Đi lên từ nội lực

  • Cập nhật: Thứ năm, 4/12/2014 | 2:39:33 PM

YBĐT - Xác định chăn nuôi và trồng trọt là “đòn bẩy” giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, những năm qua, xã Văn Phú (thành phố Yên Bái) đã tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa...

Cán bộ khuyến nông xã Văn Phú thường xuyên thăm đồng kiểm tra tình hình phát triển sâu bệnh trên cây trồng vụ đông.
Cán bộ khuyến nông xã Văn Phú thường xuyên thăm đồng kiểm tra tình hình phát triển sâu bệnh trên cây trồng vụ đông.

Từ đó, diện mạo kinh tế - xã hội ở Văn Phú đã có nhiều khởi sắc, những vùng rau màu và gia trại chăn nuôi theo hướng hàng hóa được hình thành ngày càng nhiều, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên.

Những ngày này, trên các đồng đất thuộc các thôn 1, 3 và 4 đang dần được phủ kín bởi màu xanh của ngô, cải và nhiều loại cây màu. Đang bận làm đất trên thửa ruộng vừa mới thu hoạch xong loại cải Đông dư nhưng bà Nguyễn Thị Đào, thôn 3 vẫn nhiệt tình tiếp chuyện: “Trồng cải xong rồi chúng tôi phải làm đất gấp để kịp gieo trồng cải cúc phục vụ cho tết. Năm nào nhà tôi cũng tận dụng hơn 2 sào đất trồng lúa để trồng cây vụ 3, tính ra cũng thu về được hơn chục triệu đồng/vụ”.

Cũng là một trong những gia đình có truyền thống sản xuất vụ 3 lâu năm ở Văn Phú nhưng vụ đông năm nay, ông Trần Bình Việt, thôn 3 lại dành toàn bộ gần 1 mẫu ruộng để trồng ngô. “Nếu thời tiết cứ thuận lợi thế này thì chắc chắn ngô sẽ đậu hạt. Theo giá mọi năm cũng cho thu khoảng 10 triệu đồng”.

Theo anh Nguyễn Thanh Lâm, cán bộ khuyến nông xã thì Văn Phú nằm ở vùng ven thành phố, được bồi đắp bởi phù sa sông Hồng nên có nhiều điều kiện thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do diện tích đất ít, toàn xã chỉ có 42ha ruộng, 10ha màu và trên 17,5ha chè, bình quân một hộ dân chỉ có từ 3 - 5 sào ruộng, màu và chè, nếu canh tác không tốt thì khó có thể bảo đảm được đời sống. Do vậy, sản xuất vụ 3 được lãnh đạo xã và người dân đặc biệt coi trọng. Bên cạnh cây ngô thì các loại cải, su hào, cà chua là những cây trồng chính của bà con nhân dân. Đến nay, toàn xã có khoảng 27ha diện tích trồng cây vụ đông, giá trị thu nhập lên đến hàng tỷ đồng.

Cùng với trồng trọt, những năm qua, chăn nuôi trong xã cũng đang phát triển khá mạnh. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi lợn theo phương pháp bán công nghiệp. Chị Mai Thị Nhài, thôn 2 cho hay: “Đang loay hoay không biết làm gì để phát triển kinh tế gia đình, năm 2013, được tham gia Dự án “Hỗ trợ nuôi lợn” của thành phố Yên Bái với mô hình 100 con lợn thịt, vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm rồi thì đàn lợn 100 con của gia đình cũng cho thu hoạch. Giá lợn năm đó lại cao nên lãi trung bình 1,7 triệu đồng/con, cộng cả đàn cũng phải được trên trăm triệu. Có vốn, gia đình lại mở rộng thêm chuồng trại, mua thêm con giống về nuôi”.

Theo chị Nhài, để chủ động nguồn giống, chị đã tự gây lợn nái. Đến nay, chị đã có 11 con lợn nái. Lợn nái đẻ, chị lại để nuôi. Cứ thế quay vòng, nhà chị lúc nào cũng có lợn bán, với giá 43 - 45 nghìn đồng/kg  một năm cũng cho thu nhập trên 100 triệu đồng từ chăn nuôi lợn. Cũng nuôi lợn theo mô hình bán công nghiệp, gia đình ông Trần Ngọc Mão, thôn 3 còn kết hợp cả mô hình lợn rừng với quy mô 50 con lợn thịt và 50 con lợn rừng vừa để tận dụng nguồn thức ăn sẵn có của gia đình như chuối, rau các loại ngô, bỗng rượu vừa kết hợp lấy ngắn nuôi dài trong phát triển chăn nuôi. Kết hợp cả hai mô hình cho thu nhập của gia đình ông năm ít gần 100 triệu đồng, năm nào không dịch bệnh, được giá lãi đến vài trăm triệu đồng.

Ông Phan Thanh Nghị - Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Ngoài việc phát triển rau màu thì chăn nuôi mang lại thu nhập đáng kể cho người dân Văn Phú. Xã đã có nhiều chính sách phát triển chăn nuôi như phối hợp với Trạm Khuyến nông tổ chức các lớp tập huấn kĩ thuật chăn nuôi, thực hiện tốt các chính sách về chăn nuôi; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát triển chăn nuôi; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, phòng dịch bệnh; đưa những giống mới cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Hiện nay, toàn xã đã có 11 hộ chăn nuôi với quy mô 50 đầu lợn trở lên”.

Có thể nói, với việc phát huy tốt nguồn nội lực địa phương mà cụ thể là trồng trọt và chăn nuôi, Văn Phú đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, tỉ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Tính đến năm 2014, toàn xã chỉ còn 5,77% hộ nghèo; thu nhập bình quân cũng từng bước được nâng lên, đã đạt 19 triệu đồng/người/năm.

Hùng Cường

Các tin khác
Người dân thị trấn Nông trường Trần Phú nhận cây giống, chuẩn bị trồng rừng.

YBĐT - Nằm trên quốc lộ 32, vị trí đặt Trạm là cửa ngõ từ Văn Chấn (tỉnh Yên Bái), Phù Yên (tỉnh Sơn La) về Phú Thọ và các tỉnh đồng bằng, Trạm Kiểm lâm Cầu Gỗ thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong việc kiểm soát, ngăn chặn tình trạng vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép.

Chị Trang Thị Da ở thôn Mông Si cho trâu ăn cỏ voi được trồng quanh nhà.

YBĐT - Mùa đông đến là thời điểm gia súc dễ bị suy kiệt, giảm sức đề kháng, dẫn đến chết do đói và rét. Vì thế, những năm qua, công tác phòng chống đói, rét cho đàn gia súc luôn được huyện Trạm Tấu quan tâm, chú trọng. Hiện nay, ngành nông nghiệp huyện tích cực triển khai các biện pháp chống đói, rét cho đàn gia súc, bảo đảm cho gia súc khỏe mạnh, phát triển tốt và hạn chế thấp nhất thiệt hại do thời tiết gây ra.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo về cơ chế giá xăng E5.

Ảnh minh họa

Công ty Than Núi Béo, thuộc Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) vừa xác lập kỷ lục mới về độ sâu trong đào hầm lò than giếng đứng đạt mức -371,6m (so với mực nước biển) đối với giếng phụ và -351,6m đối với giếng chính.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục