Ăn tết chung, vụ xuân “về đích” sớm

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/2/2014 | 2:34:06 PM

YBĐT - Vì không bận tết riêng nên đồng bào Mông huyện Trạm Tấu (Yên Bái) có thời gian chủ động làm đất và ngay sau những ngày Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, khắp các cánh đồng từ Tà Xi Láng xa xôi đến "vựa lúa" Xà Hồ đã tấp nập không khí sản xuất lúa xuân.

Gia đình anh Vàng A Lử, thôn Tấu Giữa, xã Trạm Tấu có 10 khẩu. Ông bà đã cao tuổi nên trông nhà và đỡ việc gia đình lúc mùa màng bận rộn, mấy đứa con đã đi học bán trú nên chỉ có 2 vợ chồng ra ruộng tháo ni-lông và nhổ mạ phụ cho mấy tay cấy chính.

Anh Lử chia sẻ: "Ăn tết chung nên mình có thời gian để sản xuất lúa xuân. Vụ này, nhà mình gieo cấy 1.500m2 lúa ruộng. Trước tết đã được cấp giống và ni-lông che mạ, mấy hôm trời rét đậm rét hại nên hai vợ chồng đi che ni-lông chống rét cho mạ. Ăn tết xong là nhà mình đã xuống đồng cấy luôn nên chắc chắn đúng trong khung thời vụ".

Anh Lử cười hỉ hả, năm vừa rồi được cán bộ khuyến nông về hướng dẫn kỹ thuật nên ngô, lúa được mùa, trong năm đã thu hoạch được 60 bao ngô, gần trăm bao lúa. Vụ xuân này, nếu thời tiết thuận hòa thì không cần phải lo đến lương thực nữa.

Gia đình anh Cứ A Tủa ở thôn Tấu Trên cấy muộn hơn so với dự định ban đầu. Anh Tủa cười phân bua: "Trước tết, giống và ni-lông che mạ cũng nhận đủ rồi nhưng bận mấy việc riêng, thế là lúc làm đất đúng khi trời rét quá, sợ con trâu nó ốm nên không dám cho nó ra đồng. Vì thế, mạ còn non hơn so với gia đình khác, ruộng nhà người ta cấy được mấy hôm rồi nhà mình mới bắt đầu. Đấy, nhà nông mà không chịu theo dõi thời tiết là chậm hẳn một bước so với người khác nhưng gia đình quyết tâm kiểu gì cũng phải xong trong khung thời vụ".

Anh Tủa cũng nói rằng, nhờ chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện thay lúa nương bằng ngô đồi mà hai năm nay, đời sống gia đình anh đã ổn định hơn. Năm rồi bán được 10 triệu đồng tiền ngô nhưng muốn làm giàu vẫn phải thay đổi cung cách làm ăn. Năm nay dự định sẽ đầu tư nhiều hơn cho chăn nuôi, đặc biệt là nuôi lợn thịt vì lợn "sạch" ở bản đang được nhiều người tìm mua lắm, giá đến trăm ngàn đồng một cân.

Nhưng trước mắt vẫn phải chăm sóc tốt cho cây lúa vì có lúa trong nhà, no cái bụng mới tính chuyện làm giàu được. Hỏi anh Tủa sao lại “ngấm” được cái lý hay đến thế, anh cười giòn như pháo nổ: "Cái lý ấy là hôm rồi, Bí thư Huyện ủy Vũ Quỳnh Khánh xuống xã thăm bà con nói như thế, mình thấy đúng quá!".

Nói rồi anh Tủa đặt gánh mạ xuống chân ruộng cười khà khà: “Tết vừa rồi không có lợn mổ nhưng cũng không phải ăn lợn chợ mà đã "đụng" với anh trai. Người Mông mình thực hiện nếp sống văn hóa rồi, ăn tết chung có 3 ngày thôi nên cũng không tốn kém và giờ phải chú tâm sản xuất lúa xuân".

 Nhà anh Thào A Sang cũng ở thôn Tấu Trên nhờ làm ăn có kế hoạch nên chẳng "nhỡ" vụ nào. Trước tết, nhà đã gieo xong 19kg giống Nhị ưu 838 và đang làm đất để gieo trồng 14kg giống ngô xuân. A Sang vui ra mặt vì trước Tết Nguyên đán Giáp Ngọ đã cấy được một ít nên chắc chắn gieo cấy vụ này sẽ "về đích" sớm.

Vụ lúa xuân năm nay, toàn xã Trạm Tấu gieo trồng 112,7ha, cơ cấu giống chủ yếu là Nhị ưu 838. Phó chủ tịch UBND xã Mùa A Páo chia sẻ: "Hai năm nay đã ăn tết chung nên những ngày trước Tết Nguyên đán, đồng bào xã Trạm Tấu dốc toàn lực cho khâu chuẩn bị sản xuất vụ xuân như làm đất, gieo mạ, có những hộ còn gieo cấy được trước tết và chắc chắn địa phương sẽ "về đích trước”.

