Tìm đầu ra cho nông sản

  • Cập nhật: Thứ hai, 11/4/2016 | 11:09:53 AM

YBĐT - Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có sự phát triển khá, nhiều mô hình sản xuất mới trong sản xuất nông nghiệp đã đem lại hiệu quả cao, góp phần cải thiện đời sống của nông dân. Tuy nhiên, vấn đề đầu ra cho nông sản vẫn còn nhiều khó khăn.

Sản phẩm măng khô xuất khẩu của Công ty cổ phần Yên Thành.
Sản phẩm măng khô xuất khẩu của Công ty cổ phần Yên Thành.

Ông Tô Quang Lợi ở xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái cho biết: “Những năm qua, chính quyền địa phương quan tâm chú trọng phát triển nông nghiệp, giúp nông dân đưa cây, con giống mới có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Nhiều hộ gia đình trong xã đã mạnh dạn mở rộng diện tích, dồn điền đổi thửa trồng rau màu, cây hoa cung cấp cho thị trường, đem lại thu nhập cao. Tuy nhiên, nông dân chúng tôi còn gặp nhiều khó khăn là sản phẩm làm ra chưa có đầu ra ổn định, chủ yếu là tự tiêu, giá cả thị trường bấp bênh, đồng vốn đầu tư cho sản xuất còn hạn chế. Chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành tìm đầu ra ổn định cho nông dân tiêu thụ sản phẩm”.

Tiêu thụ nông sản luôn là nỗi lo của người nông dân, đơn cử như trong sản xuất cây trồng vụ đông. Hàng năm, nông dân trong tỉnh sản xuất được hơn 10.000 ha cây vụ đông các loại. Tuy nhiên, hầu như chưa có một đơn vị, doanh nghiệp nào đứng ra bao tiêu sản phẩm cho người nông dân mà vẫn phụ thuộc vào các thương lái nhỏ. Trong sản xuất vụ đông, đã có nhiều mô hình như: rau màu, cà chua, khoai tây, ngô tím rất có hiệu quả nhưng việc tập trung khuyến cáo, chỉ đạo mở rộng cho nông dân còn nhiều hạn chế. Do liên kết trong sản xuất và tiêu thụ còn kém, chưa có nhiều doanh nghiệp ký kết tiêu thụ sản phẩm vụ đông, dẫn đến tiêu thụ sản phẩm còn bấp bênh.

Một ví dụ điển hình cho tình trạng này là cây khoai tây, cà chua, nếu sản xuất diện tích nhỏ lẻ thì tiêu thụ rất dễ và được giá nhưng chỉ cần đẩy diện tích lên khoảng vài trăm héc-ta là ngay lập tức xảy ra tình trạng ế thừa. Đáng nói hơn, ngay cả những sản phẩm được coi là thế mạnh như chè, sắn công nghiệp, quế… thi thoảng vẫn bị o ép đầu ra. Với vùng chè kinh doanh trên 9.000 ha nhưng sản xuất, chế biến yếu, sơ chế là chính, chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm, thiếu thị trường hay nói chính xác là không đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Nguyên nhân chính do các nhà máy chủ yếu sản xuất chè đen, giá thành thấp, doanh nghiệp không xuất khẩu trực tiếp được mà phải xuất qua khâu trung gian nên giá bán thấp. Giá bán sản phẩm thấp cũng đồng nghĩa với với việc thu mua nguyên liệu đầu vào thấp. Nguyên liệu thấp làm sao có sản phẩm chất lượng cao... Cái vòng luẩn quẩn đó đã kéo dài nhiều năm nay ở các vùng chè.

Người làm chè không sống nổi bằng chè dẫn đến việc chăm sóc kém hiệu quả, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích không bảo đảm quy trình... Đó cũng là nguyên nhân dẫn tới sản phẩm chè có sức cạnh tranh trên thị trường yếu. Vùng chuyên canh sắn cũng vậy, tuy đã gắn vùng nguyên liệu với chế biến nhưng diện tích phát triển quá nhiều, vỡ quy hoạch, vượt quá khả năng tiêu thụ của nhà máy, phần còn lại chủ yếu trông vào thương lái dẫn đến tình trạng được mùa rớt giá...

