Để chăn nuôi bò phát triển bền vững
- Cập nhật: Thứ năm, 4/9/2014 | 9:51:43 AM
YBĐT - Nhờ nhiều chương trình, dự án hỗ trợ phát triển đàn bò, tổng đàn bò không ngừng tăng lên, đã có thời điểm đàn bò toàn tỉnh Yên Bái đạt 38.770 con vào năm 2007, nhưng từ năm 2008 đến nay, lại có chiều hướng giảm.
Trồng cỏ phục vụ chăn nuôi đại gia súc là một trong những giải pháp để đàn bò phát triển bền vững.
|
Chỉ trong vòng 7 năm, toàn tỉnh đã giảm hơn 50%, đến nay chỉ còn 18.324 con. Ngoài nguyên nhân khách quan thì những bất cập trong khâu giống, phát triển đồng cỏ… đang là những rào cản.
Khó khăn trong chăn nuôi bò
Theo số liệu thống kê năm 2006, tổng đàn bò của tỉnh đạt 33.141 con, năm 2007 đạt 38.770 con. Tuy nhiên, từ năm 2008 trở lại đây, đàn bò có xu hướng giảm mạnh. Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đến tháng 4 năm 2014, đàn bò có 18.324 con. Như vậy, trong vòng 7 năm, tổng đàn bò của tỉnh đã sụt giảm trên 50% số lượng.
Nguyên nhân chính dẫn đến đàn bò tiếp tục giảm là do tập quán chăn nuôi của người dân chủ yếu để tận dụng sức kéo nên người dân thích chăn nuôi trâu hơn, nhiều hộ đã bán bò chuyển sang nuôi trâu. Mặt khác, do quá trình cơ giới hóa trong nông nghiệp, nhu cầu sử dụng trâu, bò cày kéo giảm nên người dân đã bán trâu, bò. Bãi chăn thả, diện tích đất trồng cỏ bị thu hẹp. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 2.800ha đất cỏ, trong đó diện tích cỏ trồng hiện có chiếm trên 88% là đất tận dụng diện tích bờ bãi và các bãi đất trống trong năm do đó năng suất, sản lượng không ổn định. Trên địa bàn tỉnh đã có một số dự án trồng cỏ nhưng chỉ trong phạm vi hẹp của chương trình dự án, chưa có dự án quy hoạch cho trồng cỏ phục vụ chăn nuôi.
Theo tính toán, sản lượng cỏ khai thác từ đồng cỏ và cỏ trồng hiện nay mới đáp ứng được khoảng 30% lượng thức ăn. Còn lại chủ yếu là khai thác, tận dụng từ rơm rạ, thân ngô, cỏ ven bờ bãi và dưới tán rừng, do đó chất lượng thức ăn gia súc chưa bảo đảm, hiệu quả chăn nuôi chưa cao. Hiệu quả chăn nuôi bò chưa cao, chất lượng đàn bò còn thấp, đặc biệt ở vùng cao chủ yếu là giống bò nội, khả năng sản xuất thấp, nếu nuôi bò thịt thì không hiệu quả; việc luân chuyển bò đực giống chưa được quan tâm, dẫn đến tình trạng thoái hóa, giảm khả năng sản xuất.
Từ năm 1996, tỉnh đã thực hiện chương trình Sind hóa đàn bò bằng hai hình thức là: phối giống nhân tạo tại vùng thấp và cho đực giống nhảy trực tiếp tại vùng cao. Tuy nhiên, việc nhân rộng đàn bò lai Sind được thực hiện nhiều năm vẫn thiếu tính bền vững, nguyên nhân chủ yếu do đàn bò lai Sind ra đời hầu như được bán chuyển đi địa phương khác hoặc bán thịt ở độ tuổi còn non, bò cái lai Sind không được giữ lại để thay thế dần đàn bò cái sinh sản địa phương. Như vậy, hiệu quả cải tạo, nâng cao tầm vóc, thể trạng đàn bò không cao. Do chăn nuôi phân tán lại thiếu đực giống nên hệ số sinh sản thấp, nhiều người đã chuyển sang hình thức phát triển kinh tế khác.
