Hán Đà khai thác lợi thế, nuôi trồng thủy sản

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/1/2016 | 3:15:22 PM

YBĐT - Với điều kiện thuận lợi, có diện tích hồ tương đối lớn, thiên nhiên ưu đãi về mọi mặt, những năm qua, xã Hán Đà, huyện Yên Bình đã phát huy lợi thế đẩy mạnh nuôi trồng thuỷ sản, tăng thu nhập, góp phần quan trọng trong công cuộc xoá đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình kiểm tra cá giống của các hộ dân xã Hán Đà trước khi đưa vào nuôi quây.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình kiểm tra cá giống của các hộ dân xã Hán Đà trước khi đưa vào nuôi quây.

Là người nuôi cá đầu tiên của xã, cũng là hộ có thâm niên nuôi cá gần 20 năm nay, gia đình ông Đặng Văn Hãnh, thôn Hồng Quân 1 được nhiều người biết đến như một điển hình nuôi cá của địa phương. Sẵn có nhân lực, nhận thấy tiềm năng mặt nước hồ, năm 2000, ông đã mạnh dạn đăng ký với xã để đấu thầu diện tích hơn 2 ha mặt nước hồ để đóng lồng nuôi cá, sau khi thu hoạch lứa cá đầu tiên, thấy hiệu quả kinh tế khá cao, gia đình ông đã mạnh dạn nhận đấu thầu mở rộng diện tích nuôi cá lên 8 ha.

Vài năm sau, khi có chủ trương của tỉnh hỗ trợ cho việc nuôi cá theo hình thức quây lưới trên những eo ngách của hồ Thác Bà, gia đình ông đã mạnh dạn đăng ký và tỉnh hỗ trợ diện tích nuôi cá quây 2,5 ha. Sẵn có kinh nghiệm nuôi cá từ trước, qua tìm hiểu một số mô hình nuôi cá quây của các hộ dân ở những xã lân cận, ông đã tập trung vốn liếng, mua lưới về để quây nuôi cá. Bình quân mỗi năm, gia đình ông thu từ 15 - 16 tấn cá, trừ chi phí thu lãi gần trăm triệu đồng.

Gia đình anh Nguyễn Khắc Thông, thôn An Lạc 3, xã Hán Đà cũng vậy, sau nhiều năm bôn ba ngược xuôi để lập nghiệp không trụ nổi nơi đất khách, quê người rồi trở về, sẵn có kinh nghiệm nuôi cá từ trước, cuối cùng anh Thông đã chọn cho mình nghề nuôi cá quây trên eo ngách hồ Thác Bà để lập nghiệp tại quê nhà. Mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để đầu tư gần 200 triệu đồng quây lưới nuôi cá.

Với diện tích nhận đấu thầu hơn 2 ha, sau 3 năm nuôi theo hình thức thâm canh, cuộc sống gia đình đã có bát ăn bát để, anh cho biết: “Nuôi theo hình thức quây trên hồ Thác Bà hiệu quả kinh tế hơn nuôi lồng và nuôi trong ao rất nhiều, nuôi theo hình thức đánh tỉa thả bù, với thời gian nuôi từ tháng 7 năm nay đến tháng 5 năm sau khi nước hồ rút sẽ tiến hành kéo cá. Nếu với diện tích như thế này nuôi lồng hoặc nuôi ở ao chỉ thu được khoảng 30 triệu đồng, còn nuôi theo hình thức quây lưới mỗi năm có thể thu tới trên 100 triệu đồng”. Sau 3 năm nuôi cá, gia đình anh đã trả hết tiền vay Ngân hàng, đồng thời có tiền để đầu tư chuyên canh vào nuôi cá.

Là xã thuần nông, chủ yếu canh tác lúa nước và đồi rừng. Do vậy, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định rõ các nhóm giải pháp phát triển kinh tế; trong đó, tập trung ưu tiên cho việc phát triển đa ngành nghề, thực hiện có hiệu quả Đề án hỗ trợ phát triển nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh để thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, phấn đấu mỗi năm giảm 5% hộ nghèo. Trong đó, tập trung khai thác thế mạnh của địa phương là nguồn nước tự nhiên trên hồ Thác Bà để nuôi trồng thuỷ sản, tăng thu nhập cho nhân dân.

Từ một vài hộ nuôi thử nghiệm ban đầu, đến nay, phong trào nuôi cá đã phát triển ra toàn xã; trong đó, tập trung nhiều nhất là các thôn: Hồng Quân 1, Hồng Quân 2, An Lạc 3 và An Lạc 4. Tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản của xã gần 50 ha; trong đó, diện tích ao đầm 18,2 ha còn lại là diện tích mặt nước hồ; cùng với đó 14 ha được hỗ trợ theo chương trình hỗ trợ của tỉnh, sản lượng bình quân đạt trên 75 tấn.

Theo đồng chí Nguyễn Minh Chính - Bí thư Đảng ủy xã, qua tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu thị trường, đồng thời để thúc đẩy và khuyến khích nhu cầu nuôi trồng thuỷ sản trong nhân dân, ngày 24/12/2015, Hán Đà đã xây dựng và ra mắt Hợp tác xã Dịch vụ chăn nuôi tổng hợp với 13 nhóm hộ nuôi trồng thuỷ sản tham gia, đồng chí Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Nhiệm vụ của Hợp tác xã là cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các hộ nuôi trồng thuỷ sản để người dân yên tâm mở rộng diện tích và đầu tư cho việc nuôi trồng thuỷ sản, đồng thời sẽ mở ra cơ hội thoát nghèo và làm giàu cho người dân trong xã.

Thanh Tân


 

Các tin khác
Mô hình trồng cam sành, cam V2 của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ (trái) ở thôn 7 xã Vân Hội (Trấn Yên) năm 2015 cho thu nhập trên 200 triệu đồng.

YBĐT - Khi nói đến vùng cây ăn quả có múi, người dân Yên Bái thường nhắc đến cam Đường canh, quýt sen (Văn Chấn), cam sành (Lục Yên), bưởi Đại Minh (Yên Bình). Thế nhưng còn một nơi mà loại cây này đang phát triển, chất lượng cũng như hình thức được người tiêu dùng ưa chuộng đó là vùng cây ăn quả của huyện Trấn Yên.

Xã Bản Mù có nhiều hộ dân thu nhập cao từ trồng ngô giống mới và tăng vụ.

YBĐT - Những năm qua, nhờ thực hiện hiệu quả Chương trình 135 của Chính phủ giai đoạn 2011 - 2015, đã tạo thêm nhiều động lực cho bộ mặt nông thôn của xã vùng sâu Bản Mù, huyện Trạm Tấu khởi sắc.

YBĐT - Ngày 22/1, tại Công ty cổ phần Vận tải thủy bộ Yên Bái, Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Hiệp hội Vận tải ô tô Yên Bái tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch phục vụ vận tải hành khách trong dịp tết Nguyên đán Bính Thân 2016.

Khuyến nông viên xã An Thịnh (Văn Yên) hướng dẫn một hộ chăn nuôi ở thôn Trung Tâm kiểm tra độ ải của thân, lá cây ngô trước khi tiến hành ủ chua.

YBĐT - Vụ đông năm 2015, Trạm Khuyến nông huyện Văn Yên thí điểm gần 200 mô hình ủ chua thân, lá cây ngô. Đây là năm đầu tiên Trạm quyết liệt chỉ đạo thí điểm mô hình này nhằm chế biến, dự trữ thức ăn cho trâu, bò trong mùa đông.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục