Đổi thay Trạm Tấu
- Cập nhật: Thứ tư, 9/12/2015 | 9:52:38 AM
YBĐT - Trạm Tấu là huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, có trên 95% đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó, đồng bào dân tộc Mông chiếm 77%. Những năm trước đây, các hủ tục lạc hậu truyền từ đời này sang đời khác đã ăn sâu vào trong đời sống của người dân, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Người dân huyện Trạm Tấu thu hoạch ngô.
(Ảnh: Quang Thiều)
|
Trước khó khăn và thách thức đó, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Trạm Tấu đã chủ động xây dựng 5 chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2010 - 2015.
Trong đó, có 2 chương trình về xóa hủ tục lạc hậu thực hiện nếp sống văn hóa mới và chuyển dịch cơ cấu ngành nông - lâm nghiệp với những nội dung cụ thể như: tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ việc thách cưới, tảo hôn, thực hiện tốt các biện pháp sinh đẻ có kế hoạch; vận động khâm niệm người chết vào quan tài, xóa bỏ hủ tục không còn phù hợp trong đám tang; tuyên truyền, vận động nhân dân làm nhà vệ sinh, sử dụng nước hợp vệ sinh
Đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn, tập huấn cho nhân dân nâng cao kỹ thuật thâm canh, xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn, sử dụng những giống lúa, ngô có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất như: giống lúa ĐS1, giống ngô lai Bioseed 9698, C919..., chuyển đổi diện tích lúa nương, sắn kém hiệu quả sang trồng ngô đồi, đẩy mạnh diện tích trồng lúa, ngô hai vụ và từng bước đưa cây ngô trở thành cây hàng hóa; đẩy mạnh trồng cỏ, dự trữ thức ăn, phòng chống rét cho gia súc trong mùa đông; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy Yên Bái về sắp xếp đất đai các xã vùng cao nhằm bảo đảm các hộ nông dân có đất sản xuất, không di cư tự do, không đốt phá rừng làm nương rẫy...
Từ chủ trương đúng đắn, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền và cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện, đến nay, huyện đã có bước tiến bộ vượt bậc trên tất cả các mặt như: các hủ tục lạc hậu từng bước xóa bỏ; cơ bản người chết khâm niệm vào quan tài và chôn trước 48 giờ; không còn tình trạng thách cưới cao, tảo hôn; tình trạng sinh con thứ 3 trở lên đã giảm; nhân dân đã làm nhà vệ sinh và có trên 87% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh.
Kỹ thuật canh tác của người dân nâng lên, không còn tình trạng đốt rừng làm nương rẫy. Sản xuất nông - lâm nghiệp có bước phát triển vượt bậc. Đến nay, diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt đạt 6.516 ha; trong đó, chuyển đổi 700 ha lúa ruộng gieo cấy một vụ lên hai vụ, nâng hệ số sử dụng ruộng nước gieo cấy hai vụ lên 1,92 lần; chuyển đổi 980 ha đất trồng lúa nương, trồng sắn kém hiệu quả sang trồng ngô 2 vụ; khai hoang 97 ha ruộng nước, trồng trên 205 ha cỏ, trên 80% hộ chăn nuôi có chuồng trại... Qua đó, tình trạng gia súc chết do đói, rét không còn.
Huyện cũng vận động 280 hộ có nhiều đất san sẻ 156 ha đất sản xuất cho 338 hộ thiếu đất và cơ bản giải quyết tình trạng di cư tự do. Cơ cấu giống cây trồng trong sản xuất lương thực đã có sự thay đổi rõ rệt như: hình thành vùng sản xuất chuyên canh lúa đặc sản ĐS1 với quy mô 240 ha, bước đầu hình thành vùng trồng ngô hàng hóa ở các xã: Xà Hồ, Pá Lau, Trạm Tấu...
Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 20.400 tấn, tăng gần 7.500 tấn so với năm 2010, vượt 21,4% và về đích so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2010 - 2015 trước 3 năm; hạn chế tình trạng xin hỗ trợ gạo cứu đói. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới thực hiện hiệu quả. Điển hình là xã Hát Lừu đã đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới. Ngoài ra, thực hiện chủ trương ăn chung một tết của Tỉnh ủy Yên Bái, 3 năm qua, huyện đã vận động 100% đồng bào dân tộc Mông ăn chung một tết...
Phát huy kết quả đã đạt được trong việc xóa bỏ hủ tục lạc hậu, thay đổi tập quán canh tác nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân để thoát nghèo nhanh, bền vững, thời gian tới, Đảng bộ huyện đã đề ra một số các giải pháp như: tập trung phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp theo hướng bền vững; quy hoạch một số vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa nhằm có những sản phẩm đặc trưng của huyện: sơn tra, ngô đồi, chè Shan...
Các xã trên địa bàn sẽ đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, xây dựng các mô hình chăn nuôi theo hướng bán chăn thả, trang trại; từng bước xây dựng chợ gia súc trên địa bàn huyện; làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư; thu hút đầu tư vào phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; tiếp tục phát huy tốt vai trò của các tổ chức đoàn thể, cán bộ, đảng viên, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ trong việc vận động nhân dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước...
Ngọc Sơn
Các tin khác
YBĐT - Ở miền xuôi, làm vụ đông xuân là điều đương nhiên trong sản xuất nông nghiệp của người nông dân. Nhưng ở những địa phương vùng cao như Mù Cang Chải, chỉ quen làm một vụ mùa để có những thửa ruộng vụ đông xuân xanh mạ, vàng bông là cả sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền các cấp.
Dự án dự kiến sẽ tạo ra tuyến vận tải đường thủy thông suốt quanh năm từ Lào Cai - Hải Phòng cho tàu có trọng tải từ 400 tấn đến 600 tấn, kết hợp sản xuất điện.
Phó Thủ Tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương xử lý kiến nghị này và có văn bản trả lời các DN để báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ.
YBĐT - Những năm gần đây, bám sát tình hình thực tiễn của địa phương, Đảng bộ xã Thịnh Hưng (huyện Yên Bình) đã xây dựng các nghị quyết chuyên đề, chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm triển khai thực hiện nhiệm vụ và đạt được những kết quả tích cực.