Ngoài ra, trong thời gian qua, tình hình thiên tai, dịch lở mồm long móng xảy ra và diễn biến phức tạp đã gây thiệt hại và ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư chăn nuôi. Mặt khác, liên tiếp những năm gần đây, các loại phụ phẩm phục vụ chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi trâu, bò đều không ngừng tăng giá. Trong khi đó, nghịch lý đang tồn tại trên thị trường là giá bán trâu, bò không tăng ở mức tương ứng. Tại nhiều nơi, nhất là những địa bàn không có bãi chăn thả, hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi trâu, bò đạt mức quá thấp, thậm chí không có lãi. Đó là nguyên nhân khiến người chăn nuôi "quay lưng" với việc nuôi bò.
Giải pháp
Từ phân tích trên và thực tế hiện nay thì việc chọn phương án giữ ổn định quy mô tổng đàn, nâng cao sản lượng và giá trị chăn nuôi bò là giải pháp phù hợp. Để nâng cao sản lượng và giá trị chăn nuôi cần tập trung giải quyết 3 yếu tố cơ bản: giống, nguồn nguyên liệu thức ăn thô xanh, kiểm soát tốt dịch bệnh. Dân gian có câu: "Tốt nái tốt một ổ, tốt đực tốt cả đàn".
Kinh nghiệm cho thấy, khâu giống đóng vai trò quan trọng trong chăn nuôi. Do đó, ngành nông nghiệp cần triển khai trên diện rộng chương trình cải tạo đàn bò theo hướng Sind hóa trên cơ sở phát triển nhanh mạng lưới thụ tinh nhân tạo phục vụ nhân giống và sử dụng bò đực giống đã qua chọn lọc ở những nơi chưa có điều kiện làm thụ tinh nhân tạo; khuyến khích bảo tồn và phát triển các giống bò địa phương như giống bò Mông nhằm từng bước nâng cao chất lượng các giống bò và tăng cường độ đa dạng sinh học.
Hiện nay, Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh thực hiện Dự án cải tạo đàn bò bằng phương pháp truyền tinh nhân tạo giai đoạn 2011 - 2015 tại 90 xã trong tỉnh, mỗi năm phối giống cho 1.300 - 1.500 lượt bò cái tại vùng thấp, đáp ứng khoảng 80% nhu cầu bò cái phối giống tại khu vực này. Chất lượng con giống sản xuất nâng lên rõ rệt, khả năng tăng trọng nhanh, trọng lượng trưởng thành tăng 45% - 50% so với giống bò nội, tỷ lệ thịt xẻ cao hơn 20% so với giống nội. Ngoài ra, hiện tại, Trung tâm cũng tiến hành phối tinh bò Brahman với bò cái lai Sind để tạo ra con lai hướng thịt có năng suất và chất lượng cao. Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng những vùng nguyên liệu tập trung, chuyên canh tạo nguồn nguyên liệu phục vụ chăn nuôi bò.
Để làm được điều này, các địa phương nên dành quỹ đất cho việc trồng cỏ, phục vụ chăn nuôi gia súc, trong đó có chăn nuôi bò và vận động người dân chuyển những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi; tận dụng các phế phẩm nông nghiệp như ngô, mía… cùng với hướng dẫn cách bảo quản, dự trữ thức ăn chăn nuôi. Đồng thời là tăng cường hơn nữa công tác dự báo về các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất và thị trường sản phẩm chăn nuôi bò; mở các lớp thú y để người dân nhận biết dịch bệnh, chú trọng tiêm phòng định kỳ cho gia súc. Đồng bộ các giải pháp trên cùng với nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích về giống, xây dựng đồng cỏ, hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi, hạn chế thả rông… tiếp tục được thực hiện thì chắc chắn, trong thời gian tới, chúng ta sẽ xây dựng được đàn bò cho giá trị, sản lượng cao.
Văn Thông
Các tin khác
Việt Nam tăng hai hạng trong Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố hôm qua (3/9), xếp thứ 68 trên 148 nền kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục Dự án "Quy hoạch phát triển điện gió Việt Nam" sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức của Chính phủ Đức.
YBĐT - Thực hiện Kết luận 61 của Ban Bí thư Trung ương, đến nay, huyện Văn Chấn đã huy động tổng nguồn vốn hơn 2,1 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân các địa phương phát triển sản xuất.
YBĐT - Trong những năm gần đây, nhận thức về vai trò của rừng đã được xã hội quan tâm, đặc biệt việc thực hiện chi trả phí dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) được xem là một trong những giải pháp nhằm duy trì giá trị của rừng, đảm bảo sự công bằng cho chủ rừng, giảm thiểu chi phí hỗ trợ từ ngân sách cho các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR).