Từ mô hình đến nhân rộng

  • Cập nhật: Thứ ba, 26/8/2014 | 2:46:26 PM

YBĐT - Sản xuất nông nghiệp hiện nay đã thuận lợi nhiều so với trước kia do hệ thống kênh mương nội đồng được chú trọng đầu tư, nâng cấp, đó là đòn bẩy cho nông nghiệp sản xuất bền vững.

Dồn điền đổi thửa, xây dựng các cánh đồng mẫu lớn tạo điều kiện thuận lợi để đưa cơ giới hoá vào sản xuất.
Dồn điền đổi thửa, xây dựng các cánh đồng mẫu lớn tạo điều kiện thuận lợi để đưa cơ giới hoá vào sản xuất.

Việc chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa giá trị cao, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, cung cấp cho thị trường nhiều loại nông sản, mang lại thu nhập cao cho nông dân. Tuy nhiên, đối với một tỉnh miền núi trình độ dân trí không đồng đều, ruộng đồng manh mún nên quá trình ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất gặp không ít khó khăn.

Thực tế, hàng năm, thông qua các chương trình hoạt động của hệ thống khuyến nông phối hợp với các doanh nghiệp hoặc tự mình tổ chức hàng trăm mô hình trình diễn, hội nghị đầu bờ, các lớp tập huấn… nhằm đưa tiến bộ KHKT vào đồng ruộng, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, sau khi kết thúc mô hình thì chẳng mấy hộ áp dụng được vào thửa ruộng của mình. Bà Lường Thị Cạnh, thôn 10, xã Minh Xuân (Lục Yên) cho biết: "Tôi cũng muốn năng suất lúa, ngô của gia đình cao lắm chứ nhưng để đạt được như mô hình trình diễn thì khó lắm. Bây giờ, giá các loại vật tư nông nghiệp khá cao, trong khi giá bán nông sản lại thấp. Chị thử tính mà xem, bình quân 1kg lúa giống từ 60.000 - 125.000 đồng tùy vào loại giống, phân NPK 5.000 - 8.000 đồng/kg tùy loại rồi thuốc bảo vệ thực vật, công lao động… trong khi giá lúa hiện nay chỉ 7.000 - 9.000 đồng/kg tùy loại thóc. Nếu chăm sóc tốt khi thu hoạch cũng chỉ được trên dưới 2 tạ thóc/sào. Tính ra, mỗi sào lúa chỉ lãi được vài chục nghìn đồng. Nếu nhà không có người làm mà phải thuê toàn bộ thì làm ruộng thậm chí còn lỗ".

Tuân thủ đúng hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông, bảo vệ thực vật thì chi phí đầu tư cho cây lúa khá lớn trong khi thu nhập của nông dân vốn đã thấp nay lại trăm thứ phải chi tiêu. Do đó, thay vì bón đủ lượng phân cần thiết thì người nông dân bớt đi từ 1/4 đến 1/3, thậm chí đến một nửa nên năng suất khó có sự đột phá.

Bên cạnh việc giá vật tư đầu vào ngày càng tăng cao thì việc đa phần ruộng đất manh mún nhỏ lẻ cũng khiến cho việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật trở nên khó khăn hơn. Hiện nay, diện tích ruộng của các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh chỉ đạt khoảng vài sào/hộ nhưng lại không tập trung mà nằm ở nhiều xứ đồng khác nhau. Điều đó đã hạn chế việc đưa tiến bộ kỹ thuật, đưa cơ giới vào sản xuất. Từ thực tế này, các cấp chính quyền, ban, ngành đã tính đến chuyện dồn điền đổi thửa nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Mô hình cánh đồng mẫu lớn cũng đã được triển khai ở một số địa phương như Liễu Đô, Minh Xuân, Tân Lĩnh (Lục Yên) với 40ha hay như cánh đồng Mường Lò, vùng sản xuất lúa hàng hóa Đại - Phú - An (Văn Yên)… nhưng nếu để nhân ra diện rộng thì có lẽ rất khó bởi hầu hết nông dân chưa quen với việc sản xuất lớn.

