Hiện thực hoá tiềm năng của Tam giác phát triển Campuchia - Lào -Việt Nam
- Cập nhật: Thứ ba, 22/4/2014 | 7:40:04 AM
"Xây dựng quan hệ đối tác để hiện thực hoá tiềm năng của Tam giác phát triển Campuchia- Lào -Việt Nam" là chủ đề của Diễn đàn Đối tác phát triển Khu vực Tam giác phát triển Campuchia- Lào- Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức ngày 21/4 tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại diễn đàn.
|
Diễn đàn nhằm xây dựng các biện pháp nhằm thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, từng bước rút ngắn khoảng cách phát triển Khu vực Tam giác phát triển ba nước với các vùng của mỗi nước trên cơ sở khơi dậy, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, các nguồn lực của từng địa phương.
Đây cũng là cơ hội tăng cường mối liên kết kinh tế trong nội bộ vùng và ngoài vùng; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái, đóng góp thiết thực vào việc tăng cường hợp tác giữa ba nước Campuchia, Lào,Việt Nam.
Tham dự Diễn đàn có các đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trần Đại Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia ADB; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, chính quyền các tỉnh của ba nước Campuchia, Lào, Việt Nam.
Đánh giá cao sáng kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ADB, Quỹ xoá đói giảm nghèo Nhật Bản tổ chức diễn đàn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chính phủ Campuchia, Lào, Việt Nam và chính quyền các tỉnh trong Khu vực Tam giác phát triển cần nỗ lực đầu tư hơn nữa trong việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, tạo ra môi trường thuận lợi cho việc kết nối kinh tế giữa các tỉnh của mỗi nước và giữa các tỉnh của ba nước trong Khu vực Tam giác phát triển.
Phó Thủ tướng đề nghị các quốc gia và các địa phương trong Khu vực chú trọng đầu tư phát triển nông nghiệp, nhất là các loại cây công nghiệp dài ngày như cao su, cà phê; phát triển các kết cấu hạ tầng ở các cửa khẩu biên giới, khu kinh tế, chợ biên giới, chợ cửa khẩu; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức giao lưu, trao đổi, học tập của sinh viên, cán bộ giữa các địa phương.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương trong Khu vực cần triển khai có hiệu quả công tác quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ ba nước thông qua, gắn kết giữa quy hoạch của từng địa phương với quy hoạch của vùng và của cả Khu vực Tam giác phát triển. Phát triển phải gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái, đơn giản hoá, công khai các thủ tục hành chính, trước mắt là thủ tục đầu tư và các thủ tục xuất nhập cảnh; kết nối thông tin và thực hiện thông quan “một cửa, một điểm dừng”; tăng cường an ninh biên giới…, góp phần tạo điều kiện các địa phương, các nước trong Khu vực Tam giác phát triển bền vững, nâng cao đời sống người dân.
Cách đây 15 năm (tháng 10/1999), theo sáng kiến của Thủ tướng Campuchia Hun Sen, ba nước đã thống nhất thiết lập Khuôn khổ hợp tác với một Khu vực Tam giác phát triển bao gồm 13 tỉnh khu vực biên giới của Campuchia, Lào và Việt Nam. Cấu trúc của khuôn khổ hợp tác này bao gồm Hội nghị Thượng đỉnh giữa 3 Thủ tướng, hai năm họp một lần, luân phiên tại mỗi quốc gia để thảo luận, thông qua những quyết định về chủ trương, chính sách, quy hoạch và kế hoạch phát triển hợp tác trong Khu vực Tam giác phát triển. Một Ủy ban Điều phối chung để phối hợp các hoạt động ở mỗi nước và giữa 3 nước nhằm triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, quy hoạch như phát triển Khu vực Tam giác phát triển…
Theo báo cáo Tổng quan chiến lược phát triển kinh tế xã hội khu vực Tam giác phát triển Campuchia, Lào, Việt Nam cho thấy, qua 5 năm thực hiện quy hoạch, kinh tế Khu vực Tam giác phát triển đã có bước tăng trưởng cao (khoảng 10,2%) so với tốc độ tăng trưởng bình quân của mỗi nước và so với quy hoạch 2004 đặt ra là 8,4 đến 9%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tuy nhiên do điểm xuất phát thấp nên những kết quả đạt được chưa thực sự tương ứng với tiềm năng và đáp ứng mong muốn như mục tiêu đề ra.
Tại diễn đàn, các đối tác đã thảo luận về giảm nghèo; tăng khả năng cạnh tranh, chính sách và thể chế huy động nguồn lực cho phát triển; đánh giá tiềm năng, thế mạnh, những thách thức đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội Khu vực Tam giác phát triển.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
YBĐT - Vụ xuân năm nay, nhà nông Văn Chấn (Yên Bái) gặp nhiều khó khăn do giá vật tư, phân bón tăng cao; rét đậm, rét hại làm 551ha lúa mạ chết và hàng trăm héc-ta sinh trưởng kém.
Vietnam Airlines vừa lên kế hoạch tăng cường thêm 75 chuyến bay từ Hà Nội - Điện Biên Phủ, phục vụ hành khách có nhu cầu đi lại trong những ngày diễn ra lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Sáng 21-4, giá vàng giảm 110.000 đồng/lượng so với cuối tuần qua. Trên thế giới, giá vàng giao ngay tại phiên châu Á giảm hơn 3 USD xuống 1.291,50 USD/ounce.
YBĐT - Xét về tổng thể, kinh tế của Đại Sơn có những bước phát triển mạnh trong gần 10 năm trở lại đây. Nguồn thu nhập từ cây sắn với diện tích trung bình trên 100ha/năm mang lại nguồn thu gần 3 tỷ đồng/năm. Thế mạnh của xã là cây quế, tổng diện tích trên 2.500ha, trong đó 1.500ha trong độ tuổi thu hoạch.