Hợp đồng vay đóng tàu dịch vụ đầu tiên được ký
- Cập nhật: Thứ sáu, 26/12/2014 | 7:48:19 AM
Hợp đồng vay đóng tàu dịch vụ hậu cần của Công ty Thủy sản Lý Sơn (Quảng Ngãi) là 1 trong 2 hợp đồng đầu tiên được ký trên cả nước.
|
Con tàu có tổng nhu cầu vốn hơn 25 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp vay hơn 20 tỷ đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp. Ý tưởng kinh doanh và thiết kế con tàu đã được công ty ấp ủ cả năm trời trước khi có Nghị định 67. Vậy nên quá trình xét duyệt hồ sơ cũng nhanh hơn.
Ông Vũ Văn Hội, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Lý Sơn chia sẻ: "Việc đầu tiên phải có ý tưởng kinh doanh, sau đó lên hướng thiết kế tàu chọn là gì, ngành nghề gì. Rồi liên hệ với đơn vị thiết kế, qua các cấp xét duyệt. Trước khi làm phải thỏa mãn điều kiện đó thì mới nhanh được".
Dù là tỉnh ký được hợp đồng lớn đầu tiên, đại diện UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng thừa nhận, nếu để ngư dân tự tìm hiểu thiết kế đóng tàu là rất khó, vì bà con không quen. Giải pháp đưa ra là để bà con tiếp xúc trực tiếp với cơ sở đóng tàu, đóng góp ý kiến phản hồi, đồng thời đặt ra thời hạn yêu cầu đối với đơn vị.
Ông Phạm Trường Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Đã làm việc với đơn vị tư vấn, thiết kế tàu, yêu cầu chậm nhất 20 ngày, cơ quan tư vấn, thiết kế cùng chủ tàu phải chỉnh sửa hoàn chỉnh để tiếp tục làm việc với ngân hàng, làm sao từ danh sách đến khi hoàn thành thiết kế con tàu là 1-2 tháng".
Vì không quen với văn bản hành chính, nhiều trường hợp ngư dân không nắm được yêu cầu của Nghị định và vẫn xin vay. Địa phương mất hơn 1 tháng hướng dẫn hồ sơ, nhưng đến khi tiếp cận ngân hàng, nhiều người quyết định dừng vay giữa chừng vì không đủ vốn. Các ngân hàng cho biết sẽ điều chỉnh điểm bất cập này trong đợt 2.
Ông Võ Bảy, Giám đốc Ngân hàng Agribank Chi nhánh Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi nói: "Đợt 1 không có sự tham gia của ngân hàng nhưng từ đợt 2 trở đi, theo chỉ đạo của chính quyền, huyện mời thành viên trong tổ giúp việc để thẩm định bước đầu. Tỉnh cũng mời Ngân hàng thương mại làm thành viên trong tổ giúp việc".
Sự vào cuộc rốt ráo từ tất cả các ngành ngay từ giai đoạn tiếp nhận hồ sơ cấp cơ sở, tiếp xúc trực tiếp, giải thích, hướng dẫn và thường xuyên nghe những phản hồi về khó khăn của ngư dân. Đây là những bước không thể thiếu trong bối cảnh bà con còn gặp quá nhiều bỡ ngỡ về thủ tục.
(Theo VTV)
Các tin khác
YBĐT - Ngày 25/12, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các tỉnh, thành phố tại 63 điểm cầu trên cả nước.
YBĐT - Trước tình hình hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại có khả năng diễn biến phức tạp vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, tỉnh Yên Bái sẽ thành lập Đoàn kiểm tra Liên ngành về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái nhằm làm tốt công tác quản lý thị trường, bảo đảm chất lượng hàng hóa và bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.
YBĐT - Niên vụ sản xuất, kinh doanh chè 2014 đã khép lại, sản lượng chè búp tươi đạt trên 88 ngàn tấn, chế biến trên 23 ngàn tấn chè thành phẩm, diện tích trồng mới, trồng cải tạo thay thế cũng đạt trên 758ha. Những con số đã nêu đều đạt và vượt kế hoạch, thể hiện sự nỗ lực cao của ngành chè Yên Bái cần được ghi nhận.
YBĐT - Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII, kinh tế Mù Cang Chải (Yên Bái) đã có sự chuyển dịch đúng hướng, luôn giữ mức tăng trưởng khá, sản xuất nông - lâm nghiệp có nhiều đột phá; đặc biêt, thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng qua các năm, đến nay đạt 10 triệu đồng/người/năm, tăng gần 5 triệu đồng/người so với năm 2010.