trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế nhưng giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm vẫn tăng: năm 2011 đạt 3.326 tỷ đồng, năm 2012 đạt 5.608,58 tỷ đồng và năm 2013 là 6.556,43 tỷ đồng. Nhiều khả năng Yên Bái sẽ đạt được chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp 7.400 tỷ đồng vào năm 2015.
Tuy nhiên, mục tiêu phát triển công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp điện tử, lắp ráp… như mục tiêu Đại hội đề ra để đến năm 2020, công nghiệp của tỉnh tiếp cận công nghiệp hiện đại khó khả thi.
Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng khá, năm 2011 đạt 7.580,70 tỷ đồng, năm 2012 đạt 7.608,36 tỷ đồng và năm 2013 đạt 8.097,30 tỷ đồng. Như vậy, năm 2014 và 2015 chỉ cần có hơn 10.000 tỷ đồng vốn đầu tư sẽ đạt tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn 5 năm là 34.000 tỷ đồng. Chỉ tiêu này hoàn toàn có thể đạt và vượt. Trong 3 năm qua, tỉnh đã triển khai đầu tư một số dự án lớn như Bệnh viện Đa khoa 500 giường, Bệnh viện Lao, đường tránh ngập, sửa chữa một số tuyến đường, triển khai san gạt mặt bằng Cụm công nghiệp Âu Lâu…
Tuy nhiên, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh chậm được nâng cấp, chưa đáp ứng tốt nhu cầu đi lại cũng như thu hút đầu tư.
Hoạt động thương mại, dịch vụ vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng cao, mỗi năm tăng trên dưới 1.500 tỷ đồng (năm 2011 đạt 6.497,76 tỷ đồng, năm 2012 đạt trên 7.826 tỷ đồng và năm 2013 đạt 9.388 tỷ đồng). Mục tiêu Đại hội đến năm 2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội gấp 2,5 lần năm 2010 (năm 2010 đạt 5.358 tỷ đồng), nghĩa là năm 2015 phải đạt khoảng 13.400 tỷ đồng. Đây là một thách thức lớn, vì vậy cần tập trung hơn nữa vào khai thác thị trường nông thôn.
Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu khó khăn nhưng xuất khẩu do tỉnh quản lý hàng năm vẫn tăng. Nếu năm 2010, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 33,52 triệu USD thì năm 2013 đạt 51,37 triệu USD (tăng 1,53 lần). Chỉ tiêu xuất khẩu năm 2015 phải tăng gấp 4 - 5 lần năm 2010 là không khả thi (phải đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu từ 134 - 167 triệu USD). Hoạt động du lịch còn chậm phát triển, chưa có những sản phẩm du lịch đích thực. Thu ngân sách nội địa năm 2013 đạt 1.073 tỷ đồng, chỉ tiêu Đại hội đề ra năm 2015 phải đạt 1.700 tỷ đồng, nghĩa là phải thu gấp 1,6 lần năm 2013, đây là điều không dễ.
Nhiệm kỳ Đại hội còn 2 năm nữa và năm 2014 được dự báo là năm kinh tế sẽ phục hồi và phát triển. Với truyền thống khắc phục khó khăn, phát huy tính năng động, sáng tạo của các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế, chúng ta hy vọng nền kinh tế tỉnh Yên Bái sẽ phát triển, phấn đấu đạt được các chỉ tiêu về kinh tế mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.
Trần Thi
Các tin khác
Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong tuần từ 20/1-25/1, lãi suất giao dịch bình quân liên ngân hàng bằng VND có xu hướng tăng ở hầu hết các kỳ hạn, đặc biệt là các kỳ hạn qua đêm và 2 tuần với mức tăng lần lượt 1,92 điểm % và 1,06 điểm %/năm so với trước đó.
Chào đón mùa yêu thương Valentine, Hãng hàng không VietJetAir bán 35.000 vé với giá chỉ từ 9.000 đồng. Mở bán vào tất cả các giờ trong 3 ngày 13, 14 và 15/2/2014.
YBĐT - Mặc dù vẫn đang vui với không khí đón Xuân Giáp Ngọ, nhưng tranh thủ những ngày nắng ấm, nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Văn Yên đã xuống đồng tập trung hoàn thành gieo cấy diện tích lúa xuân trong khung thời vụ tốt nhất.
YBĐT - Trong dịp tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, một số lượng lớn gia súc, gia cầm đã được sử dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng thực phẩm nên hiện nay, người dân chuẩn bị tái đàn. Đây lại là thời điểm thuận lợi cho dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm có nguy cơ bùng phát và diễn biến phức tạp.