Con đường nhanh nhất để cải tạo đàn trâu, bò
- Cập nhật: Thứ hai, 11/1/2016 | 10:35:33 AM
YBĐT - Hiện nay, trong chăn nuôi, chất lượng con giống luôn được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, phương pháp truyền tinh nhân tạo (TTNT) giúp nâng cao chất lượng con giống, tạo tiền đề cho phát triển chăn nuôi hàng hoá tại địa phương.
Phương pháp truyền tinh nhân tạo giúp nâng cao chất lượng giống vật nuôi.
|
Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh là đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh triển khai Dự án cải tạo đàn trâu, bò bằng phương pháp TTNT. Sau 5 năm (từ 2011 - 2015), Trung tâm đã tổ chức phối giống cho gần 9.000 bò cái sinh sản với tỷ lệ phối đạt trên 90%, chiếm 80% bò cái có nhu cầu phối giống.
Ông Nguyễn Huy Bái - Giám đốc Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh cho biết: “Hiệu quả từ việc cải tạo đàn bò bằng phương pháp TTNT đã được khẳng định với hơn 6.000 bê lai Sind 50 - 75% máu ngoại được sinh ra. Đối với bò lai Brahman 75% máu ngoại, có trọng lượng sơ sinh đạt từ 19 - 24 kg (cao hơn 1 - 1,5 kg so với bò lai Sind). Trọng lượng 6 tháng tuổi đạt trên 90 kg (cao hơn 8 - 10 kg so với bò lai Sind). Ngoại hình đẹp và khả năng tăng trọng nhanh, bò khoẻ mạnh sinh trưởng và phát triển tốt, thích nghi với điều kiện chăn nuôi tại Yên Bái. Không những vậy, bò lai 3 máu có giá bán cao. Mỗi bê lai Brahman tại thời điểm từ 7 - 8 tháng tuổi có thể bán với giá từ 17 - 18 triệu đồng, cao hơn bê nội từ 6 -7 triệu đồng”.
Từ năm 2012, Trung tâm triển khai Dự án cải tạo đàn trâu bằng phương pháp TTNT. Đây là phương pháp mới và Yên Bái là tỉnh đầu tiên trong khu vực miền núi phía Bắc triển khai thực hiện phương pháp này. Đến nay, Trung tâm đã tổ chức phối giống cho 855 trâu cái sinh sản.
Trong đó, 293 con được phối bằng tinh Murrah, 562 con phối bằng tinh nội và có trên 300 nghé sinh ra. Kết quả cho thấy, nghé được sinh ra bằng phương pháp TTNT có khả năng sinh trưởng tốt. Nghé nội sinh ra đạt trọng lượng từ 28 - 34 kg, cao hơn so với nhẩy trực tiếp 1- 2 kg. Nghé lai Murrah đạt trọng lượng 34 - 37 kg. Nghé nuôi 6 tháng thương lái mua với giá 25 triệu đồng/con.
Thành công là vậy song việc áp dụng phương pháp TTNT để cải tạo chất lượng con giống (đặc biệt đối với đàn trâu) trên địa bàn tỉnh cũng gặp không ít khó khăn. Trong 5 năm, Trung tâm đã mở trên 120 lớp tập huấn cho nông dân, đào tạo 19 dẫn tinh viên cơ sở nhưng người chăn nuôi lại rất khó phát hiện ra trâu động dục để báo cho dẫn tinh viên. Đây là yếu tố then chốt quyết định sự thành công. Bên cạnh đó, hình thức chăn nuôi thả rông vẫn còn phổ biến ở nhiều địa phương dẫn đến trâu, bò thường hay giao phối tự nhiên, khó phát hiện khi bước vào thời kỳ động dục.
Ông Nguyễn Huy Bái khẳng định: “Tỉnh đang đẩy mạnh phát triển đàn đại gia súc, ngoài việc tăng đàn tự nhiên, việc cải tạo và nâng cao chất lượng con giống để nâng cao sản lượng nhằm mang lại hiệu quả cao cho người chăn nuôi. Thực hiện phương pháp TTNT là con đường nhanh nhất cho để việc cải tạo đàn gia súc ở Yên Bái đi đến thành công. Đối với đàn bò không những cần tăng về tổng đàn mà song song với đó cần phải tiếp tục cải tạo nâng cao chất lượng đàn bò (tầm vóc, thể trạng, sức sản xuất). Trong đó, xác định công tác cải tạo đàn bò bằng phương pháp TTNT là yếu tố then chốt, tạo động lực để phát triển nhanh đàn bò thịt, nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò và tạo ra vùng sản xuất hàng hoá lớn. Trên cơ sở đó, tiếp tục cho lai tạo với các giống bò chuyên thịt như: Droughmaster, 3B để tạo ra đàn bò thịt năng suất cao tại Yên Bái”.
Ngoài ra, cần nghiên cứu các chính sách phù hợp để khuyến khích phát triển chăn nuôi bò theo hướng hàng hoá, nhằm khôi phục nhanh đàn bò, trước mắt hỗ trợ xây dựng một số mô hình chăn nuôi bò thịt, năng suất chất lượng cao, đồng bộ từ các khâu như: con giống, chuồng trại, thức ăn, chăm sóc nuôi dưỡng... để có cơ sở nhân ra diện rộng.
Đối với đàn trâu, cần đẩy mạnh công tác phục tráng bằng phương pháp TTNT tại các vùng có điều kiện bởi số lượng đàn trâu cái sinh sản ở Yên Bái hiện gấp 5 - 6 lần so với bò cái sinh sản; quan tâm thực hiện TTNT bằng tinh trâu nội thuần để bảo tồn nguồn gen giống trâu Yên Bái.
Cùng với đó, Trung tâm sẽ rà soát lại các điểm TTNT hoạt động chưa hiệu quả, tập huấn nâng cao tăng nghề cho đội ngũ dẫn tinh viên; tập trung tuyên truyền cho người chăn nuôi về công tác TTNT thông qua các hoạt động tư vấn, chuyển giao kỹ thuật, tờ gấp kỹ thuật.
Cải tạo, phục tráng nhằm nâng cao chất lượng con giống bằng phương pháp TTNT có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao sản lượng thịt trâu, bò, giúp cho người chăn nuôi có thu nhập cao và nghề chăn nuôi trâu, bò lấy thịt ở Yên Bái phát triển bền vững.
Hà Anh
Các tin khác
YBĐT - Để giúp bà con có đủ mạ cấy hết diện tích lúa đông - xuân năm 2015 - 2016 trong khung thời vụ tốt nhất, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái hướng dẫn kỹ thuật làm mạ và phòng chống rét cho mạ như sau:
Bộ Tài chính đã xây dựng các kịch bản về giá dầu thô trong năm 2016 có thể xuống mức 30 - 55 USD/thùng để làm cơ sở điều hành dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có công văn gửi các tổ chức tín dụng về việc đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng dịp tết Nguyên đán 2016.