Yên Bái đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng đất trồng cao su
- Cập nhật: Thứ hai, 19/5/2014 | 1:30:22 PM
YBĐT - Từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập và phát huy lợi thế đất đai, năm 2009, UBND tỉnh Yên Bái đã chấp thuận cho Tập đoàn Cao su Việt Nam đầu tư phát triển vùng cây cao su tại huyện Văn Chấn và Văn Yên. Ngay trong niên vụ 2009 - 2010, Công ty Cao su Yên Bái đã trồng được 500ha.
Người dân xã Phúc Sơn (Văn Chấn) vận chuyển cao su giống về trồng.
|
Đến nay, diện tích này đã đạt gần 1.000ha, phấn đấu đến năm 2020 quy hoạch và trồng trên 10.000ha. Nhìn chung, diện tích cao su đã trồng nay sinh trưởng và phát triển khá tốt.
Để có đất cho trồng cao su, ngày 2/6/2010, UBND tỉnh đã có Quyết định số 790/QĐ-UB về việc thu hồi đất nông nghiệp do Công ty Lâm nghiệp Văn Chấn đang quản lý, sử dụng; Quyết định số 865/QĐ-UB ngày 22/6/2011 của UBND tỉnh về việc thu hồi đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng do Ban Quản lý Dự án 661 huyện Văn Chấn, cộng đồng dân cư thôn, bản, Hạt Kiểm lâm, UBND 11 xã thuộc huyện Văn Chấn đang quản lý; Quyết định số 1671/QĐ-UB ngày 7/11/2013 của UBND tỉnh về việc thu hồi đất nông nghiệp, phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng trên địa bàn 12 xã thuộc huyện Văn Chấn, giao Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Văn Chấn thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư để thực hiện dự án trồng cây cao su theo quy hoạch đã phê duyệt.
Như vậy, tổng diện tích thu hồi đất theo các quyết định của UBND tỉnh là 3.753,3ha tại 13 xã, thị trấn của Văn Chấn. Đảm bảo đủ đất cho phát triển cây cao su và thực hiện các quyết định của UBND tỉnh, huyện đã tuyên truyền, vận động, giúp nhân dân hiểu được đây là một dự án lớn, triển vọng cao đồng thời huy động sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền và người dân. Bên cạnh đó, địa phương cũng đã thành lập Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ tái định cư công trình đồng thời giao, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai rà soát diện tích đất, lập các phương án cũng như thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường.
Ông Vũ Lê Thành Anh - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: “Thực hiện dự án phát triển cây cao su trên địa bàn, huyện Văn Chấn xác định, đây là một cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Huyện đã chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương vào cuộc với tinh thần cao nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. Từ khi thực hiện dự án đến nay, địa phương đã phối hợp với các ngành rà soát, thẩm định, lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng 5 đợt với tổng diện tích đất trên 2.988ha. Tính đến ngày 6/5/2014, Văn Chấn đã tiến hành giải phóng và ban giao cho Công ty Cao su Yên Bái 2.007,2ha, diện tích chưa bàn giao 1.076ha, diện tích chưa lập được phương án là 699,4ha”.
Đối với diện tích đã bàn giao năm 2010 tại xã Sơn Lương, Nậm Lành và Gia Hội, với diện tích 651,3ha đã bàn giao, Công ty Cao su Yên Bái trồng cơ bản kín diện tích, đến nay nhiều diện tích cây đã cao quá đầu người. Năm 2011, luyện lập phương án tại thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, xã Sơn Lương, Nậm Lành, Gia Hội với diện tích 874ha; năm 2012 lập phương án tại 6 xã, thị trấn gồm: thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, Sơn Lương, Nậm Lành, Nghĩa Sơn, Phù Nham, Sơn A với tổng diện tích 334,5ha; năm 2013 lập phương án bồi thường tại 11 xã, thị trấn với tổng diện tích 1.750,1ha. Tuy nhiên, trong tổng số diện tích đã lập phương án của các năm 2010, 2011, 2012, 2013 và tính đến ngày 31/3/2014, địa phương mới bàn giao được 1.826,1ha, còn lại 1.162,5ha chưa bàn giao.
Lý giải về sự chậm trễ này, ông Vũ Lê Thành Anh - Phó chủ tịch UBND huyện cho biết là một số hộ dân đưa ra lý do khi trồng cây cao su sẽ ảnh hưởng đến diện tích lúa nước; một số diện tích đất do người dân xâm lấn từ trước đã trồng cây ăn quả và các loại cây lâm nghiệp khác nên người dân đồng tình trả lại đất nhưng đề nghị có hỗ trợ rồi mới bàn giao. Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến cho rằng, đất bàn giao trồng cây cao su là rừng đầu nguồn nên không bàn giao; một số diện tích người dân cho là bãi chăn thả...
Đối với diện tích 654,8ha đất, đến nay, Văn Chấn vẫn không lập được phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư do phần lớn diện tích người dân đã canh tác, sử dụng từ đời ông cha để lại nhưng sau đó chuyển sang trồng thông theo Dự án 661. Do vậy, các hộ dân này đều mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ công khai phá đất. Trong đó, có 114,6ha đất thuộc các hộ dân ở xã Phù Nham đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, cũng có một phần diện tích đất quy hoạch quốc phòng, đất di dân tái định cư và đất có độ dốc lớn, không liền ô liền khoảnh nên không thể bàn giao trồng cao su.
Để đảm bảo bàn giao đủ đất cho Công ty Cao su Yên Bái, trong những ngày tháng 5 này, Văn Chấn tích cực tuyên truyền cho các hộ dân hiểu rõ về quyền lợi, nghĩa vụ của mình, nhất là đối với diện tích 160ha các hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng 661. Những diện tích này là Nhà nước giao khoán cho người dân, nay thu hồi người dân phải có trách nhiệm trả lại để quy hoạch và sử dụng trồng cây cao su là hoàn toàn đúng quy định hiện hành. Những hộ dân nào cố tình chống đối và cản trở các đơn vị thi công là vi phạm pháp luật. Đối với diện tích 654,8ha đất không lập được phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, huyện sẽ đề nghị UBND tỉnh xem xét, rà soát, thu hồi, bổ sung diện tích đất khác để bàn giao cho Công ty Cao su Yên Bái theo đúng tiến độ.
Thanh Phúc
Các tin khác
Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt Chương trình phát triển thương mại điện tử (TMĐT) quốc gia giai đoạn 2014-2020 với tổng kinh phí 450 tỷ đồng.
YBĐT - Thời gian gần đây, giá rau xanh trên các chợ địa bàn thành phố Yên Bái bất ngờ tăng mạnh, từ 30 - 50% so với tháng trước. Trong khi nguồn cung từ các vùng rau tại chỗ đã cạn kiệt thì rau dưới xuôi và rau Trung Quốc đã chiếm lĩnh thị trường.
Bộ Tài chính vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị trong ngành giải quyết bồi thường, hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại vì hành vi biểu tình quá khích của một số người thời gian qua.
Ngày 18/5, tại Quảng Ninh, dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 18 đã chính thức thông xe đoạn Uông Bí - Hạ Long và khởi công xây dựng đoạn Bắc Ninh - Uông Bí.