Sản xuất nông nghiệp: Không thể "phong trào"!
- Cập nhật: Thứ hai, 5/5/2014 | 11:05:05 AM
YBĐT - Yếu tố quan trọng mang lại hiệu quả và tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp là cơ quan Nhà nước làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Quy hoạch dù có tốt đến đâu mà chúng ta không thực hiện theo quy hoạch, không quản lý quy hoạch thì cũng khó đảm bảo mang đến thành công.
Huyện Văn Chấn tiếp tục đưa những giống chè mới có chất lượng cao vào trồng thay thế diện tích chè già cỗi.
|
Quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp là tạo sự thống nhất, hướng tới mục tiêu chiến lược phát triển dài hạn, khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ, đảm bảo phù hợp giữa phân bố sản xuất, phân bố hạ tầng ngành nông nghiệp, phát huy lợi thế so sánh của từng vùng, gắn được sản xuất với chế biến, thị trường... đảm bảo hiệu quả cục bộ và hiệu quả tổng thể có tính định hướng lớn của ngành, hình thành cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Trong những năm qua, Yên Bái đã thực hiện khá tốt công tác quy hoạch ngành nông nghiệp từ tổng thể đến chi tiết. Đó là quy hoạch vùng lúa gạo hàng hóa, vùng chuyên canh rau màu, chuyên canh ngô, chuyên canh chè gắn với chế biến, quy hoạch phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm...
Quy hoạch là vậy nhưng việc thực hiện và giám sát còn yếu, dẫn đến phát triển tràn lan, hiệu quả kinh tế thấp, nông dân sản xuất nông nghiệp thường thua thiệt với điệp khúc được mùa rớt giá. Vùng sắn Văn Yên là một minh chứng khá rõ nét cho công tác quản lý và thực hiện quy hoạch. Theo quy hoạch, vùng chuyên canh sắn chỉ rộng 6.000ha ở 17 xã nhưng nay diện tích đã lên tới gần chục ngàn héc-ta ở hầu hết các xã.
Từ việc phát triển tràn lan dẫn đến nhà nông Văn Yên đã bao lần lao đao vì sắn, giá sắn rẻ như cho, không đủ tiền thuê nhân công thu hoạch. Hay trong quy hoạch vùng lúa chất lượng cao làm hàng hóa với diện tích trên 5.000ha nhưng thực hiện thì diện tích lại lớn hơn, bà con sản xuất không liền ô liền thửa, manh mún, tự phát, dẫn đến hiệu quả không cao.
Cũng tương tự như vậy, quy hoạch phát triển vùng chè ổn định 12.000ha - 13.000ha nhưng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch các nhà máy chế biến yếu, nhà máy nhiều dẫn tới thiếu nguyên liệu cho sản xuất, tranh mua bán nguyên liệu.
Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch ngành nông nghiệp đã vậy, công tác quản lý sản xuất cũng dường như không kiểm soát được. Sản xuất nông nghiệp ở Yên Bái chủ yếu là sản xuất nông hộ, không chỉ nông hộ mà phần lớn sản xuất, làm ăn theo xu hướng phong trào, đám đông nên dẫn đến những thua thiệt. Họ nuôi trồng tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, không theo quy hoạch và ít có sự quản lý của Nhà nước.
Thực tế, hoàn cảnh của người dân nông thôn là họ muốn gặt hái thành công nhanh, lợi nhuận lớn mà không hề chú ý tới thị trường, về giá, dẫn tới thua thiệt. Bài học về nuôi nhím vẫn còn nguyên giá trị đối với hàng trăm hộ dân nông thôn đến thành thị. Manh nha từ năm 2006 - 2007, đỉnh điểm là năm 2009 - 2010, phong trào nuôi nhím rộng khắp và đến bất cứ vùng quê nào, thôn xóm nào cũng thấy nói chuyện về nhím.
Giá nhím giống từ 2 - 3 triệu đồng/cặp rồi lên 10 triệu đồng, 20 triệu đồng, cao nhất tới 30 triệu đồng/cặp nhím giống bố mẹ mà không có để mua. Nhà nhà xây chuồng đầu tư nuôi nhím với ước vọng làm giàu. Nhím đẻ ra đến đâu bán hết đến đó, thấy hiệu quả nên nhiều hộ vay ngân hàng cả mấy trăm triệu đồng về tiếp tục mở rộng quy mô. Thế nhưng "nụ cười chưa nở đã tắt trên môi", giá nhím giảm thê thảm ngay một năm sau đó, từ 400.000 - 500.000 đồng/kg nhím hơi giảm xuống còn 300.000 đồng rồi 200.000 đồng, đến nay chỉ còn 120.000 đồng/kg không ai mua. Nhiều gia đình phá sản, lâm vào cảnh nợ nần, đã nghèo nay lại càng nghèo hơn.
Đó là hậu quả của phát triển tràn lan thiếu quy hoạch, định hướng cũng như công tác quản lý Nhà nước.
Câu chuyện trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả vẫn đang là bài toán nan giải đối với nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay, nhà nông Yên Bái có xu hướng đầu tư nuôi thỏ để bán cho một nhà máy chế biến nào đó đang được xây dựng ở một tỉnh phía Bắc.
Cũng có một công ty đứng ra cung cấp bán giống, hướng dẫn kỹ thuật và hứa sẽ ký hợp đồng thu mua hết sản phẩm cho người chăn nuôi với giá ổn định. Chưa biết tính khả thi, hiệu quả đến đâu, tuy nhiên những bài học về nuôi nhím, nuôi ba ba, trồng sắn, chè... vẫn còn nguyên giá trị.
Thiết nghĩ, ngành chức năng cần vào cuộc tìm hiểu và có những định hướng giúp người dân chứ không để phát triển theo kiểu phong trào, tràn lan. Sản xuất nông nghiệp không thể bền vững nếu chúng ta không có một chiến lược khả thi, đồng bộ và làm ăn tự phát, phong trào.
Hơn lúc nào hết, ngành nông nghiệp, các huyện, thị cần có những quy hoạch tổng thể cũng như chi tiết đối với sản xuất nông nghiệp đồng thời tăng cường công tác quản lý, định hướng và nhất là làm sao sản xuất theo chuỗi sản phẩm; giảm tối đa sự lệ thuộc thương lái, không có tổ chức bảo hộ, không nên để sản xuất cây, con theo hướng manh mún, phong trào.
Ngọc Trúc
Các tin khác
Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) cho biết sẽ tăng chuyến bay chặng Hà Nội đến Điện Biên.
Chính phủ thống nhất chủ trương áp dụng biện pháp bình ổn giá sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo đề nghị của Bộ Tài chính
Giá vàng thế giới tiếp tục tuột giảm trong phiên thứ Năm, do lực bán mạnh của các quỹ đầu tư, mở rộng đà giảm hơn sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tái khẳng định quan điểm về triển vọng kinh tế Mỹ và giảm gói mua trái phiếu hàng tháng vào cuối năm nay.
Theo thông tin từ các công ty kinh doanh gas, kể từ ngày 1/5, giá gas bán lẻ trong nước sẽ tăng lên từ 3.300 đến 8.000 đồng/bình 12kg, tùy từng loại gas.