Với xã Trạm Tấu, đồng bào đã quen với một năm hai vụ lúa nên coi đó là việc nhất định phải làm, không còn phải vận động nữa. Vấn đề chỉ là phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật và tu sửa các công trình thủy lợi nhỏ đảm bảo cho sản xuất. Xã quyết tâm hoàn thành thắng lợi cả diện tích, năng suất và sản lượng vụ này.

Cũng giống xã Trạm Tấu, đồng bào Mông xã Xà Hồ những ngày này cũng nô nức sản xuất vụ xuân. Gia đình anh Tráng A Hồ, thôn Suối Giao huy động tất cả nhân lực ra ruộng. Vụ này, nhà cấy gần 2.000m2 ruộng, mạ đã gieo từ trước tết. Lạ thay, trời rét cắt da cắt thịt mà cây mạ vẫn xanh non mơn mởn.

Anh Hồ bảo: “Mình cũng có bí quyết gì đâu, là cán bộ khuyến nông dạy cả đấy. Có trong khung thời vụ hay không là trông cả vào số mạ này nên phải đầu tư thời gian chăm sóc cho nó. Có mạ tốt, ruộng đã ngâm ủ nên ăn tết xong là xuống đồng cấy lúa luôn thôi".

Suối Giao cũng là một thôn có diện tích sản xuất vụ xuân ở tốp đầu của xã Xà Hồ. Trưởng thôn Thào A Chểnh cười tít mắt: "23ha ruộng ở đây phần lớn cứ chênh vênh thế này đấy… Máy cày cũng phải thua mấy con trâu nên phương châm của thôn là phải chăm sóc tốt cho đàn trâu, bò để chủ động sức kéo phục vụ sản xuất. Vì vậy, những ngày rét đậm, rét hại là tôi đi vận động người dân đưa trâu, bò về chuồng hết. Năm nay, dù lạnh đến đóng băng, đóng tuyết mà trâu, bò vẫn không chết rét đâu".

Theo Trưởng thôn Thào A Chểnh, cái lợi đầu tiên của ăn tết chung chính là sản xuất được "bon bon" thế này và cả thôn quyết tâm sẽ hoàn thành tất cả diện tích lúa xuân đúng khung thời vụ phấn đấu năng suất đạt cao hơn năm trước. Vụ xuân năm nay, Xà Hồ gieo cấy 135,5ha, tăng 2ha so với vụ xuân trước với cơ cấu giống chủ yếu là Nhị ưu 838. Ngay từ đầu vụ, xã đã kiện toàn Ban chỉ đạo sản xuất vụ xuân do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, các ngành, đoàn thể là thành viên; mỗi thành viên chịu trách nhiệm và phụ trách một thôn, bản cũng như vận động người dân sau tết phải bắt tay ngay vào sản xuất.

Huyện Trạm Tấu đề ra kế hoạch gieo cấy 1.230ha lúa xuân. Đồng chí Nguyễn Thị Duyên - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu vui ra mặt vì nhờ chủ trương ăn chung một tết mà công tác chỉ đạo sản xuất lúa xuân đỡ chật vật hơn rất nhiều: Xác định vụ xuân có vai trò quan trọng nên thời điểm này, ngành nông nghiệp huyện dốc toàn lực xuống cơ sở chỉ đạo sản xuất.

Sau Tết Nguyên đán là đồng bào xuống ngay đồng để gieo cấy vụ xuân. Chúng tôi phấn đấu sẽ vận động đồng bào hoàn thành gieo cấy trước ngày 25/2/2014".
Đồng bào huyện Trạm Tấu đang tấp nập xuống đồng và chung một ước mong mưa nắng thuận hòa cho mùa vàng bội thu.

Phương Thùy

Các tin khác

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh vàng, trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật kịp thời chuyển ngay hồ sơ đến Bộ Công an.

Giá vàng SJC giữ mức 90,4 triệu đồng/lượng

Giá vàng hôm nay, giá vàng SJC giữ nguyên ở mức 87,7 – 90,4 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Cùng thời điểm, vàng thế giới giữ nguyên mức 2.414,4 USD/oz. Giá bán vàng SJC hiện cao hơn 16,37 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới.

Các đồng chí lãnh đạo huyện, thị trấn tham gia khởi công công trình.

Hướng tới chào mừng kỷ niệm 77 năm thành lập Đảng bộ huyện (20/6/1947 – 20/6/2024) và chào mừng Lễ công bố huyện Yên Bình đạt chuẩn nông thôn mới, sáng 18/5, huyện Yên Bình đã khởi công công trình bê tông hóa đường giao thông tại tổ dân phố số 8, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình.

Ảnh minh họa

Liên bộ sẽ thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng. Thời kỳ thanh tra từ ngày 01/01/2020 đến ngày 15/5/2024, khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục