Hàng nông sản Yên Bái: Để ra “biển lớn”!

  • Cập nhật: Thứ năm, 3/4/2014 | 9:12:41 AM

YBĐT - Nói đến nông sản Yên Bái thì khắp các tỉnh, thành trong nước đều biết đến chè Shan tuyết Suối Giàng, quế vỏ Văn Yên, cam Văn Chấn, gạo Mường Lò, nếp Tú Lệ, miến đao Giới Phiên. Mỗi sản phẩm đều có đặc tính chất lượng, mùi vị, thành phần dinh dưỡng đặc trưng, không có một địa phương nào có được.

Dù sản lượng lớn nhưng cam Văn Chấn vẫn chưa thực sự là hàng hóa có giá trị. Ảnh: Người dân thôn Thiên Tuế, xã Thượng Bằng La chăm sóc cam. (Ảnh: Thanh Miền)
Dù sản lượng lớn nhưng cam Văn Chấn vẫn chưa thực sự là hàng hóa có giá trị. Ảnh: Người dân thôn Thiên Tuế, xã Thượng Bằng La chăm sóc cam. (Ảnh: Thanh Miền)

Vậy mà những sản phẩm này hiện nay chưa được biết đến rộng rãi trên thị trường trong nước và quốc tế, giá trị hàng hóa không cao, mặc dù một số sản phẩm như chè Shan tuyết Suối Giàng, quế vỏ Văn Yên đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý.

Thăng trầm thương hiệu chè Shan tuyết Suối Giàng

Ở độ cao 1.400m so với mặt nước biển, khí hậu ôn hoà, nhiệt độ trung bình cả năm mát mẻ, được ví như Sa Pa, Tam Đảo, Đà Lạt của Yên Bái, đất đai, khí hậu, nguồn nước của Suối Giàng (Văn Chấn) phù hợp cho giống  chè Shan tuyết cổ thụ phát triển. Búp chè non, to tròn, xanh mướt, cộng với kỹ thuật sao chè truyền thống tạo cho hương vị chè Shan tuyết nơi đây khác hẳn chè Shan tuyết Mộc Châu. Khi pha, nước chè có mầu vàng, sóng sánh như mật ong, mùi  thơm thoang thoảng, vị ngọt nhẹ lưu lại từ năm đến mười phút sau khi uống. Các du khách trong và ngoài nước đánh giá cao chất lượng tuyệt hảo của thứ chè đặc sản này.

Trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thương hiệu không chỉ là dấu hiệu để nhận biết, phân biệt hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp trong nước và ngoài nước mà còn là giá trị tài sản trí tuệ của mỗi doanh nghiệp, vùng miền, quốc gia.
Chính vì vậy, năm 2012, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho chè Shan tuyết Suối Giàng. Đặc sản nhờ đó có điều kiện ra "biển lớn", cuộc sống người dân được cải thiện đáng kể do giá chè nâng cao gấp hai, ba lần so với trước. Tưởng chừng thương hiệu chè Shan tuyết Suối Giàng thuận như buồm gặp gió, nào ngờ cũng có lúc "dậy sóng".

Do chạy theo lợi ích trước mắt, một số hộ trồng chè, thương nhân đã pha trộn chè Shan tuyết với chè thường rồi dán mác chè Shan tuyết Suối Giàng. Thêm vào đó, các cây chè cổ thụ đua nhau đưa về xuôi làm cảnh; hiện tượng mối xông gốc chè đã xuất hiện làm cho thương hiệu chè Shan tuyết Suối Giàng phần nào suy giảm trong mắt người tiêu dùng.

Gạo Mường Lò, nếp Tú Lệ, cam Văn Chấn: Quẩn quanh "sân nhà"

Cánh đồng Mường Lò rộng lớn bao la, phì nhiêu nhất nhì Tây Bắc. Có lẽ sản phẩm nông sản nổi tiếng nhất của Mường Lò là gạo Séng cù, Chiêm hương, gạo có mùi thơm, dẻo, hàm lượng dinh dưỡng cao, có thể sánh với gạo xuất khẩu cao cấp Thái Lan nhưng rồi gạo Mường Lò vẫn chỉ loanh quanh "sân nhà".

 

Đặc sản nếp Tan Tú Lệ. (Ảnh: Pari)

Giống như "hoàn cảnh" chè Shan tuyết Suối Giàng, sản phẩm gạo nếp Tú Lệ, cam Văn Chấn (gồm cam Đường canh, cam sành, cam sen) bao giờ mới sánh vai với các tên tuổi "nếp cái hoa vàng", "cam sành Hà Giang" trong khi một bộ phận nhỏ người dân, thương nhân chỉ vì lợi ích cá nhân ngắn hạn đã và đang làm mất dần hình ảnh thương hiệu đẹp nổi tiếng trong mắt người tiêu dùng, bạn bè quốc tế khi mà hình ảnh đó không chỉ dốc công xây dựng trong năm năm, mười năm mà có khi phải qua hàng chục thế hệ mới hình thành?

Để tránh chảy máu tài sản trí tuệ quốc gia, bảo vệ lợi ích nhân dân, doanh nghiệp và địa phương, cần có sự quản lý sâu sát, chặt chẽ của các cơ quan chức năng, đặc biệt là Sở Khoa học và Công nghệ, quản lý thị trường, UBND cấp huyện. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, thương nhân, hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến sản xuất, kinh doanh hàng hóa được Nhà nước chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, kinh doanh theo quy định.

Mặt khác, những sản phẩm chưa được bảo hộ về thương hiệu như gạo Mường Lò, nếp Tú Lệ, cam Văn Chấn cần đẩy mạnh xây dựng chất lượng, quảng bá thương hiệu, lập hồ sơ đề nghị Nhà nước bảo hộ. Trong thời đại quốc tế hóa, toàn cầu hóa mạnh mẽ, sự bùng nổ công nghệ thông tin thì đăng ký bảo hộ thương hiệu càng sớm càng tốt và cần có sự bắt tay chặt chẽ giữa ba "nhà": Nhà nước, nhà nông, doanh nghiệp.

Một bài học còn nguyên giá trị đối với các thương hiệu Việt: sự kiện Võng xếp Duy Lợi thắng kiện ở Nhật Bản, ở Mỹ cách đây mười năm cho thấy mặc dù Luật Sở hữu trí tuệ ở mỗi quốc gia có những điểm khác nhau nhưng đều có chung nguyên tắc "nộp đơn đăng ký đầu tiên", nghĩa là ai nộp đơn trước thì sẽ được quyền sở hữu.

Liễu Ngọc Mậu 

Các tin khác

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh vàng, trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật kịp thời chuyển ngay hồ sơ đến Bộ Công an.

Giá vàng SJC giữ mức 90,4 triệu đồng/lượng

Giá vàng hôm nay, giá vàng SJC giữ nguyên ở mức 87,7 – 90,4 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Cùng thời điểm, vàng thế giới giữ nguyên mức 2.414,4 USD/oz. Giá bán vàng SJC hiện cao hơn 16,37 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới.

Các đồng chí lãnh đạo huyện, thị trấn tham gia khởi công công trình.

Hướng tới chào mừng kỷ niệm 77 năm thành lập Đảng bộ huyện (20/6/1947 – 20/6/2024) và chào mừng Lễ công bố huyện Yên Bình đạt chuẩn nông thôn mới, sáng 18/5, huyện Yên Bình đã khởi công công trình bê tông hóa đường giao thông tại tổ dân phố số 8, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình.

Ảnh minh họa

Liên bộ sẽ thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng. Thời kỳ thanh tra từ ngày 01/01/2020 đến ngày 15/5/2024, khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục