Văn Chấn khẩn trương tái đàn lợn thịt, phục vụ tết Nguyên đán
- Cập nhật: Thứ hai, 16/11/2015 | 3:13:26 PM
YBĐT - Dịp tết Nguyên đán hàng năm là thời điểm nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao, nhất là lượng thịt lợn. Vì vậy, cùng với việc đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng hàng hóa, thời điểm này những hộ chăn nuôi ở Văn Chấn đang chủ động mở rộng quy mô đàn lợn, nhắm tới thị trường tết Nguyên đán Bính Thân 2016…
Vừa xuất chuồng gần 2 tấn lợn thịt, gia đình anh Phạm Văn Tú ở thôn An Sơn, xã Hạnh Sơn đã khẩn trương vệ sinh chuồng trại đầu tư chăn nuôi lứa lợn mới. Bằng kinh nghiệm chăn nuôi nhiều năm, anh biết thời điểm này nếu tái đàn nhanh sẽ có lợn thịt kịp bán phục vụ thị trường dịp tết Nguyên đán. Gia đình anh đã chọn nuôi 15 con lợn giống tốt để có đàn lợn thịt chất lượng bán dịp tết.
Anh Tú cho hay: "Trước đây nhà thường nuôi lợn nái để lấy con giống phục vụ chăn nuôi, nhưng thời gian gần đây giá thịt lợn hơi khá ổn định nên gia đình cũng yên tâm đầu tư. Qua tìm hiểu, thấy giống lợn 3 móng lớn nhanh, nhiều nạc nên gia đình mạnh dạn đầu tư, hy vọng bán trong dịp tết Nguyên đán này sẽ được giá cao hơn".
An Sơn là thôn sản xuất thuần nông nhưng do đất sản xuất ít nên người dân An Sơn đã lấy chăn nuôi làm hướng phát triển kinh tế chủ lực. Chăn nuôi lợn đã góp phần giải quyết công ăn việc làm, vừa giúp tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp và giúp cung cấp nguồn phân bón dồi dào cho trồng trọt. Trước đây, đàn lợn của thôn có thời điểm lên trên 1.000 con, tuy nhiên sau đợt dịch tai xanh năm 2010 nhiều hộ đã chăn nuôi dè dặt hơn. Cũng chính từ đợt dịch tai xanh này, mà việc chăn nuôi của thôn đã đi vào quy củ và cả về việc chăm sóc, phòng chống dịch bệnh lẫn định hướng trong chăn nuôi. Hiện toàn thôn có đàn lợn trên 500 con, tập trung ở hơn 20 hộ chăn nuôi, quy mô vừa và nhỏ.
Ông Nguyễn Văn Đảm - Trưởng thôn An Sơn cho biết: "Xác định chăn nuôi là một trong những hướng phát triển kinh tế chủ lực nên chúng tôi đã thường xuyên tuyên truyền, vận động và định hướng để nhân dân đẩy mạnh chăn nuôi. Hiện nay, việc chăn nuôi của thôn đã chuyển dịch theo hướng hàng hóa, hầu hết các hộ dân đều chọn giống bố mẹ tốt để làm lợn nái cung cấp con giống cho gia đình. Đặc biệt, công tác vệ sinh phòng chống dịch bệnh được nhân dân chú trọng, nên trong thôn chưa xảy ra dịch bệnh trên đàn lợn''.
Thấy rõ hiệu quả kinh tế của phát triển chăn nuôi, những năm qua nông dân huyện Văn Chấn luôn chú trọng chăn nuôi lợn. Trong năm 2015, dù giá lợn hơi có những biến động nhưng giá lương thực, thực phẩm thức ăn chăn nuôi ổn định nên nhiều hộ đã mở rộng chăn nuôi trên quy mô vừa và nhỏ. Theo thống kê mới nhất, tổng đàn lợn trên địa bàn huyện đạt trên 91.000 con tăng trên 4.000 con so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chăn nuôi ở Văn Chấn cũng phải chịu sự cạnh tranh của nhiều loại thịt gia súc, gia cầm của các địa phương khác. Khắc phục khó khăn này, nhân dân đã chọn các giống lợn có chất lượng cao, sử dụng các loại lương thực, thực phẩm tại chỗ và không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nhằm giảm bớt chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm thịt lợn. Vì vậy, nên chăn nuôi lợn thịt ở Văn Chấn đã và đang phát huy hiệu quả.
Ở thời điểm cuối năm, nhiều hộ đã chủ động tái đàn, điều chỉnh quy mô đàn lợn để đáp ứng nhu cầu lợn thịt trong dịp tết. Ngoài các trang trại, hợp tác xã có quy mô chăn nuôi lớn thì hầu hết các hộ dân đều gia tăng số lượng con giống. Các giống lợn được lựa chọn thời điểm này chủ yếu là lợn 3 móng, lợn siêu nạc, số ít chọn nuôi đặc sản lợn rừng. Việc mở rộng chăn nuôi đã làm giá lợn giống tăng cao đôi chút, hiện lợn giống siêu nạc giá giao động từ 160.000 - 170.000 đồng/kg, lợn giống 3 móng từ 80.000 -100.000 đồng/kg. Giá cao, nhưng với khả năng lớn nhanh và giá lợn ổn định từ 42.000 đồng/kg trở lên như hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi vẫn hy vọng có lãi cao khi nuôi kịp bán vào dịp tết. Chị Nguyễn Thị Hằng ở tổ dân phố 5, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ chia sẻ: "Gia đình vừa mua 10 con lợn giống siêu nạc trị giá hơn chục triệu đồng. Tuy giống khác đắt nhưng giá lợn thịt lại cao hơn 4 - 5 giá và giống này cũng to hơn giống lợn lai của địa phương. Nếu nuôi đến tết Nguyên đán này được 70 - 80 kg/con khả năng cũng lãi được 5 - 7 triệu đồng".
Có thể thấy, việc chăn nuôi có lúc gặp rủi ro trước những tác động của dịch bệnh và những biến động của thị trường. Trong bối cảnh nhiều loại thịt gia súc, gia cầm đang cạnh tranh gay gắt với thực phẩm nội địa, nhưng những người chăn nuôi ở Văn Chấn vẫn chủ động tái đàn, tăng cường các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, điều chỉnh đàn lợn phù hợp với từng thời điểm, tập trung chăm sóc đàn lợn thịt có chất lượng, nắm bắt nhanh thông tin để cung cấp cho thị trường thực phẩm tết Nguyên đán Bính Thân 2016 những sản phẩm chăn nuôi có chất lượng tốt nhất.
Trần Van
Các tin khác
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Ngày 15-11 tại Hà Nội, đại diện thương mại giữa Việt Nam và New Zealand đã ký kết bốn thỏa thuận ghi nhớ thương mại song phương trong lĩnh vực hàng không và sữa.
Quy hoạch có điều chỉnh phát triển giao thông vận tải 3 miền đến 2030 vừa được Thủ tướng phê duyệt...
YBĐT - Trong tháng 10/2015, trên địa bàn xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải, 88 gia súc có biểu hiện của bệnh LMLM bao gồm: 38 con trâu, 38 con bò và 12 con lợn.