Ngành ngân hàng Yên Bái vững bước đi lên trong gian khó
- Cập nhật: Thứ năm, 5/5/2016 | 2:48:44 PM
YBĐT - Ngày 1/6/1951, Ngân hàng Yên Bái được thành lập, từ đó đến nay, trải qua những lần sáp nhập, chia tách, chuyển đổi cơ chế hoạt động Ngân hàng Yên Bái luôn phát triển, đổi mới và đạt được những kết quả quan trọng.
|
Nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Trung - nguyên Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Yên Bái (ảnh) để hiểu hơn về quá trình xây dựng, phát triển của ngành ngân hàng Yên Bái.
P.V: Ngân hàng Yên Bái được thành lập trong bối cảnh cả nước phải đương đầu với muôn vàn thách thức, miền Bắc vừa xây dựng, chiến đấu, vừa chi viện cho cách mạng giải phóng miền Nam. Ông có thể cho biết những khó khăn trong hoạt động của ngân hàng thời kỳ này.
Ông Nguyễn Văn Trung: Ngày 6/5/1961 tại Hang Bòng, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tại tỉnh ta, ngày 1/6/1951, hai ngành tín dụng sản xuất và kho bạc cũng được hợp nhất thành Ngân hàng Yên Bái với nhiệm vụ thực hiện quản lý kho bạc Nhà nước góp phần tăng thu, tiết kiệm chi, thống nhất quản lý thu chi ngân sách; phát triển tín dụng ngân hàng phục vụ sản xuất, lưu thông hàng hóa, tăng cường lực lượng kinh tế quốc doanh và đấu tranh tiền tệ với địch.
Trong bối cảnh đó, hoạt động của Ngân hàng Yên Bái gặp khó khăn, thiếu thốn trăm bề từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện đến nhân lực. Do không có trụ sở nên hoạt động của ngân hàng không ổn định, phải di chuyển liên tục và ở nhờ nhà dân.
Các trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho hoạt động chuyên môn đều rất thiếu thốn từ phiếu thu, chi cho đến bàn ghế; mọi số liệu đều phải cộng thủ công bằng giấy; thậm chí, tiền không có chỗ để phải cất ở gầm giường trong những chiếc sọt lót lá chuối. Lực lượng cán bộ mỏng, ngày mới thành lập Ngân hàng chỉ có 7 cán bộ, trong khi đó, công tác chuyên môn cũng gặp nhiều hạn chế do việc bồi dưỡng, trau dồi nghiệp vụ, không thường xuyên.
P.V: Trước những khó khăn đó, Ngân hàng đã có những giải pháp gì để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Trung: Sau khi thành lập, ngành ngân hàng phải thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng của đất nước. Trong tình hình chung đó, Ngân hàng Yên Bái có nhiệm vụ phát triển công tác tín dụng nhằm phát triển sản xuất lương thực, đẩy mạnh khôi phục và phát triển nông, công, thương nghiệp, góp phần thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam.
Thời điểm này, mọi hoạt động, công tác của ngân hàng luôn được triển khai theo phương châm “quân sự hóa”, các cán bộ phải luôn đề cao cảnh giác và có ý thức bảo vệ tài sản Nhà nước. Vì thế, mỗi khi có động tĩnh, không an toàn, lộ bí mật thì các cán bộ ngân hàng lại di chuyển đến địa điểm mới. Do tính chất công việc phải lưu động, nên các cán bộ ngân hàng thường xuyên liên hệ với chính quyền địa phương, bí thư chi bộ để tìm địa chỉ nhà dân để ở nhờ và hoạt động.
Thêm vào đó, để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, các cán bộ ngân hàng thường xuyên tự trau dồi, đào tạo nghiệp vụ cho nhau với phương châm “Giỏi một việc, biết nhiều việc”.
Đặc biệt, để công tác cho vay sản xuất phát huy hiệu quả, đích thân từng cán bộ phải đến tận nơi thẩm định hộ vay và tiến hành các biện pháp điều tra hộ vay, nếu bảo đảm yêu cầu thì mới cho vay.
P.V: Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, ngành ngân hàng Yên Bái đã có bước phát triển vượt bậc. Ông có đánh giá như thế nào về hoạt động của ngành ngân hàng Yên Bái hiện nay?
Ông Nguyễn Văn Trung: Đến nay, mạng lưới hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã được mở rộng đến các xã, phường, thị trấn, các khu dân cư tập trung với các loại hình phong phú: ngân hàng thương mại Nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng Chính sách xã hội và các quỹ tín dụng nhân dân.
Cùng với đó, tính quy mô và thị trường hoạt động không ngừng được mở rộng; năng lực tài chính, trình độ về quản trị kinh doanh, khả năng cạnh tranh từng bước được tăng cường, bảo đảm hoạt động an toàn, phù hợp với các quy định của pháp luật, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Điều dễ nhận thấy, vốn tín dụng ngân hàng trong những năm qua đã đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh và đời sống của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Ngoài ra, hệ thống thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, các dịch vụ tiện ích ngân hàng mới, hiện đại không ngừng được phát triển, tạo thuận lợi và đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Đặc biệt, ngành ngân hàng Yên Bái hiện nay đã làm tốt công tác tổ chức, cán bộ, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ được nâng cao đáp ứng yêu cầu đổi mới của ngành và hội nhập kinh tế thế giới hiện nay.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Hùng Cường (Thực hiện)
Các tin khác
Dự án trị giá khoảng 24.500 tỷ đồng do công ty con của Tập đoàn ThaiGroup đề xuất đặt mục tiêu thúc đẩy giao thương với Trung Quốc và đang được cơ quan chức năng xem xét.
Việt Nam đang đối mặt với vụ kiện chống bán phá giá thứ 3 từ thị trường Úc đối với mặt hàng vôi sống. Trước đó vài ngày, Ấn Độ cũng khởi xướng điều tra chống bán phá giá với sản phẩm gạch ốp lát nhập khẩu từ Việt Nam.
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam kiến nghị giảm thuế nhập khẩu xuống còn 10% đối với xăng và 0% đối với các mặt hàng dầu.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường đã ký quyết định thành lập 6 tổ công tác, kiểm tra toàn diện vấn đề môi trường tại Vũng Áng.