Cùng với đó, sợi dây liên kết giữa người dân và doanh nghiệp không phải lúc nào cũng “mặn nồng”. Từ các yếu tố đó, có không ít sản phẩm nông sản phải tiêu thụ qua các tư thương, nông dân sản xuất ra nông sản nhưng lại không làm chủ được giá bán, không biết lượng cung, cầu dẫn tới sản xuất thiếu tính bền vững. 

Trước thực trạng khó khăn về đầu ra cho nông sản, ngành nông nghiệp Yên Bái đã phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan xây dựng, hướng dẫn thủ tục, hồ sơ hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chủ động rà soát diện tích đất nông nghiệp, giới thiệu địa điểm, tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào địa bàn. Năm 2015, Yên Bái đã cấp giấy chứng nhận đầu tư mới 27 dự án với tổng vốn đăng ký 5.433 tỷ đồng; trong đó, lĩnh vực nông - lâm nghiệp có 6 dự án với số vốn đăng ký 381 tỷ đồng.

Đáng chú ý, năm 2015, với chính sách ưu đãi của tỉnh, Công ty TNHH Nippon Zoki Việt Nam (thuộc Tập đoàn Dược phẩm Nippon Zoki Nhật Bản) đã đầu tư 1.700 tỷ đồng vào chăn nuôi, chế biến thỏ công nghệ cao tại xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng ban hành chính sách hỗ trợ đặc thù khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn sẽ là điều kiện quan trọng để “hút” các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, để giải quyết tốt đầu ra cho nông nghiệp, người nông dân trước tiên phải tạo được sản phẩm chất lượng và phù hợp với tín hiệu của thị trường. Vì vậy, trước tiên phải xây dựng quy hoạch gắn với việc hình thành và phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung; tăng cường công tác quản lý nhà nước về vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao nhận thức cho người sản xuất, nhất là ở các vùng trồng rau, chăn nuôi an toàn theo các quy chuẩn như VietGAP, ISO... cũng như tăng cường xúc tiến thương mại, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản cần được quan tâm, chú trọng.

Đặc biệt, việc tìm kiếm đầu ra ổn định cho nông sản cũng rất cần sự liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp). Cùng với đó, người nông dân cần thay đổi tư duy sản xuất tự cung, tự cấp, quan tâm tìm hiểu và đón đầu thị trường để tránh tình trạng “cung” vượt “cầu”.

Văn Thông

Các tin khác
Giáo viên TTDN&GDTX huyện Văn Yên giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ vỏ quế với học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Văn Yên.

YBĐT - Thật khó có thể tìm thấy ở đâu cây quế lại mang đến nhiều lợi ích cho con người như ở huyện Văn Yên. “Cây quế ở đây chẳng vứt đi thứ gì, chỉ có mỗi rễ không đào lên được thì phải chịu” - câu nói đùa mà thật ấy của đồng chí Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cứ khiến tôi suy nghĩ mãi.

Việc người dân phải bỏ tiền ra để góp lập Quỹ Bình ổn giá điện sẽ làm tăng gánh nặng đóng thuế phí.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo lập Quỹ Bình ổn giá điện nhằm giảm tác động bất lợi của các yếu tố thị trường tới giá điện. Tuy nhiên, phân tích của các chuyên gia cho thấy: việc lập quỹ này sẽ “bất ổn” nhiều hơn khi người tiêu dùng phải tăng đóng góp.

Đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai đưa vào khai thác, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế vùng Thủ đô.

Với địa hình trải dài, đa dạng, Việt Nam có nhiều vùng địa lý mang thế mạnh, tiềm năng cũng như hạn chế khác nhau, từ đó đặt ra vấn đề liên kết vùng (LKV) để phát triển kinh tế theo hướng hợp lý, bền vững. Tuy nhiên, đến nay hoạt động LKV chưa đạt hiệu quả đáng kể…

Sản xuất, chế biến và kinh doanh chè là một trong những nguồn thu lớn của huyện Văn Chấn

YBĐT -Tính đến ngày 31/3, huyện Văn Chấn thu ngân sách Nhà nước được 40,66 tỷ đồng, đạt 31% dự toán tỉnh giao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục