Nuôi gà thịt an toàn sinh học: Thời gian ngắn, hiệu quả cao

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/12/2014 | 4:21:24 PM

YBĐT - Những năm gần đây, phong trào chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh Yên Bái phát triển khá ổn định. Tổng đàn gia cầm hiện có trên 3,7 triệu con. Tuy nhiên, người dân chủ yếu nuôi giống gà địa phương, chất lượng tốt nhưng thời gian nuôi kéo dài, hiệu quả kinh tế không cao.

Chị Trần Thị Huế chăm sóc đàn gà để kịp xuất chuồng vào dịp tết Nguyên đán.
Chị Trần Thị Huế chăm sóc đàn gà để kịp xuất chuồng vào dịp tết Nguyên đán.

Bên cạnh đó, vấn đề phòng, chống dịch bệnh chưa được người chăn nuôi quan tâm, chú ý. Trước thực trạng đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình nuôi gà thịt an toàn sinh học tại xã Văn Tiến, thành phố Yên Bái, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.

Như nhiều gia đình khác trong xã, những năm gần đây, do diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp nên gia đình chị Trần Thị Huế ở thôn Văn Quỳ, xã Văn Tiến đã chọn chăn nuôi lợn và gà để phát triển kinh tế gia đình. Giống gà địa phương chăn thả tự nhiên nên chất lượng thơm ngon được người tiêu dùng ưu chuộng. Nhưng do phải nuôi trong thời gian dài (khoảng 6 tháng) trong khi chị Huế chưa chú trọng đến khâu phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại… nên đàn gà thường phát triển chậm và hay mắc bệnh khô chân, dịch tả… Từ khi tham gia mô hình nuôi gà thịt an toàn sinh học, chị được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn theo dõi và kiểm tra các khâu thực hiện trong quá trình chăn nuôi.

Chị cho biết: “Tôi thấy chăn nuôi an toàn sinh học thật sự mang lại nhiều lợi ích. Tỷ lệ gà sống đạt gần như 100%, gà ít mắc bệnh, nhanh lớn. Do sử dụng đệm lót sinh học nên khu vực chăn nuôi sạch sẽ, không có mùi, hết lứa gà còn tận dụng lớp lót làm phân bón cho cây trồng”.

Chị Huế đã tuân thủ đầy đủ các biện pháp kỹ thuật mà cán bộ hướng dẫn như: chuồng trại bảo đảm yêu cầu về diện tích, chống nóng, cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát và được vệ sinh tiêu độc khử trùng; trang bị đầy đủ các dụng cụ chăn nuôi như: trấu, cót, đèn sưởi, thuốc thú y, thức ăn… Trong quá trình nuôi, chị thường xuyên theo dõi, quan sát đàn gà bảo đảm nhiệt độ sưởi ấm và đủ ánh sáng trong 4 tuần tuổi đầu; cho ăn thức ăn công nghiệp đến tháng thứ 2, thả gà ra vườn và cho ăn thêm tinh bột như cám ngô, thóc, chất xơ để gà quen dần với điều kiện chăn thả và giảm chi phí thức ăn; thực hiện nghiêm túc và đồng bộ các biện pháp kỹ thuật như: phòng bệnh bằng vắcxin, thuốc kháng sinh và thực hiện các biện pháp an toàn sinh học như: vệ sinh tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi và môi trường xung quanh, không nuôi chung nhiều loại gia cầm, không nhốt chung gà các lứa tuổi; thay lớp lót chuồng và ủ phân sau mỗi lứa nuôi, hạn chế ra vào khu vực chăn nuôi…

Nhờ đó, sau 3 tháng, 400 con gà ri lai đã đạt trọng lượng bình quân 1,85kg/con, tổng trọng lượng trên 736 kg. Với giá bán 75.000 đồng/kg, đàn gà  sẽ cho thu nhập trên 57,2 triệu đồng, sau khi trừ hết chi phí còn lãi gần 13 triệu đồng. Nếu nuôi loại gà ri truyền thống phải mất từ 180 - 210 ngày/lứa, cùng thời gian đó, nuôi gà thịt theo hướng an toàn sinh học có thể nuôi được hai lứa, thu nhập sẽ tăng lên từ 3 - 4 lần. Sau khi tham gia mô hình thấy có hiệu quả, vừa qua, chị Huế tiếp tục mua 300 con giống về nuôi và dự kiến sẽ cho xuất chuồng vào đúng dịp tết Nguyên đán.

Nuôi gà theo phương pháp an toàn sinh học có thời gian nuôi ngắn, hiệu quả kinh tế cao, chất lượng thịt thơm ngon, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, dễ tiêu thụ, góp phần làm thay đổi tập quán chăn nuôi và nhận thức của người dân trong chăn nuôi gia cầm… Đây là điều kiện thuận lợi để mô hình được nhân ra diện rộng nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao và đặc biệt, giải quyết vấn đề an toàn dịch bệnh cho đàn gia cầm. Kỹ sư Nguyễn Thị Nhàn - Trung tâm Khuyến nông tỉnh nhấn mạnh: “Chăn nuôi gà an toàn sinh học không những là giải pháp tích cực để phòng, chống bệnh cúm gia cầm, bảo đảm cho chăn nuôi phát triển bền vững mà còn cung cấp cho thị trường nguồn thực phẩm sạch, an toàn, bảo vệ sức khỏe cho người chăn nuôi và người tiêu dùng. Chúng tôi đề nghị Nhà nước tiếp tục hỗ trợ kinh phí xây dựng thêm các mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học tại các xã vùng sâu, vùng xa, nhằm nhân rộng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân”.

 Hồng Duyên

Các tin khác
Tuyến đường vào xã là đường đất, mỗi mùa mưa bão rất khó khăn cho việc đi lại, vận chuyển nông sản, hàng hóa của người dân.

YBĐT- Nậm Mười là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn (Yên Bái), có 647 hộ dân sinh sống rải rác ở 8 thôn, bản. Những năm gần đây, nhờ sự đầu tư của Nhà nước, sự tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đời sống người dân được nâng cao.

YBĐT - Ngày 5/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái tổ chức hội nghị tổng kết sản xuất nông, lâm nghiệp năm 2014, triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân năm 2014-2015. (ảnh)

Nhờ làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng nên tỷ lệ che phủ rừng ở Trạm Tấu luôn duy trì trên 52%.

YBĐT - Trạm Tấu là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí thấp, diện tích ruộng nước ít, tập quán canh tác lạc hậu. Vì vậy, tình trạng chặt phá, đốt rừng làm nương rẫy vẫn còn khá phổ biến ở một số xã.

Thủ tục hành chính gọn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân đầu tư vào địa bàn. (Ảnh: Người dân đến giao dịch tại bộ phận giao dịch một cửa của Văn phòng UBND thị trấn Yên Bình).

YBĐT - Cùng với các nhiệm vụ chuyên môn khác, công tác thu ngân sách được thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình (Yên Bái) xác định là một trong những chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong năm. Với cách làm riêng của mình, thị trấn Yên Bình không những đã “cán đích” mà còn vượt kế hoạch thu ngân sách năm 2014.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục