Mù Cang Chải: Kinh tế đi trước một bước
- Cập nhật: Thứ năm, 25/12/2014 | 12:58:57 PM
YBĐT - Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII, kinh tế Mù Cang Chải (Yên Bái) đã có sự chuyển dịch đúng hướng, luôn giữ mức tăng trưởng khá, sản xuất nông - lâm nghiệp có nhiều đột phá; đặc biêt, thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng qua các năm, đến nay đạt 10 triệu đồng/người/năm, tăng gần 5 triệu đồng/người so với năm 2010.
Nông dân Mù Cang Chải chăm sóc ngô đông.
|
Với đặc thù là một huyện vùng cao, giao thông đi lại khó khăn, 96% là người Mông, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo lớn… nên Đại hội XVII của huyện Mù Cang Chải đã đề ra 20 chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, trong đó huyện xác định nhiều mục tiêu trọng tâm về phát triển kinh tế. Đó là: phát triển kinh tế đồi rừng gắn với chăn nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa 2 vụ, trồng rừng sản xuất (cây táo), phát triển mô hình trang trại nhỏ của hội viên, đoàn viên các tổ chức chính trị - xã hội… Để hoàn thành các chỉ tiêu này, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã có những chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp trong thu hút nguồn lực đầu tư, sản xuất nông - lâm nghiệp và chăn nuôi.
Theo đó, trong 4 năm qua, thông qua các chương trình hỗ trợ 30A, 134, 135, Chương trình mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới… huyện đã huy động được 1.415 tỷ đồng để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như: đường giao thông đến trung tâm các xã, các thôn bản; trụ sở UBND các xã, hệ thống thủy lợi; trường học, trạm y tế… Từ đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, huyện tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ.
Ông Phạm Tiến Lâm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Ngoài việc đưa các giống lúa có năng suất, chất lượng cao như: Thục Hưng 6, HYT100, Việt Lai 20… vào canh tác thì huyện còn vận động nhân dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng diện tích trồng lúa đông xuân, chuyển đổi diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô… Nhờ đó, diện tích, năng suất và sản lượng các loại cây trồng không ngừng tăng. Chỉ riêng năm 2014, tổng diện tích gieo trồng đạt 7.500ha, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 32.735 tấn, tăng 14.187 tấn, bằng 125,9% nghị quyết Đại hội”.
Cùng với trồng trọt, huyện tập trung các giải pháp để phát triển chăn nuôi. Bên cạnh các chương trình hỗ trợ của Nhà nước về con giống, về vốn, huyện thường xuyên cử cán bộ khuyến nông xuống cơ sở hướng dẫn nhân dân kĩ thuật làm chuồng nuôi nhốt gia súc; làm cây rơm, trồng cỏ voi VA06 để dự trữ thức ăn cho trâu, bò trong mùa đông và cách vệ sinh, phòng dịch cho vật nuôi. Đến nay, tổng đàn gia súc chính toàn huyện tăng bình quân 6 - 7%/năm, đạt trên 54 nghìn con, tăng 12 nghìn con so với năm 2010; đàn gia cầm tăng 8 - 10%/năm, tăng hơn 71 nghìn con so với năm 2010.
Trong lâm nghiệp, huyện đã trồng mới được 3.263ha rừng, trong đó 2.700ha rừng phòng hộ và 563ha rừng kinh tế. Huyện cũng vận động, tuyên truyền nhân dân thực hiện chăm sóc, bảo vệ 69 nghìn héc-ta rừng hiện có, nâng độ che phủ của rừng từ 53,5% năm 2010 lên 61% năm 2014. Ngoài ra, cũng tập trung khai thác các thế mạnh để phát triển các ngành nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp truyền thống như: rèn đúc, dệt thổ cẩm, sản xuất gạch không nung, khai thác vật liệu xây dựng và khai thác tiềm năng thủy điện vừa và nhỏ, khai khoáng, xây dựng… Nhờ đó, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2014 đạt 215 tỷ đồng, tăng 185 tỷ đồng so với năm 2010.
Theo đánh giá của Đảng bộ huyện Mù Cang Chải, đến nay đã có 11/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra, trong đó chủ yếu là các chỉ tiêu nằm trong nhóm kinh tế. Điều này được thể hiện qua sự chuyển dịch đúng hướng của nền kinh tế. Cụ thể, năm 2010, nhóm nông - lâm -nghiệp chiếm 54,6%, đến nay đã giảm còn 47%; nhóm công nghiệp - xây dựng tăng từ 21% lên 27%; nhóm thương mại - dịch vụ tăng 27% - 28,5%.
Có thể nói, sau 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, kinh tế Mù Cang Chải đã có những bước chuyển mạnh mẽ. Tuy nhiên, Đảng bộ huyện Mù Cang Chải cũng đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, hạn chế, đó là: tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng nhưng còn chậm; phát triển sản xuất nông nghiệp còn thiếu đồng bộ, tập quán canh tác còn nhỏ lẻ, chưa ứng dụng khoa học kỹ thuật cao trong sản xuất; chưa phát huy thế mạnh của ngành nghề địa phương; hoạt động sản xuất công nghiệp kém đa dạng, giá trị đạt thấp; việc quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn chưa chặt chẽ; chăn nuôi phát triển đàn gia súc còn gặp nhiều khó khăn vì không có đồng cỏ, thiếu thức ăn trong mùa khô, nhiều nơi vẫn có thói quen thả dông gia súc. Ngoài ra, huyện Mù Cang Chải còn 2 chỉ tiêu khó đạt cần tập trung chỉ đạo quyết liệt từ nay đến hết nhiệm kỳ đại hội là: đường thôn bản đi được xe máy 4 mùa và xã đạt tiêu chí nông thôn mới.
Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII đã đề ra, thời gian tới, Mù Cang Chải tiếp tục tập trung huy động mọi nguồn lực tiến hành mở mới và kiên cố hóa các tuyến đường giao thông nông thôn, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển mạnh công nghiệp, thương mại - dịch vụ và xây dựng nông thôn mới… tiến tới đưa nền kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên...
Hùng Cường
Các tin khác
YBĐT - Nhằm đẩy mạnh phát triển gạch xây không nung, thời gian qua, các địa phương, sở, ngành liên quan đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về lợi ích của việc sử dụng loại vật liệu này.
YBĐT - Ngày 9/1/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg chỉ đạo tạm dừng cấp phép thăm dò, khai thác mới đối với một số loại khoáng sản, trong đó có đá hoa trắng. Do đó, các dự án thăm dò sau khi kết thúc giai đoạn thăm dò, lập dự án đầu tư khai thác đến nay chưa được cấp giấy phép khai thác tiếp theo.
Ngày 24/12, Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 giảm 0,24% so với tháng 11. Tính chung CPI trong 12 tháng qua chỉ tăng 1,84% so với tháng 12/2013 và CPI bình quân năm 2014 so với năm 2013 tăng 4,09%. Đây là tốc độ tăng tương đối thấp trong khoảng 10 năm gần đây.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2015 diễn ra sáng ngày 24/12 tại Hà Nội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu giữ ổn định tỷ giá USD/VND, tương tự như định hướng đã đưa ra ba năm qua.