Cho phép thương mại hóa 3 giống cây trồng biến đổi gen đầu tiên
- Cập nhật: Thứ năm, 19/3/2015 | 7:20:26 AM
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) vừa quyết định công nhận đặc cách đối với 3 giống ngô biến đổi gen (BĐG) đầu tiên được phép chính thức đưa vào sản xuất đại trà tại Việt Nam.
|
Ba giống ngô BĐG này gồm: NK66 Bt (mang sự kiện BĐG Bt11), NK66 GT (mang sự kiện BĐG GA21) và NK66 Bt/GT (mang sự kiện BĐG Bt11 và GA21).
Hiệu quả kháng sâu và kháng thuốc trừ cỏ
Giống ngô BĐG NK66 Bt và NK66 Bt/GT cho hiệu quả phòng trừ sâu đục thân cao, khả năng kháng sâu thể hiện ở tất cả các bộ phận của cây (lá, thân, cờ, bắp), không bị hư hại do sâu đục thân gây hại.
Giống ngô BĐG NK66 GA21 thể hiện mức chống chịu rất cao với thuốc trừ cỏ gốc Glyphosate, sử dụng ngô BĐG NK66 GA21 kết hợp phun Glyphosate 1 lần có thể quản lý cỏ dại tốt trong suốt cả vụ sản xuất và mang lại hiệu quả rõ rệt trong điều kiện áp lực cỏ dại cao đồng thời giảm thiểu công lao động làm cỏ.
Giống ngô BĐG NK66 Bt cho năng suất trung bình 9,24 tấn/ha, vượt trội so với giống nền (8,06 tấn/ha) là 18,6%. Giống ngô BĐG NK66 GT cho năng suất trung bình 8,43 tấn/ha, tương đương so với giống nền (8,42 tấn/ha). Giống ngô BĐG NK66 Bt/GT cho năng suất trung bình 9,24 tấn/ha, vượt trội so với giống nền (7,76 tấn/ha) từ 12,4-37,5%.
Chất lượng hạt thương phẩm của giống ngô NK66 Bt, NK66 Bt/GT cũng tốt hơn so với giống nền do hạt không bị hại bởi sâu đục thân và nấm bệnh.
Việc sử dụng 3 giống ngô BĐG này cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với giống nền từ 30-35,3%.
Việc quản lý hiệu quả sâu đục thân ngô thông qua giống ngô BĐG NK66 Bt, NK66 Bt/GT; quản lý cỏ dại thông qua giống ngô BĐG NK66 GT, NK66 Bt/GT sẽ làm giảm thiểu tối đa thuốc hóa học và phát huy tốt hơn hiệu quả của phân bón, đồng thời đảo bảo mật độ gieo trồng, giống cây sinh trưởng, phát triển tốt, đồng đều hơn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái một cách hiệu quả.
Ba giống ngô BĐG này sẽ được cung cấp cho nông dân bắt đầu trồng vụ đầu tiên vào tháng 4 năm nay, dự kiến thu hoạch vụ đầu tiên vào tháng 7-8 nm nay tại các vùng trọng điểm về ngô của nước ta như: Sơn La, Đắc Lắc, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Bộ NN&PTNT họp báo chiều 18/3 tại Hà Nội để công bố quyết định công nhận 3 giống cây trồng biến đổi gen đầu tiên.
Các giống ngô BĐG được canh tác ở Việt Nam sẽ được nhập khẩu từ nhà máy sản xuất giống ở Philippines. Các giống ngô BĐG này đã được thương mại hóa ở Mỹ, Canada và một số nước hơn 15 năm qua.
Phát biểu tại buổi họp báo diễn ra chiều 18/3, ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết: Các giống ngô BĐG này được công nhận đặc cách vì giống ngô nền NK66 đã được công nhận và ứng dụng phổ biến nhất Việt Nam. Nếu một giống BĐG không đươc tạo ra từ một giống cây trồng đã được khảo nghiệm và công nhận thì phải theo đúng quy trình khảo nghiệm cách ly sau, đồng thời phải được cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học và Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.
Trồng như cây trồng thông thường
Hiện nay, cây ngô là một trong những cây trồng chủ lực ở Việt Nam. Năm 2014, diên tích ngô ở Việt Nam đạt 1,2 triệu ha, với năng suất bình quân khoảng 5,6 tấn/ha. Tuy nhiên, nguồn cung ngô trong nước còn hạn chế, nên hàng năm nước ta phải chi hàng tỷ USD cho nhập khẩu ngô làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi và mức nhập khẩu này đang có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Riêng năm 2014, Việt Nam nhập khẩu 4,3 triệu tấn ngô.
Ngô BĐG được thương mại hóa không phải trồng cách ly mà trồng như giống cây trồng bình thường vì đã được cấp chứng nhận về an toàn sinh học và đủ điều kiện làm thực phẩm và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Chỉ có điều, trong quá trình đưa các giống ngô BĐG này vào sản xuất doanh nghiệp phải tuân theo quy trình quản lý giám sát rủi ro và phải kịp thời theo dõi và báo cáotheo quy định.
Đại diện của bên cung cấp, Công ty Syngenta cho biết: Công nghệ này sẽ mang lại lợi ích cho nông dân có quy mô sản xuất nhỏ ở châu Á với diện tích 0,5ha. Các giống ngô BĐG này có khả năng tiếp cận năng suất tiềm năng của giống nền, cho sản phẩm chất lượng cao hơn, đem lại lợi nhuận cao hơn cho người nông dân, và hy vọng sẽ giúp Việt Nam giảm nhập khẩu ngô.
“Ngô chứa gen Bt ưu tiên áp dụng ở vùng, vụ có áp lực cao về sâu đục thân. Ngô chứa gen GA21 chỉ ưu tiên áp dụng ở vùng, vụ có tập quán sử dụng thuốc trừ cỏ sau khi gieo ngô khi ngô được 3-4 lá. Với những nơi bà con sử dụng thuốc trừ cỏ trước khi gieo ngô thì dùng giống ngô GA21 hiệu quả không cao như mong muốn, nếu họ lựa chọn trồng ở những nơi này thì họ nên chuyển tập quán gieo trồng để đảm bảo hiệu quả sử dụng cao,” ông Quảng khuyến nghị.
(Theo Dân Trí)
Các tin khác
Ngày 18-3, tại tỉnh Hà Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã đến dự lễ động thổ xây dựng Nhà máy sữa NutiFood Việt Nam do Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đầu tư.
YBĐT - Trước thực trạng giá sắn lên xuống thất thường, rất cần các cấp, các ngành sớm tìm ra giải pháp để liên kết chặt chẽ người nông dân trồng sắn và nhà máy cũng như nhà quản lý với nhau để tạo hướng đi ổn định cho cây sắn, tiếp sức cho hàng vạn người nông dân không ngành nghề yên tâm lao động sản xuất, ổn định đời sống.
Sáng 18-3, Triển lãm Hàng hải - INMEX Vietnam 2015, với sự tham gia của hơn 300 doanh nghiệp đến từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đã diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Tân Bình thanh phố Hồ Chí Minh(TBECC).
YBĐT - Để xây dựng Yên Bái phát triển toàn diện, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII đã xác định ba khâu đột phá chính là: phát triển công nghiệp; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đặc biệt là giao thông; phát triển nguồn nhân lực.