Xã Nghĩa Phúc với “Cách mạng trên đồng ruộng”
- Cập nhật: Thứ sáu, 25/4/2014 | 2:53:14 PM
YBĐT - Không phải vùng sâu, vùng xa nhưng xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) cũng có những khó khăn nhất định: dân số đông, chủ yếu là đồng bào dân tộc, ruộng nước ít, đất đồi rừng có hạn nên đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, xã đã có nhiều giải pháp cụ thể thúc đẩy kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo từ nội lực khá hiệu quả.
Người dân xã Nghĩa Phúc tận dụng diện tích ao, hồ phát triển chăn nuôi thủy sản, tăng thu nhập gia đình.
|
Phó chủ tịch UBND xã Đặng Ngọc Anh nói: "Trong thời gian qua, Nghĩa Phúc đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả việc đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2010 - 2015 cũng như các nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội địa phương vào cuộc sống. Từ đó đã tạo sự chuyển biến rõ nét về vai trò của các tổ chức Đảng, về ý thức của đảng viên và nhân dân các dân tộc trong xã thực hiện nhiệm vụ, nhất là vai trò của Đảng lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, hỗ trợ hộ nghèo, xây dựng nông thôn mới. Người dân đã có tư duy mới, cách làm mới, biết áp dụng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất hiệu quả.
Từ chỗ chỉ sản xuất lúa lấy lương thực, nay bà con đã biết sản xuất lúa hàng hóa, sản xuất lúa giống... góp phần xóa đói giảm nghèo cũng như tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương". Nghĩa Phúc nằm giáp với thị xã Nghĩa Lộ sôi động nhưng nơi đây vẫn là một xã thuần nông, đời sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp và chăn nuôi là chính. Toàn xã có 483 hộ với trên 1.920 nhân khẩu nhưng chỉ có chưa đầy 65ha lúa nước, bình quân mỗi khẩu được hơn 300m2 ruộng thì khó có thể khấm khá nếu như chỉ sản xuất thông thường.
Từ thực tại đó đã có những cuộc "cách mạng trên đồng ruộng", từng bước phá vỡ thế độc canh cây lúa, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ. Căn cứ vào điều kiện thực tế đất đai, lao động, điều kiện tự nhiên của mỗi thôn bản mà địa phương chỉ đạo phát triển kinh tế phù hợp: nơi có ruộng làm ruộng, nơi có đất đai rộng phát triển chăn nuôi, nơi giáp thị xã phát triển dịch vụ, thương mại... nên đời sống nhân dân đã được nâng lên.
Đối với diện tích lúa, những năm trước, xã vận động bà con đưa các giống lúa lai vào sản xuất, tạo năng suất cao, đảm bảo an ninh lương thực. Từ năm 2000 trở lại đây, xã vận động bà con đưa các giống lúa thuần chất lượng cao vào sản xuất như: Séng Cù, TH 3-3, Chiêm Hương, ĐS1 làm hàng hóa, mang lại hiệu quả khá cao.
Trong sản xuất, nông dân đã biết gieo cấy đúng thời vụ, biết đầu tư thâm canh, phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, 50% diện tích được sử dụng phân viên nén dúi sâu nên năng suất, chất lượng tăng cao. Nếu như năm 2010, năng suất lúa chỉ đạt 10 tấn/ha thì nay đã đạt trên 12 tấn/ha, có nhiều thửa ruộng đạt 13 - 14 tấn/ha.
Đặc biệt, trong năm 2013, đã có 44 hộ dân thôn Ả Hạ phối hợp với Công ty Trường Xuân sản xuất giống lúa thuần Séng Cù và Chiêm Hương trên diện tích 5ha. Nhờ sự hướng dẫn kỹ thuật của Công ty, cán bộ khuyến nông, nông dân Ả Hạ đã sản xuất thành công và đạt năng suất 45 tạ/ha. Cũng với đồng đất đó, quy trình sản xuất ấy nhưng sản xuất 1ha lúa giống đã cho thu nhập 55 triệu đồng/ha, cao hơn sản xuất lúa lai gần 20 triệu đồng, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần đảm bảo ổn định nguồn lúa giống chất lượng tại chỗ.
Không chỉ sản xuất lúa, cây vụ đông cũng đã được người dân gieo trồng ổn định. Vụ đông 2013 - 2014, đã có 242 hộ gieo trồng 20ha cây ngô, 20ha cây rau màu mang lại giá trị cao, bình quân đạt 35 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, xã còn vận động nhân dân phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Từ một xã chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, đến nay, tổng đàn trâu đã có 240 con, trên 30 con bò và hàng chục mô hình chăn nuôi lợn quy mô hàng chục con, gia cầm thì hầu như nhà nào cũng có. Bằng những cách làm phù hợp và chỉ đạo kịp thời của Đảng bộ, chính quyền xã Nghĩa Phúc, đời sống nhân dân đã có nhiều đổi thay, số hộ đói nghèo từ 45% - 50% nay giảm còn 29%, dự kiến hết năm 2014 giảm còn 24%. Cơ sở hạ tầng như: đường giao thông, trường học, trạm xá được xây dựng khang trang. Các thiết chế văn hóa, đời sống tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên.
"Nghĩa Phúc vẫn còn nhiều việc phải làm, số hộ nghèo vẫn còn cao, đời sống vật chất cũng như tinh thần nhân dân còn hạn chế nhưng cái được lớn nhất là đã làm thay đổi tư duy trong sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang áp dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất theo thị trường. Đó chính là nền tảng vững chắc cho Nghĩa Phúc vươn lên trong những năm tiếp theo" - Bí thư Đảng ủy xã Lò Phan khẳng định.
Ngọc Trúc
Các tin khác
YBĐT - Ngày 25/4, huyện Văn Chấn phối hợp với Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Yên Bái tổ chức buổi đối thoại trực tuyến với chủ đề “Thu hút đầu tư tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội.
Để giúp người dân bớt khó khăn đi lại hai bên đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lào Cai đã kiến nghị nhà thầu, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) bổ sung hệ thống cầu chui dân sinh tại các địa phương của tỉnh có tuyến đường đi qua.
YBĐT - Những năm qua, Hội Nông dân Thạch Lương, Văn Chấn (Yên Bái) đã bám sát các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Điều lệ của Hội, tập trung chỉ đạo các chi hội thôn, bản tuyên truyền cho hội viên, giúp nhân dân phát triển kinh tế, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng.