Thông xe tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ sáu, 19/9/2014 | 9:50:52 AM

YBĐT - Chỉ còn hơn một ngày nữa (ngày 21/9), tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai có chiều dài 245km - tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam sẽ được thông xe. Đây là bước đột phá lớn của ngành giao thông, mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương vùng Tây Bắc.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Yên Bái kiểm tra hồ sơ gói thầu Dự án đường cao tốc Nội bài - Lào Cai đoạn qua tỉnh Yên Bái, tháng 7/2014.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Yên Bái kiểm tra hồ sơ gói thầu Dự án đường cao tốc Nội bài - Lào Cai đoạn qua tỉnh Yên Bái, tháng 7/2014.

Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai có vai trò đặc biệt quan trọng, thuộc hành lang đường bộ Côn Minh - Hải Phòng, nằm trong chương trình hợp tác giữa 6 nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông là Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma và Trung Quốc. Dự án triển khai góp phần thực hiện thành công thoả thuận cấp chính phủ giữa Việt Nam và Trung Quốc về xây dựng, phát triển hai hành lang và một vành đai kinh tế trọng điểm, bao gồm: hành lang Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; hành lang Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng; vành đai kinh tế duyên hải vịnh Bắc bộ.

Ông Mai Tuấn Anh - Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), cho biết: Đây là một trong những dự án đường cao tốc lớn nhất Việt Nam với tổng chiều dài 245 km theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, đi qua thành phố Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai. Đoạn từ Hà Nội đến Yên Bái có quy mô bốn làn xe, hai làn dừng khẩn cấp với tốc độ thiết kế 100 km/giờ và đoạn từ Yên Bái đi Lào Cai xây dựng cao tốc hai làn xe, hai làn dừng khẩn cấp, tốc độ thiết kế 80 km/giờ. Dự án có tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) 1 tỷ 464 triệu USD gồm: vay ưu đãi của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hơn 236 triệu USD, vay thông thường (ADB) hơn 1 tỷ USD và vốn đối ứng hơn 170 triệu USD. Dự án được đầu tư trong giai đoạn nền kinh tế thế giới và trong nước suy giảm, công tác giải phóng mặt bằng gặp muôn vàn khó khăn, giá trúng thầu của một số gói thấp hơn dự toán được duyệt từ 15% đến 26%.

Với diện tích giải phóng mặt bằng 2.062,38 ha, Dự án phải thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) cho 25.031 hộ dân bị ảnh hưởng, xây dựng 99 khu tái định cư, di dời và xây mới hàng trăm công trình công cộng đồng thời áp dụng chương trình phục hồi thu nhập cho gần 17.000 hộ dân. Dự án đã thi công nhiều hạng mục với khối lượng “khổng lồ”, gồm: 120 cầu lớn nhỏ (trong đó có 2 cầu lớn là cầu sông Hồng và cầu sông Lô với chiều dài 1,68km, rộng 16,5m);1 hầm xuyên núi dài 530m, cao 9m, rộng 14,01m hầm chui (giao quốc lộ 2) dài 645m; 12 nút giao khác mức, 13 trạm thu phí, 5 trạm dừng nghỉ rộng 23ha, xử lý mái dốc hơn 1,3 triệu mét vuông, 460 cống hộp và cống phục vụ dân sinh, 895 cống tròn thoát nước các loại với khối lượng đất đá đào đắp lên đến 100 triệu mét khối, trên 6 triệu mét khối cấp phối đá dăm; gần 1,8 triệu tấn bê tông nhựa các loại, trên 600.000 mét khối bê tông, gần 91.000 mét dài cọc khoan nhồi…

Một đoạn đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. (Ảnh: Quang Thiều)

Chiều 17/9, tại tỉnh Vĩnh Phúc, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã tổ chức họp báo chuẩn bị thông xe và đưa vào khai thác Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Dự án xây dựng Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai là một trong những dự án đường cao tốc có quy mô lớn nhất tại Việt Nam với tổng chiều dài 245km đi qua thành phố Hà Nội và các tỉnh: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai. Ngày 25/4/2009, tại xã Kim Long, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức phát lệnh khởi công Dự án. Đến nay, toàn bộ 8/8 gói thầu đã hoàn thành, đủ điều kiện đưa vào khai thác.

Theo kế hoạch, ngày 21/9, tuyến cao tốc này sẽ chính thức thông xe toàn tuyến, giúp giảm thời gian lưu thông từ Hà Nội đi Lào Cai chỉ còn hết khoảng 3,5 giờ thay vì 7 giờ như hiện nay với mức phí từ 300.000 - 1.220.000đồng/lượt xe ô tô. Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho việc thông xe đã được hoàn thành.

Để phục vụ Dự án này, đã có trên 25.000 hộ dân phải di dời giải phóng mặt bằng. Nhằm sớm ổn định cho người dân bị thu hồi đất, VEC đã xây dựng tổng cộng 99 khu tái định cư; xây dựng mới hàng trăm công trình công cộng (chợ, trường học, nhà văn hóa…); áp dụng chương trình phục hồi thu nhập cho gần 17.000 hộ dân, thông qua các mô hình hỗ trợ đào tạo, làm kinh tế gia đình như nuôi gia cầm, nuôi thỏ, làm khung nhôm kính, biogas…

Cùng với đó, VEC cũng phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức tuyển dụng 178 người dân bị thu hồi đất để đào tạo làm việc cho VEC, trong đó, địa bàn huyện Sóc Sơn (Hà Nội) tuyển 17 người, Vĩnh Phúc 68 người, Phú Thọ 25 người, Yên Bái 44 người và Lào Cai 24 người.

Quang Thiều - Anh Dũng

Sau hơn 5 năm thi công, mặc dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách, thời tiết nắng mưa thất thường, nhiều thời điểm, mưa triền miên hàng  tháng, chỉ một ngày hửng nắng hiếm hoi đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công, đặc biệt là đoạn từ nút giao IC 10 đến nút giao IC 14 có lý trình từ Km79+060 đến Km149+705 với tổng chiều dài 71 km, thuộc phạm vi gói thầu xây lắp A4, A5, do nhà thầu là Công ty Keangnam (Hàn Quốc) thi công. Đoạn tuyến đi qua huyện Cẩm Khê và huyện Hạ Hoà (tỉnh Phú Thọ) và thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên, Văn Yên (tỉnh Yên Bái), trong suốt quá trình thi công đã rất chậm so với tiến độ, yêu cầu đề ra. Một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến hai gói thầu này "sa lầy" tiến độ là do nhà thầu chính thiếu vốn lưu động, chậm thanh toán tiền cho các nhà thầu phụ khiến công trường bị "đắp chiếu" một thời gian dài.

Khó khăn là thế nhưng với sự quan tâm, hỗ trợ chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, các tỉnh, thành phố nơi có tuyến đường đi qua, cùng với sự linh hoạt, nỗ lực, quyết tâm cao của chủ đầu tư, các nhà thầu thi công, Dự án đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Đến nay, các gói thầu, đoạn tuyến lần lượt được hoàn thành và đưa vào thông xe khai thác toàn bộ cả 8/8 gói thầu với tổng chiều dài 245 km. Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã hoàn thành và đưa vào khai thác góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trong khu vực Tây bắc.

Được sự cho phép của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải, để phát huy hiệu quả đầu tư của Dự án, giảm áp lực cho các quốc lộ khu vực Tây Bắc..., VEC đang gấp rút chuẩn bị cho ngày tổ chức thông xe, đưa vào khai thác toàn tuyến Dự án đường cao tốc Nội Bài -Lào Cai. Để chuẩn bị cho việc khai thác, VEC đã tổ chức tuyển chọn, đào tạo nguồn nhân lực, thành lập các đơn vị quản lý vận hành, bảo trì và thu phí đường, đồng thời làm việc với Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Bộ Công an), lực lượng cứu hộ y tế và các cơ quan, chính quyền địa phương nơi có tuyến đường đi qua, thống nhất quy chế phối hợp điều hành, kiểm soát giao thông; tổ chức trực cứu hộ, cứu nạn, cứu thương 24/24 giờ... để bảo đảm an toàn cho các phương tiện giao thông trên đường cao tốc. Quá trình khai thác, chủ đầu tư sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thi công gấp rút hoàn thiện các hạng mục còn lại của Dự án.

Tổng giám đốc VEC Mai Tuấn Anh cho biết thêm: Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đưa vào khai thác là bước đột phá lớn của ngành giao thông, giúp giảm thời gian lưu thông từ Hà Nội đi Lào Cai xuống còn 3 giờ 30 phút (trước đây là 7 giờ). Tuyến đường còn mở ra cơ hội lớn phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương khu vực Tây Bắc, là đòn bẩy tăng trưởng GDP cho các tỉnh khi giao thương được thuận tiện và nhanh chóng, thúc đẩy phát triển du lịch, giảm áp lực giao thông và tai nạn trên các quốc lộ 2, 2B, 32C, 4E và 70. Thời gian từ Hà Nội đi các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang cũng rút ngắn một nửa so với lưu thông trên tuyến đường hiện hữu. Các phương tiện tham gia giao thông trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai còn tiết kiệm tối đa nhiên liệu, an toàn, không gặp phải các điểm giao cắt với các tuyến đường khác.

Đức Toàn

Các tin khác
Đồng chí Hoàng Xuân Nguyên (đội mũ) - Phó chủ tịch UBND tỉnh cùng với lãnh đạo Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh kiểm tra tình hình thực tế chương trình thụ tinh nhân tạo cho bò.

YBĐT - Đàn bò của tỉnh Yên Bái hiện có trên 18.000 con. Số lượng đầu đàn đang giảm dần qua từng năm. Không chỉ suy giảm về mặt số lượng mà chất lượng cũng là vấn đề cần được quan tâm. Để khắc phục những vấn đề này, việc bổ sung những giống mới vào là rất cần thiết. Vì vậy, thời gian qua, Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh đã tiến hành cải tạo đàn bò bằng giống bò Brahman.

Ngày 18-9, tại Hà Nội, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình đã có buổi tiếp và làm việc với ông Takehiko Nakao, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhân chuyến thăm và làm việc của ông tại Việt Nam.

Ảnh minh họa.

NHNN đang nghiên cứu xây dựng gói hỗ trợ vay mua nhà trị giá tối đa 2 tỷ cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang để trình Thủ tướng xin ý kiến.

Hiện nay, trên thị trường có quá nhiều danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật.

YBĐT - Thời gian qua, việc quản lý, kiểm tra hoạt động kinh doanh cũng như sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên địa bàn tỉnh Yên Bái được các cơ quan chức năng thường xuyên tiến hành. Tuy nhiên, một thực tế gây khó khăn cho việc quản lý thuốc BVTV là tình trạng có quá nhiều danh mục thuốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục