Sản xuất vụ đông theo hướng hàng hóa
- Cập nhật: Thứ hai, 13/10/2014 | 3:03:12 PM
YBĐT - Để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác, nhiều năm nay, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã phát triển cây vụ đông trên đất lúa hai vụ. Đây là hướng đi quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của huyện, tạo ra tập quán thâm canh ba vụ trong năm, hình thành những cánh đồng cho thu nhập cao.
Nông dân thôn Bản Chanh, xã Phù Nham thu hoạch cà chua.
|
Với các xã vùng cánh đồng Mường Lò, đã xa rồi cái thời làm xong vụ mùa, nhà nông cất cày, cất cuốc cho đồng đất “ngủ đông”. Xã Phù Nham những ngày này, nhà nhà đóng cửa, tất bật với công việc đồng áng. Vụ đông thu hút nhiều nông dân tham gia bởi giá trị lợi nhuận mang lại. Ba năm nay, vụ đông nào gia đình chị Nguyễn Thị Ngát ở thôn Bản Chanh đều trồng gần 2.000m2 cà chua. Khi các cây trồng vụ đông ở nơi khác còn đang bén rễ, vườn cà chua nhà chị đã có nhiều thương lái đến thu mua. Chị Ngát cho biết: “Trung bình mỗi cây cà chua cho thu hoạch gần 3kg quả. Đầu vụ, giá bán tại vườn 10.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình thu về khoảng 70 triệu đồng. Trồng cà chua tuy tốn nhiều công sức nhưng khi thu hoạch, các thương lái về tận nơi mua, rất thuận lợi”.
Còn gia đình ông Nguyễn Văn Điệp có 5.000m2 ruộng cũng chọn ngô làm cây trồng chủ lực. Ông Điệp cho biết: “Năm nào cũng vậy, thu hoạch xong lúa mùa, gia đình tập trung nhân lực làm ngô đông. Trồng ngô đông phù hợp nhất vì dễ trồng, tốn ít công chăm sóc, thu hoạch xong dễ bảo quản. Lá cho trâu bò ăn, hạt dùng phục vụ chăn nuôi, khi thừa sẽ bán cho thương lái”.
Nhờ trồng cây vụ đông nhiều hộ nông dân Văn Chấn đã có “của ăn của để”. Chỉ riêng năm 2013, huyện đưa vào sản xuất được trên 2.400ha cây vụ đông. Theo ước tính của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, mỗi năm, vụ đông mang về cho nhà nông Văn Chấn gần 60 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Vụ đông đã trở thành vụ thu nhập chính, nâng cao đời sống của người dân vùng Mường Lò. Trong sản xuất vụ đông, thời vụ đóng vai trò quyết định. Do đó, huyện chỉ đạo sát sao chuyển đổi thời vụ lúa xuân và lúa mùa bằng các giống lúa ngắn ngày để kịp thời vụ làm vụ đông; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cho nông dân; thường xuyên mở các lớp tập huấn, tư vấn kỹ thuật. Với phương châm “sáng lúa, chiều ngô”, các xã đã khẩn trương thu hoạch lúa mùa sớm, tận dụng thời gian tốt nhất gieo trồng cây vụ đông. Đến ngày 5/10, chúng tôi đã hoàn thành việc gieo trồng ngô đông trên đất 2 vụ lúa”.
Theo kế hoạch vụ đông năm nay, huyện Văn Chấn đưa vào sản xuất 2.450ha cây vụ đông. Ngô đông vẫn giữ vai trò chủ đạo với diện tích 1.700 ha, trong đó, ngô đông trồng trên đất 2 vụ lúa 1.100ha tập trung ở cánh đồng Mường Lò. Đây là loại cây trồng phù hợp vì dễ bảo quản và có đầu ra ổn định. Các giống ngô lai có tiềm năng năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn như: DK6919, AG59, SB099... làm chủ lực và ngô nếp MX4 (chiếm từ 10 - 20% diện tích) làm ngô non hàng hoá.
Theo tính toán của các hộ nông dân, một năm làm 2 vụ lúa cùng với ngô đông sẽ cho thu nhập khoảng trên 80 triệu đồng/ha. Đặc biệt, ngoài ngô đông truyền thống, những năm qua, huyện mở rộng diện tích một số loại cây rau màu mới có giá trị kinh tế cao như: cà chua, su hào, bắp cải, súp lơ, cà rốt, mướp đắng...
Những cây trồng này tập trung ở các xã có khả năng đầu tư thâm canh và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như: thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, thị trấn Nông trường Liên Sơn, xã Phù Nham, xã Sơn A. Đặc biệt, huyện mở rộng diện tích trồng cà chua với diện tích khoảng 50ha ở các xã: Phù Nham, Sơn A, Sơn Thịnh với năng suất bình quân đạt 45 tấn/ha, giá trung bình từ 4.000 đồng - 5.000 đồng/kg, mỗi héc - ta trồng cà chua cũng mang về trên 160 triệu đồng. Ngoài ra, để khuyến khích người dân tích cực tham gia phong trào sản xuất vụ đông, huyện thực hiện chính sách của tỉnh, hỗ trợ từ 30 - 50% giá giống tùy theo từng giống ngô; tiếp tục liên kết với các công ty cung ứng giống cho bà con theo hình thức trả chậm.
Hiệu quả sản xuất vụ đông ở Văn Chấn đã rõ, tuy nhiên diện tích vụ đông trên đất 2 lúa vẫn chỉ tập trung tại các xã vùng cánh đồng Mường Lò, chưa phát triển ở vùng ngoài. Trong tiêu thụ vẫn còn đó những trăn trở về giá thành và đầu ra cho sản phẩm do sản xuất vụ đông vẫn thiếu mắt xích doanh nghiệp. Những cây trồng có giá trị cao như: cà chua, khoai tây, tiêu thụ vẫn dựa vào thương lái, chỉ được giá đầu vụ, khi sản phẩm thu hoạch rộ, giá xuống thấp. Mong từ vụ đông này, những trăn trở về đầu ra của sản phẩm sẽ được giải quyết để nhà nông phấn khởi, bắt tay vào sản xuất với phương châm “sáng lúa, chiều ngô”.
Văn Thông
Các tin khác
Giảm mức trích Quỹ Bình ổn giá 200 đồng/lít, kg (từ 300 đồng/lít,kg xuống còn 100 đồng/lít,kg) đối với tất cả các chủng loại xăng, dầu.
YBĐT - Nhằm phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội trong việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định lấy ngày 13 tháng 10 hàng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam.
YBĐT - Câu lạc bộ (CLB) Doanh nhân nữ thành phố qua hơn 10 năm hoạt động đã thu hút, tập hợp đông đảo nữ doanh nhân tham gia sinh hoạt. Đây chính là chiếc cầu nối hỗ trợ tích cực cho các chị trong công tác điều hành, quản lý, góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Không chỉ chậm nộp tiền vào Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp khi cổ phần hóa như quy định mà nhiều doanh nghiệp còn dùng tiền đó để kinh doanh.