Để đồng vốn chính sách phát huy hiệu quả

  • Cập nhật: Thứ năm, 29/5/2014 | 9:24:40 AM

YBĐT - Ngay sau khi Quyết định số 34 có hiệu lực, NHCSXH Yên Bái đã chỉ đạo trực tiếp các đơn vị trực thuộc triển khai đến chính quyền, các đoàn thể tại các địa phương và kể từ ngày 1/5/2014, hộ nghèo và cận nghèo ở Yên Bái có nhu cầu sẽ được ngân hàng cho vay tối đa ở mức 50 triệu đồng.

Đồng bào Mông xã Nậm Khắt (Mù Cang Chải) vay vốn từ NHCSXH để mua trâu phát triển sản xuất.
Đồng bào Mông xã Nậm Khắt (Mù Cang Chải) vay vốn từ NHCSXH để mua trâu phát triển sản xuất.

Ông Nguyễn Minh Hưng - Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh cho biết: “Tính đến hết tháng 4 năm 2014, tổng nguồn vốn của NHCSXH Yên Bái là hơn 1.600 tỷ đồng, tổng dư nợ 1.591 tỷ đồng với 11 chương trình cho vay. Điều đáng mừng nhất là người dân vay vốn chính sách đã biết sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả. Những mô hình hay, cách làm mới trong quá trình sử dụng đồng vốn chính sách xuất hiện ở khắp nơi. Tỷ lệ nợ quá hạn giảm dần qua từng năm, hiện nay tổng số nợ quá hạn 11,7 tỷ đồng, chiếm 0,74%; nợ đã khoanh là 4,2 tỷ đồng, chiếm 0,26%”.

Về cơ sở mới thấy người nông dân trân trọng đồng vốn chính sách của Nhà nước thế nào. Mười triệu đồng tiền vốn chính sách thực sự là nguồn lực để nhiều hộ vươn lên: anh Lê Văn Truyền ở xã Bảo Hưng (Trấn Yên) có thêm nguồn vốn mua được chiếc xe ben làm nghề vận tải; cô Nguyễn Thị Hoan ở thành phố Yên Bái đầu tư toàn bộ vào việc mua cám về nuôi lứa lợn thịt; bà Hòa ở xã Hòa Cuông (Trấn Yên) mua được con trâu khỏe về để chồng con đi khai thác gỗ thuê.

Vốn chính sách còn góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hội, đoàn thể nhận ủy thác. Hàng vạn tổ tiết kiệm vay vốn của hội cựu chiến binh, phụ nữ, nông dân, Đoàn thanh niên đã ra đời, thu hút các hội viên tham gia. Bên cạnh một phần lợi nhuận thu được để có kinh phí chi dùng, nội dung các buổi sinh hoạt cũng đã phong phú thêm khi hội viên, đoàn viên bàn cách sử dụng vốn, cách làm ăn, cách chi tiêu tiết kiệm.

Chị Bồ Thị Hoa - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Trấn Yên cho biết: “Thấy được vai trò của việc nhận ủy thác, Hội Phụ nữ huyện đã tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và sự giúp đỡ của NHCSXH, xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức thực hiện việc nhận ủy thác, thành lập các tổ tiết kiệm và vay vốn”.

Đến nay, phụ nữ Trấn Yên đã có 114 tổ vay vốn với 4.184 thành viên và đã giải ngân số tiền lên đến trên 76 tỷ đồng. Xác định rõ việc sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả, đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo cho hội viên là nhiệm vụ quan trọng nhất trong công tác hội nói chung và việc nhận ủy thác nói riêng, những năm qua, cán bộ Hội Phụ nữ Trấn Yên tích cực đi cơ sở, phối hợp với các phân, chi hội làm tốt công tác kiểm tra, giám sát đồng thời chủ động, tích cực lồng ghép với các chương trình, dự án, các hoạt động của các ngành nghề kinh tế - xã hội khác nhằm nâng cao nhận thức nói chung và kiến thức làm ăn, quản lý kinh tế hộ gia đình nói riêng.

Vốn chính sách của Chính phủ đã đến tay người khó khăn và thực sự phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai đã xuất hiện những vướng mắc như: mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo chỉ có 30 triệu đồng, số tiền ấy là rất đáng quý nhưng đã không còn phù hợp với tình hình và giá cả hiện nay; nhiều nông dân nghèo muốn vay vốn mua một chiếc máy xay xát nhưng tổng chi phí đã lên tới trên 50 triệu đồng; giá mỗi con trâu to khỏe, có thể dùng ngay vào việc đi kéo gỗ cũng khoảng trên dưới 60 triệu đồng… Từ thực tế này, Hội đồng Quản trị NHCSXH Việt Nam đã có Quyết định số 34 về việc kể từ ngày 1/5/2014, nâng mức cho vay hộ nghèo từ 30 triệu đồng lên 50 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Minh Hưng - Phó giám đốc NHCSXH tỉnh Yên Bái thì “Đây là quyết định hết sức đúng đắn, nó giống như việc cởi nút thắt về vốn cho hộ nghèo và cận nghèo”.

Ngay sau khi Quyết định số 34 có hiệu lực, NHCSXH Yên Bái đã chỉ đạo trực tiếp các đơn vị trực thuộc triển khai đến chính quyền, các đoàn thể tại các địa phương và kể từ ngày 1/5/2014, hộ nghèo và cận nghèo ở Yên Bái có nhu cầu sẽ được ngân hàng cho vay tối đa ở mức 50 triệu đồng. Một vấn đề khác cũng cần được Chính phủ và Hội đồng Quản trị NHCSXH Việt Nam xem xét: mức lãi suất vốn vay chính sách hiện nay là 7,8%/năm - mức lãi suất đã duy trì từ rất lâu - nếu trong bối cảnh mặt bằng lãi suất còn ở mức cao 20% hay 23% như trước đây thì mức này thực sự ưu đãi.

Nhưng hiện nay, lãi suất của các ngân hàng thương mại bình quân là 9,5%/năm, nhiều gói hỗ trợ xuống đến 8% và 8,5%/năm, trong khi mức lãi suất của NHCSXH vẫn là 7,8%/năm thì quá cao. Tính ưu đãi và chính sách của kênh tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách như vậy chưa hợp lý. Mong rằng, mức lãi suất này sớm được điều chỉnh giảm để đồng vốn chính sách của Chính phủ thực sự phát huy hiệu quả!

 Lê Phiên

Các tin khác

Bộ Tài chính vừa có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đầu mối giữ ổn định giá bán xăng, dầu trong nước như hiện hành, cho dù giá bán xăng dầu trong nước đang thấp hơn giá cơ sở.

Ảnh minh họa

Thông tin này được đại diện Ngân hàng Nhà nước đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 28/5.

Thông tin từ cuộc họp về báo cáo điều chỉnh Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ GTVT vừa tổ chức cho biết, một số tuyến cao tốc đã được xem xét lại để điều chỉnh dựa trên dự báo lưu lượng giao thông, các quy hoạch và các đề xuất liên quan.

YBĐT - Huyện Văn Chấn (Yên Bái) vừa tiến hành triển khai kế hoạch Chương trình 135 năm 2014 tới Ban quản lý Dự án của 28 xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn và các xã có thôn bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn toàn huyện. Được biệt, năm 2014, huyện Văn Chấn tiếp tục được Nhà nước đầu tư nguồn vốn gần 26 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục