Về vùng tỷ phú cam đồi
- Cập nhật: Thứ sáu, 5/2/2016 | 5:37:05 PM
YBĐT - Xe tôi bon bon trên con đường nhựa phẳng phiu dẫn vào thị trấn Nông trường Trần Phú nơi có diện tích cam, quýt nhiều nhất huyện Văn Chấn. Hai bên đường, những ngôi nhà mới được xây dựng khang trang lẫn trong màu vàng rực của những vườn cam, quýt trĩu quả. Một mùa vàng đã lại về nơi mảnh đất này.
Vụ cam này, hộ anh Nguyễn Văn Thông - Khu 8, thị trấn Nông trường Trần Phú thắng lớn.
|
Đón khách trong căn biệt thự vừa xây dựng gần 2 tỷ đồng, nông dân Đoàn Hồng Ngọc cho biết đó là thành quả của những mùa cam bội thu. Vườn cam của anh Ngọc có khoảng 1.000 cây trên diện tích 2 ha. Mỗi vụ thu hoạch, sau khi trừ mọi chi phí, anh Ngọc bỏ túi khoảng 400 triệu đồng/ha.
Anh cho biết: "Tôi trồng cam được hơn 17 năm rồi, trước đây gia đình chỉ trồng vài cây quanh nhà vừa làm cảnh vừa có cái cho trẻ ăn chơi, khoảng 7 năm trở lại đây mới trồng nhiều làm hàng hóa. Hai năm vừa qua, những người trồng cam chúng tôi đều được mùa, năng suất gấp đôi những năm trước, mỗi năm đều thu gần 1 tỷ đồng. Cũng nhờ có cây cam mà người dân ở đây đã đổi đời".
Bước vào một ngôi nhà có mấy người đang lựa chọn quýt bỏ vào từng thùng xốp chuẩn bị chở đi, tôi hỏi: “Quýt nhà hay mua từ vườn khác vậy em?”. Một cô gái trẻ đang liền tay bốc quýt đáp: “Quýt nhà chị gái em đấy, em sang giúp chị thu hái thôi anh ạ!"
- Thế nhà chị em trồng được mấy héc-ta?
- Có gần 2 ha thôi anh ạ. Vậy là ít đó. Ở đây có nhiều nhà trồng được trên bốn, năm héc-ta đấy anh ạ!". Cô gái vừa làm vừa vui vẻ chuyện. Hỏi thêm mới biết chỗ này là thuộc xã Minh An nhưng vườn cam bên đường lại thuộc thị trấn Nông trường Trần Phú. Cô chủ nhà còn khá trẻ trên tay cầm quyển sổ ghi chép từng mã quýt được đặt lên bàn cân. Kế bên là người chồng tên Hiếu và cậu con trai 8 tuổi.
- Nghe nói quýt năm nay trúng mùa và được giá, thế này nhà mình thắng to nhỉ? Tôi hỏi chuyện anh chồng. Hiếu thủng thẳng đáp:
- Giá quýt năm nay cũng như mọi năm thôi anh ạ. Nếu gia đình nào thu đầu vụ thì thắng lớn đấy! 1 kg quýt đường canh đầu vụ có giá khoảng 35.000 đồng/kg nhưng đến thời điểm này chỉ bán được khoảng 25.000 đồng/kg thôi!
- Vậy mọi năm, trừ chi phí 2 ha quýt nhà mình thu lãi bao nhiêu? Phải được trên tỉ đấy nhỉ? Trả lời tôi bằng một nụ cười có vẻ bí ẩn, cô vợ nói:
- Không được đâu anh, cỡ vài trăm triệu thôi. Tiền phân, tiền thuốc gần 300 triệu, tiền nhân công cũng “nặng” lắm.
Tôi nhẩm tính trong đầu, thấy chủ nhà này có vẻ nói đùa. 2 ha thu hoạch được khoảng 60 tấn, giá mỗi cân khoảng 25.000 đồng/kg, thì cũng thu được khoảng 1,4 tỷ đồng, trừ tiền công chăm sóc, thu hoạch, phân bón, thuốc trừ sâu, thì 2 ha mỗi năm thu về ăn chắc 1 tỷ đồng.
Nhìn quyển sổ trên mặt bàn uống nước thấy ghi công bẻ quýt, công xếp thùng 150.000 đồng một ngày, công xách quýt từ gốc cây đến điểm tập kết trên đồi 200.000 đồng/ngày, công chở quýt bằng xe máy từ điểm tập kết xuống đường 250.000 đồng/ngày. Mỗi ngày đông nhất có tới 20 người bẻ quýt, mười người xếp thùng xốp…
Anh Hiếu cho biết: “Vườn quýt này trồng bằng cành chiết cũng mười mấy năm rồi. Trước đây, do không biết đặc tính của loại cây này nên chúng tôi dùng nhiều phân hóa học do vậy sản lượng giảm một nửa so với giờ đây. Sau khi được học hỏi kinh nghiệm những vùng trồng cam lớn trong cả nước, chúng tôi chuyển sang chăm sóc cây bằng phân hữu cơ, vi sinh do vậy năng xuất cải thiện rõ rệt.
Chỉ vào vườn cam đỏ ối trước mặt anh bảo: “Cũng vườn cam này trước đây bón phân hóa học mỗi gốc cây chỉ cho khoảng 30 – 50 kg quả, từ khi dùng phân hữu cơ, vi sinh cũng gốc cây ấy, mỗi gốc cho 80 kg đến 1tạ quả. Chất lượng cũng tốt hơn, quả ngọt hơn, mát hơn”.
Chia tay vợ chồng anh Hiếu, chúng tôi đi sâu vào thung lũng cam quýt Khu 8. Tới vườn cam của anh Nguyễn Văn Thông nằm sâu bên trong, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước khung cảnh cả một khoảnh đất rộng trên 1,7 ha đỏ ối những chùm quýt lúc lỉu, nặng oằn như muốn gẫy gập nếu không có mấy cây nạng đỡ. Toàn quýt là quýt. Chúng tôi chụp ảnh không biết chán, đang chụp góc này lại xuýt xoa với những cành quýt mê hồn ở chỗ khác.
Năm nay khoảng 50 tuổi, anh Thông là chủ của 4 ha quýt. Gần 20 năm gắn bó với cây cam, cây quýt, hơn ai hết, anh Thông hiểu giá trị của loại cây ăn quả có múi này cao gấp hàng chục lần trồng chè và trồng lúa. Vì thế mà anh đã đầu tư mua một chiếc máy xúc Komatsu mi ni về chăm sóc vườn cam, nó có thể đến từng gốc cam mà không bị vướng cành để đào rãnh xới đất, bỏ phân, đường ống tưới cây được kéo lên tận đỉnh đồi. Rồi đầu tư cả một con đường dài gần 1 km để xe tải có thể vào tận vườn chở cam đi tiêu thụ…
Nâng những chùm cam sành trĩu quả, anh Thông khẳng định: "Cam năm nay được mùa anh ạ! Sản lượng cam của gia đình sẽ đạt hơn năm ngoái. Người trồng cam chúng tôi hiện nay đã yên tâm về thị trường, giá cả nhưng vẫn mong muốn có thương hiệu riêng cho vùng quả này".
Thị trấn Nông trường Trần Phú hiện là một trong những địa phương có diện tích cam lớn nhất huyện Văn Chấn với gần 400 ha, năng suất từ 25 - 28 tấn/ha, mỗi năm mang về cho người dân nơi đây trên 100 tỷ đồng. Xác định đây là loại cây mũi nhọn trong thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu của người dân địa phương, Đảng bộ, chính quyền thị trấn Nông trường Trần Phú đã chỉ đạo nhân dân mạnh dạn chuyển đổi những diện tích chè xấu, thoái hóa, kém chất lượng sang trồng cam.
Ông Đỗ Anh Thiện - Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Trần Phú phấn khởi cho biết: "Những hộ trồng cam ở đây đa số là triệu phú, tỷ phú, như gia đình ông Nguyễn Văn Thông, Đinh Quang Dũng, Lê Minh Đông ở khu 8, Nguyễn Văn Mạnh, Phạm Văn Đường ở khu 7... mỗi vụ cam đều có thu nhập từ 700 triệu đến hơn một tỷ đồng. Thị trấn đang xây dựng những đồi cam đáp ứng yêu cầu thị trường về năng suất cũng như chất lượng để sản phẩm cam của thị trấn sẽ đạt tiêu chuẩn cam sạch và có thương hiệu".
Vẫn biết khi sản phẩm có thương hiệu, thị trường, giá cả ổn định sẽ giúp người nông dân yên tâm sản xuất, song, để xây dựng được một thương hiệu riêng cho loại hàng hóa nông sản này, trước hết phải bắt đầu từ chính việc nâng cao nhận thức, ý thức của người trồng cam trong việc đầu tư chăm sóc ban đầu, đặc biệt là quy trình kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải được giám sát, tuân thủ nghiêm ngặt, bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Yếu tố quan trọng nhất là cây cam phải có chất lượng, an toàn và sạch bệnh. Mong muốn có thương hiệu cho sản phẩm cam của thị trấn Trần Phú nói riêng và cam Văn Chấn nói chung là mong muốn chính đáng của người trồng cam rất cần sự quan tâm phối hợp của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng.
Rời thị trấn Nông trường Trần Phú khi nắng xuân ấm áp đã nhuộm vàng cả một vùng núi đồi bạt ngàn trái ngọt, tôi tin rằng thời gian tới cam Văn Chấn sẽ có thương hiệu, có chỗ đứng trên thị trường hoa quả đặc sản Việt Nam.
Quang Thiều
Các tin khác
YBĐT - Chúng tôi về thăm những người làm chè Văn Chấn sau một năm đầy nhọc nhằn vất vả. Cuối năm, chè đã hết vụ nhưng câu chuyện của người làm chè vẫn còn khá rôm rả từ vùng thấp đến vùng cao của huyện, chuyện cây chè cành, chè lai rồi chủ trương của tỉnh, của huyện về phát triển cây chè đã mở ra cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
YBĐT - Năm 2015 khép lại, với truyền thống đoàn kết, sự chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn thách thức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện đã giành được những kết quả rất đáng tự hào trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Đời sống của nhân dân được cải thiện đáng kể. Bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc.
YBĐT - Vẫn biết đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thường gặp nhiều rủi ro, thời gian thu hồi vốn dài, tỷ lệ lợi nhuận thấp, đấy là chưa kể đến thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, Yên Bái đã có nhiều nỗ lực để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đồng thời khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
YBĐT - Khi nàng xuân mang hơi ấm lan tỏa đất trời làm những nụ đào khoe sắc cũng là lúc những chồi dâu vươn mình đơm lộc nhuộm cả vùng Lan Đình (Việt Thành, Trấn Yên) thành một chiếc thảm xanh trải dài. Màu xanh mỡ màng ấy đã tạo nên cuộc sống no ấm cho nhiều hộ nông dân...