Quản lý giá thuốc: Phân rõ trách nhiệm, bảo đảm công khai
- Cập nhật: Thứ hai, 4/5/2015 | 8:21:17 AM
Bộ Y tế vừa công bố dự thảo lần 2 Luật Dược (sửa đổi) để lấy ý kiến. Thực tế cho thấy, không có mặt hàng nào mà người dân không được trả giá như thuốc chữa bệnh. Chính vì vậy, việc cần làm của ngành chức năng là phải quản lý chặt chẽ để bảo đảm công khai, minh bạch giá thuốc khi lưu hành trên thị trường.
Người dân mua thuốc trên phố Hai Bà Trưng (Hà Nội).
|
Phân rõ trách nhiệm
Theo quy định của Luật Dược ban hành năm 2005, Bộ Y tế được giao làm đầu mối mà không phân công nhiệm vụ cụ thể giữa các bộ, ngành trong quản lý giá thuốc. Tại nhiều phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thẳng thắn cho rằng, Bộ Y tế được giao nhiệm vụ quản lý giá thuốc, tuy nhiên, do ngành y tế không có bộ phận quản lý giá, việc phân công nhiệm vụ giữa các bộ, ngành liên quan cũng chưa được rõ… dẫn tới việc quản lý giá đối với mặt hàng đặc biệt này còn nhiều bất cập. Chính vì vậy, trong dự thảo lần 2 Luật Dược (sửa đổi), Bộ Y tế cũng đề xuất làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về giá thuốc của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Công thương và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Với Bộ Tài chính, Bộ Y tế đề xuất cơ quan này xây dựng nguyên tắc xác định trường hợp có biến động bất thường về giá thuốc và trường hợp mặt bằng giá thuốc biến động ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Mặt khác, Bộ Tài chính có nhiệm vụ quy định nguyên tắc kê khai giá thuốc, giá thanh toán đối với các mặt hàng thuốc do Nhà nước đặt hàng và giao kế hoạch, đồng thời triển khai các biện pháp bình ổn giá thuốc theo quy định tại Luật Dược và Luật Giá. Bộ Tài chính còn có trách nhiệm cung cấp cho Bộ Y tế thông tin về giá nhập khẩu thực tế của thuốc nhập khẩu vào Việt Nam (giá CIF). Với Bộ Công thương, trách nhiệm là cung cấp thông tin giá thuốc tại các nước trong khu vực, trên thế giới theo đề nghị của Bộ Y tế, đồng thời kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động cạnh tranh, chống độc quyền, chống đầu cơ lũng đoạn thị trường về giá thuốc. Đối với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm quản lý giá thuốc tại địa phương. Cụ thể là các tỉnh, thành phố phải theo dõi, cung cấp cho Bộ Tài chính, Bộ Y tế thông tin về tình hình giá thuốc trên địa bàn khi có biến động bất thường về giá hoặc mặt bằng giá biến động ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế - xã hội.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, việc phân định rõ trách nhiệm như trên cũng nhằm bảo đảm tính công khai minh bạch trong quản lý. Còn nếu để Bộ Y tế - cơ quan vừa sản xuất, vừa cấp phép, vừa sử dụng, vừa quản lý giá… thì sẽ dẫn tới tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi", không bảo đảm khách quan.
Để bảo đảm an toàn và hiệu quả khi dùng thuốc, tại dự thảo này, Bộ Y tế cũng đề xuất việc quảng cáo thuốc do cơ sở kinh doanh thuốc hoặc người kinh doanh dịch vụ quảng cáo thực hiện và phải tuân theo quy định của pháp luật về quảng cáo. Trước khi quảng cáo, cơ sở có thuốc quảng cáo phải gửi hồ sơ đăng ký nội dung quảng cáo tới cơ quan quản lý nhà nước về dược để xác nhận nội dung quảng cáo. Riêng thuốc kê đơn không được quảng cáo cho công chúng dưới mọi hình thức. Được biết, Luật Dược hiện hành chưa quy định về việc nội dung quảng cáo thuốc cần được cơ quan có thẩm quyền xem xét, thẩm định trước khi quảng cáo để bảo đảm tính trung thực, chính xác, tránh quảng cáo thuốc quá mức dẫn đến hậu quả không mong muốn cho người sử dụng.
Nghiêm cấm bán lẻ thuốc kê đơn
Trên thị trường cả nước hiện có hơn 40.000 nhà thuốc bán lẻ cạnh tranh về giá. Theo các chuyên gia y tế, ở nước ngoài mua thuốc không đơn giản, trong khi đó, Việt Nam là một trong những nước bán thuốc khá tự do. Thậm chí có hiện tượng thuê bằng dược sĩ để bán thuốc. Do vậy, để hạn chế tình trạng người dân tự ý mua thuốc chữa bệnh và cửa hàng thuốc tự bán thuốc thuộc danh mục kê đơn, ngành chức năng phải siết chặt hơn nữa việc quản lý các cửa hàng thuốc.
So với Luật Dược hiện hành, Dự thảo Luật Dược (sửa đổi) lần này đã nhấn mạnh đến việc phải ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất trong nước, đáp ứng yêu cầu điều trị. Bên cạnh đó, Dự thảo cũng đưa ra 13 hành vi kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc bị nghiêm cấm. Đáng chú ý là việc nghiêm cấm các cá nhân, đơn vị lạm dụng vị trí độc quyền hoặc vị trí thống lĩnh thị trường trong kinh doanh thuốc để bán phá giá thuốc, tăng giá thuốc trái quy định của pháp luật; nghiêm cấm thuê, mượn, cho thuê, cho mượn Chứng chỉ hành nghề dược, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, Giấy phép kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc; đồng thời nghiêm cấm hành vi bán lẻ thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc hay lợi dụng việc kê đơn thuốc để trục lợi.
Hiện nay, thuốc sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 50% nhu cầu điều trị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến mong muốn, Luật Dược sửa đổi sẽ tạo đột phá để phát triển công nghiệp dược trở thành mũi nhọn, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và tiến tới xuất khẩu một số loại thuốc. Đặc biệt, thuốc của Việt Nam phải có chất lượng tốt, giá hợp lý để phục vụ cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo.
(Theo HNMO)
Các tin khác
Bộ Nông nghiệp Úc vừa có văn bản chính thức cho phép nhập khẩu trái vải tươi của Việt Nam, kể từ ngày 18/4/2015. Như vậy tính tới thời điểm hiện tại, trái vải là loại trái cây tươi đầu tiên của Việt Nam được cấp phép nhập khẩu.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa thông báo sẽ kết hợp hai quỹ cho vay ADF và OCR của mình và có thể tăng hơn 70% tiền cho các nước nghèo của khu vực vay.
Từ ngày 1/5, mức thuế bảo vệ môi trường đối với một số mặt hàng xăng dầu chính thức được điều chỉnh tăng gấp 3 lần so với mức hiện hành.