Điểm sáng giảm nghèo
- Cập nhật: Thứ sáu, 10/10/2014 | 9:46:38 AM
YBĐT - Từ một xã còn nhiều khó khăn, đến nay, cuộc sống của người dân Tân Thịnh đã có nhiều chuyển biến sắc nét, là điểm sáng trong công tác giảm nghèo của huyện Văn Chấn...
Anh Phạm Hữu Chanh ở thôn 3, xã Tân Thịnh nuôi thỏ mỗi năm thu nhập 200 triệu đồng.
|
Đảng bộ xã Tân Thịnh có 260 đảng viên sinh hoạt ở 14 chi bộ thôn bản, 3 chi bộ nhà trường và 1 chi bộ hợp tác xã. Trong những năm qua, Đảng bộ đã khắc phục mọi khó khăn, lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong xã hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
Chúng tôi đến Tân Thịnh vào một ngày cuối tháng 9, khi toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đang nỗ lực lập thành tích chào mừng kỉ niệm 56 năm ngày Bác Hồ lên thăm Yên Bái. Hai bên đường, nhiều nhà cao tầng mọc lên với kiểu dáng và kiến trúc hiện đại. Điều đáng trân trọng là mỗi nhà đều dành một khoảng ở mặt tiền thoáng đãng để treo cờ Tổ quốc.
Ông Trần Văn Dĩnh - Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã phấn khởi cho biết: "Để phát huy vai trò của Đảng trong lãnh đạo phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn, Đảng bộ xác định trước hết cần nâng cao trình độ, nhận thức, phát huy tính chủ động, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên. Bởi vậy, Đảng bộ thường xuyên quan tâm đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thông qua việc quán triệt chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh; kiểm tra và duy trì sinh hoạt của các chi bộ... Đặc biệt, trong nhiều năm qua, Đảng bộ đã thực hiện tốt cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Nhờ đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên và các đoàn thể ngày càng tích cực vận động bà con cùng tham gia các phong trào".
Tân Thịnh có suối Mỵ và Ngòi Lao chảy qua, đây là nguồn cung cấp nước tưới cho gần 100ha lúa nước trên địa bàn. Để khai thác lợi thế này và giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, Đảng bộ đã lãnh đạo tốt công tác quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Bằng nguồn đầu tư của tỉnh, xã được đầu tư xây dựng 2 công trình thủy lợi là Khe Quất và Phai Mỵ, đây là 2 công trình thủy lợi cung cấp nước tưới cho trên 30ha ở 4 cánh đồng: Khe Hả, Đồng Then, Đoan Trang và Đồng Thắm. Phát huy tốt công trình mà Nhà nước đầu tư, Đảng bộ xã thường xuyên vận động nhân dân khai thông dòng chảy, phát dọn cây dại trên toàn bộ tuyến mương đồng thời vận động nhân dân không thả gia súc ở những nơi có kênh mương thủy lợi để tránh làm hư hỏng.
Đồng thời là tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa những giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất và tổ chức gieo cấy thời vụ đúng lịch chỉ đạo của huyện; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các đại lý trên địa bàn cung ứng đủ giống chất lượng tốt cho nhân dân; chỉ đạo khuyến nông xuống cơ sở nắm bắt kịp thời tình hình sâu bệnh để có biện pháp xử lý. Do làm tốt công tác chỉ đạo nên nhiều năm qua, từ chỗ không bảo đảm an ninh lương thực thì đến nay, Tân Thịnh đã có lúa hàng hóa với 136ha lúa nước cấy 2 vụ, năng suất cả năm đạt 12 tấn/ha.
Cùng với lúa nước, chè là cây thế mạnh được xã tập trung phát huy. Hiện nay, gần 400ha chè của địa phương được chăm sóc tốt, trong đó có 100ha chè giống mới có năng suất và chất lượng cao là LDP1 và LDP2; diện tích 40ha chè già cỗi ở thôn 8, 9, 10 đang được trồng, cải tạo lại bằng giống chè chất lượng cao Bát Tiên, Phúc Vân Tiên; năng suất chè đang đạt gần 12 tấn/ha/năm. Với giá bán bình quân 4.000 đồng/kg, Tân Thịnh hàng năm thu về gần 16 tỷ đồng, đây là một số tiền tương đối lớn để bà con tái đầu tư sản xuất ở một xã thuần nông miền núi. Cùng với đó, chính quyền xã đã vận động nhân dân và doanh nghiệp cùng thực hiện việc đối lưu hàng hóa.
Về phía doanh nghiệp sẽ hướng dẫn nhân dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái và đầu tư trước phân bón cho nhân dân; đổi lại, đến thời kỳ thu hoạch, nhân dân sẽ bán chè búp tươi cho doanh nghiệp bằng giá thị trường. Ngoài ra, xã còn vận động nhân dân thực hiện sản xuất chè theo mô hình VietGAP. Nhân dân thành lập 5 nhóm hộ, mỗi nhóm 30 hộ, tổ chức sản xuất theo đúng kỹ thuật chè chất lượng cao. Khi thực hiện VietGAP, mỗi hộ được đầu tư xây 1 bể chứa các chất thải ở mỗi nương chè nhằm bảo đảm vệ sinh khu sản xuất đồng thời quy định thời gian an toàn của sản phẩm từ khi phun thuốc đến khi thu hái. Đẩy mạnh thâm canh lúa, chè, xã còn vận động nhân dân trồng được 90ha ngô, 45ha sắn và trên 60ha rau màu.
Tích cực đầu tư vốn vay từ các dự án, ngân hàng, tín dụng nhân dân, Tân Thịnh đã tập trung phát triển mạnh chăn nuôi gia súc làm kinh tế hàng hóa. Năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 24% thì cuối năm 2013 còn 18% và năm 2014 này phấn đấu giảm xuống còn 10%.
Từ một xã còn nhiều khó khăn, đến nay, cuộc sống của người dân Tân Thịnh đã có nhiều chuyển biến sắc nét, là điểm sáng trong công tác giảm nghèo của huyện. Phát huy nội lực, tập trung nguồn vốn, đẩy mạnh sản xuất gắn với công tác xóa đói giảm nghèo chính là hướng đi đúng, tạo nên sức bật cho Tân Thịnh hôm nay. Hy vọng rằng, từ những kết quả có được sẽ tiếp tục là động lực để địa phương ngày càng đổi mới và phát triển, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, bảo đảm thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững.
Quang Thiều
Các tin khác
YBĐT- Chiều 9/10, UBND tỉnh Yên Bái và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cùng ký kết Thỏa thuận Hợp tác chiến lược về viễn thông- công nghệ thông tin giai đoạn 2014-2020.
YBĐT - Đội quản lý thị trường số 4, huyện Văn Yên (Yên Bái) vừa tổ chức tiêu hủy một lượng lớn hàng quá hạn sử dụng, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa không có nhãn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa nhập lậu chưa qua kiểm định.
YBĐT - Ông Phạm Hữu Chanh, thôn 3, xã Tân Thịnh (Văn Chấn) được người dân địa phương biết đến không chỉ với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh gương mẫu, nhiệt tình trong công tác hội mà còn là người đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế gia đình. Trang trại của gia đình ông luôn có hàng nghìn cặp thỏ, hàng trăm con gà thương phẩm kết hợp với thả cá trắm, trôi, chép... mỗi năm thu về gần 200 triệu đồng tiền lãi.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa phê duyệt dự án “Giám sát và xác định đặc tính virus cúm có nguy cơ gây ra đại dịch toàn cầu” (OSRO/INT/001/USA), giai đoạn hai do Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) tài trợ.