Xã Hán Đà, huyện Yên Bình đã hoàn thành và vừa được công nhận đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu sau lộ trình 3 năm thực hiện. Khó có thể nói hết sự tự hào từ những nỗ lực chung tay góp sức để đạt được thành quả NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của người dân ở địa phương này. Thành quả NTM - điều mà người dân nhận thấy rõ nhất đó là sự chuyển mạnh về chất trong đời sống cả về vật chất và tinh thần.
Đó là cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ, thuận lợi cho phát triển kinh tế. Nền kinh tế nông nghiệp của địa phương đã có bước đột phá rõ nét, đem lại hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh cao trên thị trường với vùng trồng cây ăn quả có múi trên 180 ha, vùng chè 190 ha đang được đầu tư chuyển dần sang canh tác sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Cùng đó, trên địa bàn xã đã phát triển được 20 cơ sở chăn nuôi hàng hóa. Đặc biệt, kinh tế rừng phát huy hiệu quả với trên 1.000 ha rừng trồng, theo đó gần 20 xưởng sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng trên địa bàn đang hoạt động đều đặn, đóng góp tích cực cho ngân sách, đồng thời tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương và lao động trong vùng mỗi năm.
Bí thư Đảng ủy xã Hán Đà Tăng Thành Công cho rằng: "Tổ chức lại sản xuất để phát triển kinh tế trong xây dựng NTM là nền tảng quan trọng để địa phương chuyển từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp nông nghiệp hiện đại, làm đầu mối liên kết với người dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực địa phương theo chuỗi giá trị, giúp nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển kinh tế bền vững; mục tiêu nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Hết năm 2024, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt gần 61 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 5,09%”.
Hán Đà chỉ là một trong số rất nhiều địa phương của Yên Bình đang đi đúng định hướng của huyện, đó là gắn phát triển kinh tế với xây dựng NTM. Xác định nông nghiệp là trụ cột quan trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương, huyện Yên Bình đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, phát triển các vùng cây chủ lực như chè, bưởi Đại Minh, cây ăn quả có múi, vùng nuôi trồng thủy sản… áp dụng kỹ thuật cao để nâng cao năng suất và chất lượng. Các hợp tác xã nông nghiệp được thành lập giúp tăng giá trị chuỗi cung ứng, kết nối sản xuất với thị trường.
Năm 2024, toàn huyện thành lập mới được 51 doanh nghiệp, 12 hợp tác xã, 60 tổ hợp tác. Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2024 theo Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh với tổng kinh phí giải ngân trên 4,6 tỷ đồng được triển khai tích cực.
Trong đó, đã hỗ trợ kinh phí gần 500 triệu đồng phát triển vùng rừng trồng nguyên liệu theo hướng bền vững với trên 230 ha; hỗ trợ gần 1,3 tỷ đồng phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất sản phẩm hàng hóa, đặc sản hữu cơ cho 87 cơ sở và 3 tổ hợp tác; hỗ trợ chi phí mua mới con giống để chăn nuôi liên kết sản xuất theo hình thức tổ hợp tác/hợp tác xã có quy mô tối thiểu từ 20 con trở lên cho 3 tổ hợp tác; triển khai Dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm măng tre Bát độ xã Mỹ Gia, xã Cảm Nhân; Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất quế hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị xã Tân Hương…
Hiện nay, huyện Yên Bình có trên 36.712 ha rừng sản xuất và 5.564 ha rừng tự nhiên, tỷ lệ che phủ rừng đã đạt 54,8%. Có thể thấy, với nhiều nỗ lực từ các chương trình hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn, rừng đa tác dụng được triển khai đồng bộ, rộng rãi trên địa bàn đã khuyến khích người dân chuyển đổi từ trồng rừng ngắn ngày sang các loại cây lâu năm, giá trị kinh tế cao. Đến nay, toàn huyện đã có gần 11.000 ha rừng được cấp chứng chỉ rừng đạt chuẩn FSC.
Năm 2024, Công ty cổ phần Lâm nghiệp Hòa Phát đã tổ chức hoạt động đánh giá thường niên năm thứ 3 để duy trì chứng chỉ FSC/FM do Tổ chức BV đánh giá với diện tích gần 5.000 ha tại 4 xã là Đại Đồng, Phú Thịnh, Tân Hương, Thịnh Hưng; hoàn thành lập biểu giám sát, bản đồ hiện trạng cho 625 chủ rừng tham gia FSC. Công ty TNHH Lâm nghiệp Mai Lâm phối hợp với Ban Đại diện huyện khắc phục lỗi và đánh giá thường niên duy trì chứng chỉ đối với 1.643,08 ha/1.779,8 ha rừng tại 6 xã, thị trấn là Bạch Hà, Phúc An, Vũ Linh, Xuân Lai, Yên Bình và thị trấn Thác Bà...
Người dân nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà.
Từ đầu năm đến nay, các địa phương trong huyện đã trồng được trên 3.196 ha/3.100 ha, đạt trên 103% so với kế hoạch năm và 101,5% so với kế hoạch điều chỉnh. Trong đó, trồng rừng tập trung gần 2.500 ha, toàn bộ là diện tích trồng lại rừng sau khai thác, trồng cây phân tán 700 ha, đưa tổng diện tích rừng trồng trên địa bàn đạt trên 36.700 ha; khai thác gỗ trên 304.000 m3 gỗ rừng trồng các loại.
Kinh tế phải là động lực trong xây dựng NTM và với quyết tâm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng NTM bền vững, trên cơ sở thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND và các chính sách khác có liên quan, huyện Yên Bình đặt mục tiêu hết năm 2025, toàn huyện có hơn 12.000 ha rừng gỗ lớn, trong đó: diện tích chuyển hóa sang rừng gỗ lớn hơn 9.000 ha; diện tích rừng trồng mới 3.200 ha (diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC 2.000 ha), bảo đảm duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt 54,8%; phấn đấu diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC, chứng nhận quế hữu cơ toàn huyện đạt trên 16.600 ha. Toàn huyện có thêm 1 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Năm 2025, huyện phát triển mới 5 sản phẩm OCOP và đánh giá lại 11 sản phẩm; duy trì, phát huy hiệu quả các dự án đã có và phát triển mới dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Đồng thời, Yên Bình tiếp tục duy trì, phát triển vùng nguyên liệu chuyên canh với các sản phẩm chủ lực, đặc sản, nghiên cứu triển khai một số sản phẩm mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu cùa huyện; mở rộng các mô hình chăn nuôi gia trại, trang trại, bán công nghiệp, công nghiệp an toàn sinh học; tiếp tục phát triển lâm nghiệp đa mục tiêu; làm tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng, nghiên cứu phát triển kinh tế dưới tán rừng…
Phát triển kinh tế song hành xây dựng NTM ở Yên Bình với việc khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh kinh tế, mà nông nghiệp là trụ cột đã góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, sản xuất phát triển, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế địa phương bền vững. Nhìn từ đích đến cao nhất của xây dựng NTM không chỉ dừng lại ở việc hoàn thành các tiêu chí theo quy định mà là nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của người dân nông thôn và định hướng phát triển kinh tế phải gắn với xây dựng NTM của huyện Yên Bình cũng không nằm ngoài mục tiêu này. Năm 2025, huyện Yên Bình quyết tâm hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nâng chỉ số hạnh phúc của người dân tăng từ 2 - 3% so với năm 2024.
Minh Thúy