Từ trước đến nay, đa phần người nông dân vẫn canh tác theo tập quán và kinh nghiệm qua nhiều năm làm ruộng của chính mình. Còn một nguyên nhân nữa khiến việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào đồng ruộng khó khăn là tình trạng thiếu hụt lao động trong ngành nông nghiệp. Lực lượng lao động trẻ, có trình độ hầu hết đều ly hương, ly nông, tìm các việc làm khác ở thành phố với mong muốn có thu nhập cao hơn. Ở nông thôn chỉ còn lại người cao tuổi, trẻ em đang trong độ tuổi đến trường. Hầu hết các công việc đồng áng đều do họ phải tự lo liệu từ việc đổi công hay thuê người làm. Một bộ phận nông dân, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa chưa thực sự chú trọng việc chăm sóc cây trồng.

Không thể phủ nhận hiệu quả của việc áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất như việc năng suất cây trồng tăng cao hơn trước vài tạ/ha. Nhưng để áp dụng tiến bộ KHKT một cách đồng bộ phải chuyển hướng sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh, hình thành nhiều hơn các vùng sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó, để bảo đảm cho người nông dân yên tâm sản xuất thì cần phải có thị trường ổn định, lâu dài. Không chỉ vậy, muốn đạt được hiệu quả thì bắt buộc phải dồn đổi ruộng đất để sản xuất hàng hóa.

Ông Nguyễn Đức Luận - Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái) cho biết: "Để áp dụng tiến bộ KHKT vào thâm canh nhằm nâng cao năng suất cây trồng, xã cũng đã tiến hành vận động nhân dân dồn điền đổi thửa nhưng người dân chưa đồng tình hưởng ứng".

Sản xuất nông nghiệp hiện nay đã thuận lợi nhiều so với trước kia do hệ thống kênh mương nội đồng được chú trọng đầu tư, nâng cấp, đó là đòn bẩy cho nông nghiệp sản xuất bền vững. Điều quan trọng hiện nay phụ thuộc vào ý thức sản xuất của người nông dân, cần thay đổi theo hướng: phải mạnh dạn trong sản xuất, đầu tư cải tạo đồng ruộng; phối hợp với chính quyền thực hiện dồn điền đổi thửa; áp dụng có khoa học các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; sản xuất theo quy hoạch, quy mô hàng hóa... Cùng với đó, các cấp chính quyền, ban, ngành tích cực phối hợp với người dân tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm… Nếu làm được như vậy, những mô hình chuyển giao kỹ thuật mới có thể đạt hiệu quả cao, được nhân ra diện rộng và đưa vào sản xuất đại trà.

Hồng Duyên

Các tin khác
Ảnh minh họa.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, ngành thép Việt Nam sẽ bị cạnh tranh với ngành thép lớn nhất thế giới là Nga, lớn hơn nhiều so với Trung Quốc.

Ảnh minh họa

Ngày 25/8, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đã công bố chính thức triển khai Chương trình 50 Doanh nghiệp CNTT- Viễn Thông hàng đầu Việt Nam 2014 (Vietnam’s 50 Leading ICT Companies 2014).

Đồng chí Tạ Văn Long - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tặng bằng khen cho các doanh nghiệp nộp thuế tiêu biểu năm 2013.

YBĐT - Hiện, toàn tỉnh Yên Bái có trên 1.270 doanh nghiệp, trong đó trên 640 công ty TNHH, 300 công ty cổ phần, 280 doanh nghiệp tư nhân, 20 doanh nghiệp FDI và 17 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, 5 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Trong thời gian qua, các doanh nghiệp này ngoài giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương còn tích cực đóng góp nghĩa vụ thuế với ngân sách Nhà nước

Ổn định thuế nhập khẩu xăng dầu cho tới cuối năm.

Theo văn bản Bộ Tài chính gửi tới các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, thuế suất nhập khẩu đối với các mặt hàng xăng dầu sẽ được giữ ổn định cho tới hết năm nay.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục