Nghĩa Lợi tìm hướng thoát nghèo

  • Cập nhật: Thứ năm, 5/6/2014 | 2:28:26 PM

YBĐT - Công tác đào tạo nghề ở địa phương cần được quan tâm hơn nữa, tập trung đào tạo trung hạn, dài hạn vào những ngành nghề đang rất thiếu như: dệt may; sửa chữa ô tô, xe máy; sửa chữa điện tử, điện dân dụng.

Nông dân xã Nghĩa Lợi thu hoạch lúa chiêm xuân.
Nông dân xã Nghĩa Lợi thu hoạch lúa chiêm xuân.

Bên cạnh thay đổi cách thức đào tạo nghề, việc khôi phục các làng nghề gắn với phát triển du lịch cộng đồng cũng cần được quan tâm hơn bởi hiện tại và tương lai, thị xã Nghĩa Lộ đang vươn tới xây dựng một thị xã văn hóa.

Xã Nghĩa Lợi (thị xã Nghĩa Lộ) nằm trọn trong cánh đồng Mường Lò, diện tích tự nhiên chỉ vẻn vẹn 360ha với 902 hộ, trên 5.000 nhân khẩu. Hiện tại Nghĩa Lợi là xã thuộc Chương trình 135 duy nhất của thị xã và cũng là xã nghèo nhất của thị xã. Với một xã thuần nông, không có nghề phụ, đời sống người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp và làm thuê thì làm sao để giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo là vấn đề nan giải đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền địa phương.

Mặc dù là xã nằm trong vùng cánh đồng Mường Lò, vựa lúa lớn thứ hai của vùng Tây Bắc, có điều kiện khá thuận lợi để phát triển nông nghiệp, với 136ha lúa nước, hiện tại đã làm hai vụ, sản lượng trên 1.600 tấn nhưng Nghĩa Lợi cũng chỉ đảm bảo một phần lương thực cho người dân. Vụ đông hàng năm, xã thực hiện được trên 100ha; đàn trâu duy trì trên 500 con phục vụ cày bừa, không phát triển theo hướng hàng hóa được do không có bãi chăn thả; phát triển chăn nuôi lợn, gia cầm cũng hạn chế nhiều do điều kiện đất đai chật chội của đa số hộ dân.

Phát triển làng nghề mặc dù đã có cả một đề án khôi phục và phát triển làng nghề dệt thổ cẩm nhưng không mang lại hiệu quả. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ chưa phát triển.

Trên địa bàn xã mới chỉ có một cơ sở sản xuất gạch bê tông, tạo việc làm cho 12 - 14 lao động; số hộ mở dịch vụ buôn bán nhỏ chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Không có nghề phụ, trong khi điều kiện để phát triển chăn nuôi hạn chế cùng hàng loạt những khó khăn về trình độ thâm canh... đã hạn chế rất nhiều đến sự phát triển của Nghĩa Lợi. Đó cũng là nguyên nhân đến nay Nghĩa Lợi vẫn là xã thuộc vùng 135 với 52,55% hộ nghèo. Tìm hướng thoát nghèo lâu nay vẫn là trăn trở của Đảng bộ, chính quyền xã.

Với một xã thuần nông như Nghĩa Lợi, Đảng bộ xã đã chọn hướng đi phát triển chăn nuôi nhỏ, xây dựng các làng nghề, phát triển du lịch cộng đồng, xuất khẩu lao động. Đây là những vấn đề đã được Đảng bộ và chính quyền đưa ra bàn thảo và thực hiện. Để tận dụng lao động lúc nông nhàn, góp phần tăng thu nhập cho nông dân thì phát triển làng nghề là một hướng đi trọng tâm mà xã thực hiện trong vài năm gần đây. Nghĩa Lợi đã có cả một đề án phát triển làng nghề tại bản Chao Hạ 1 nhưng không duy trì và phát triển được.

Bà Hà Thị Vân - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: "Việc phát triển làng nghề dệt thổ cẩm nếu làm được sẽ rất tốt bởi lẽ nguồn lao động lúc nông nhàn còn dôi dư nhiều. Tuy nhiên, do không có nguồn tiêu thụ nên nghề dệt dần mai một, hiện chỉ còn vài hộ trong xã là còn duy trì được. Bên cạnh đó, trong số hơn 800 hội viên phụ nữ xã thì có tới 36% hội viên không biết đọc, viết, làm ảnh hưởng rất lớn đến phát triển làng nghề cũng như tiếp cận, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp". Bên cạnh trở ngại trong phát triển làng nghề thì phát triển chăn nuôi cũng chưa mang lại hiệu quả.

Ông Lò Văn Hải - Phó chủ tịch UBND xã cho biết: "Là một xã thuần nông, bên cạnh trồng trọt thì chăn nuôi quy mô nông hộ là hướng để xóa nghèo hiệu quả. Tuy nhiên, xã chỉ lựa chọn được những hộ có điều kiện đất rộng để phát triển chăn nuôi hàng hóa, trồng nấm rơm... Còn lại đa số hộ dân nằm trong vùng cánh đồng Mường Lò, diện tích đất ở vốn đã rất hẹp chứ chưa nói diện tích dành cho chăn nuôi. Do vậy rất khó để phát triển chăn nuôi mà chăn nuôi với số lượng ít thì rất khó mang lại hiệu quả kinh tế".

Bài toán xóa nghèo, từng bước đưa Nghĩa Lợi ra khỏi xã vùng 135 quả là khó nhưng không phải không có giải pháp hợp lý. Hiện tại, Nghĩa Lợi có trên 2.700 lao động, tuy nhiên mới chỉ có 692 lao động được qua đào tạo, chiếm tỷ lệ 26,16%. Trong số lao động được đào tạo này mới chỉ dừng lại ở mức đào tạo qua các lớp tập huấn ngắn ngày với các ngành nghề như: kỹ thuật trồng ngô, trồng rau an toàn, kỹ thuật chế biến sắn...

Với những ngành nghề được đào tạo đó rất khó để lao động địa phương xin được việc làm và có mức lương ổn định ở các khu vực thành thị, khu công nghiệp. Bởi vậy, công tác đào tạo nghề ở địa phương cần được quan tâm hơn nữa, tập trung đào tạo trung hạn, dài hạn vào những ngành nghề đang rất thiếu như: dệt may; sửa chữa ô tô, xe máy; sửa chữa điện tử, điện dân dụng.

Bên cạnh thay đổi cách thức đào tạo nghề, việc khôi phục các làng nghề gắn với phát triển du lịch cộng đồng cũng cần được quan tâm hơn bởi hiện tại và tương lai, thị xã Nghĩa Lộ đang vươn tới xây dựng một thị xã văn hóa. Trong đó, du lịch cộng đồng là yếu tố không thể thiếu để tạo nên một Nghĩa Lộ như hiện nay. Tuy nhiên, để làm được như vậy, Nghĩa Lợi cần tổ chức cho cán bộ và chính người dân đi tham quan, học tập cách làm ở các địa phương khác, gần nhất chính là mô hình du lịch cộng đồng ở xã Nghĩa An hiện đang mang lại hiệu quả rất khả quan.

"Vạn sự khởi đầu nan", khi mô hình du lịch cộng đồng ở Nghĩa An mới khởi động, ít ai nghĩ có thể thành công nhưng qua thời gian, với cách làm độc đáo, chắt lọc không giống với các mô hình du lịch cộng đồng khác trong khu vực đã giúp cho Nghĩa An có thương hiệu riêng của mình và trực tiếp mang lại thu nhập cho người dân.

Bài toán xóa nghèo ở Nghĩa Lợi còn lắm gian nan. Tuy nhiên, nếu Đảng bộ, chính quyền xã quyết tâm cộng với sự đồng thuận của người dân, tin chắc với lợi thế của mình thì bài toán xóa nghèo ở đây sẽ không còn là bài toán khó.  

 Anh Dũng

Các tin khác
Hiện nhu cầu vàng vật chất tại châu Á vẫn suy yếu.

Giá vàng lại quay đầu giảm trong phiên thứ tư khi các nhà đầu tư lo lắng về khả năng sắp tới Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ cắt giảm lãi suất và dữ liệu việc làm quan trọng của Mỹ không khả quan sẽ công bố vào cuối tuần này. Ngân hàng ANZ dự báo, tới cuối năm nay, giá vàng có thể giảm về mức 1.180 USD/ounce.

Ngành dệt may và may mặc đặt chỉ tiêu đạt mức nội địa hóa 60% vào năm 2015.

Theo HSBC, mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc đơn thuần là mối quan hệ chuỗi cung ứng cấp 1 hơn là mối quan hệ đầu tư. Sự kiện gần đây chính là cú hích để Việt Nam đẩy nhanh tiến trình cải cách chính sách gia tăng nội lực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Diễn đàn DN Việt Nam giữa kỳ 2014.

Với chủ đề “Từ chương trình tới hành động - Chuẩn bị cho các hiệp định thương mại mới”, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2014 được tổ chức sáng nay, ngày 5/6.

YBĐT - Bằng việc chuyển đổi cơ cấy cây trồng nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị canh tác, nhiều hộ dân ở thôn Khe Lầy, xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã chuyển đổi những chân ruộng hai vụ kém năng suất sang trồng dưa bở. Nếu đầu ra thuận lợi, sản phẩm dưa bở có chỗ đứng trên thị trường thì cây dưa bở thực sự là cây trồng chủ lực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân trong thôn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục