Mạnh bạo nắm cơ hội đầu tư của Nippon Zoki
- Cập nhật: Thứ ba, 24/5/2016 | 9:40:20 AM
YBĐT - Mạnh dạn đầu tư 800 triệu đồng cho mô hình nuôi thỏ thương phẩm hiện đại, nhiều người cho rằng ông Hiên đã quá mạo hiểm, bởi với số tiền đó, ông có thể yên tâm an nhàn ở cái tuổi 65 bằng cách gửi tiết kiệm lấy lãi hàng tháng. Nhưng tôi hiểu ông Hiên có cơ sở để làm ăn lớn mà không hề “liều” - đó là một sự nắm bắt cơ hội mới.
Với 400 thỏ sinh sản, trung bình cứ 3 tháng đàn thỏ của gia đình ông Hiên tăng lên khoảng 2.000 con.
|
Với 800 triệu đồng, ông Nguyễn Anh Hiên ở thôn 3, xã Văn Phú, thành phố Yên Bái đã cùng 2 người em ruột đầu tư xây dựng hệ thống chuồng thỏ gồm 3 dãy, 2 tầng lồng bằng thép không gỉ trên nền diện tích 330 m2. Mỗi dãy ngăn thành từng lồng rồi lại chia lồng thành từng ô, kích thước mỗi ô khoảng 50 x 70 cm.
Với cách làm này, ông Hiên có hơn 1.400 ô nhỏ, vừa tận dụng được diện tích vừa giảm thời gian và công chăm sóc. Lồng nuôi thỏ được đặt trên các trụ cách mặt đất 50 - 60 cm, với thiết kế hiện đại rất thuận lợi cho việc vệ sinh và ăn uống của thỏ, đồng thời được đánh số thứ tự để tiện ghi chép theo dõi.
Biết giống thỏ trắng New Zealand tuy có khả năng sinh trưởng và phát triển nhanh nhưng lại là giống thỏ du nhập, quen sống trong môi trường khí hậu mát mẻ nên ông Hiên đã quy hoạch hệ thống chuồng thỏ bảo đảm mùa đông ấm áp, kín gió; mùa hè thoáng mát.
Ngoài việc bảo đảm vệ sinh thức ăn, chuồng nuôi, ông Hiên cũng thực hiện tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh cho thỏ và trồng thêm 4 sào cỏ giống VA06 để tạo nguồn thức ăn tự nhiên. Nhìn những chú thỏ ăn ngon lành, tôi thấy niềm vui và tin tưởng qua ánh mắt của ông chủ về một tương lai không xa.
Bắt đầu nuôi thỏ từ tháng 7/2015, với 106 con (bao gồm cả thỏ sinh sản và thỏ đực) thì đến tháng 4/2016 (tức là sau 9 tháng) số lượng thỏ của gia đình ông Hiên đã tăng lên 1.000 con, trong đó, có gần 400 thỏ sinh sản.
Từ khi xây dựng mô hình, ông chỉ xuất bán hơn 100 con, chủ yếu là bán lẻ cho người dân thực sự có nhu cầu chứ không xuất ồ ạt. Đồng thời, tiếp tục tuyển thêm thỏ sinh sản (khoảng 600 con) để nhân đàn, dự kiến mô hình lên đến vài nghìn con.
Để thỏ mẹ được khỏe mạnh, sinh sản tốt, ông cho thỏ phối giống bình quân 3 tháng 2 lứa; mỗi lứa, thỏ mẹ đẻ từ 7 - 8 thỏ con. Trong quá trình chăm sóc có sổ tay ghi chép ngày tháng cụ thể để quản lý thỏ con cũng như thời gian sinh sản của thỏ mẹ.
Thỏ con nuôi khoảng 3 tháng có thể đạt trọng lượng từ 2,8 - 3kg/con. Với giá bán trung bình khoảng 90.000 - 100.000 đồng/kg, lợi nhuận mỗi con đạt 50.000 - 55.000 đồng.
Như vậy với 400 thỏ sinh sản, trung bình cứ 3 tháng đàn thỏ của gia đình ông Hiên tăng lên khoảng 2.000 con. Càng tuyển được nhiều thỏ sinh sản thì mô hình sẽ càng nhân lên.
Đây cũng là mục đích mà ông Hiên hướng tới, nhưng để thực hiện nó cần có thời gian. Và khoảng thời gian đó cũng chính là khoảng thời gian khó khăn nhất, vì toàn bộ vốn đã dồn để xây dựng chuồng trại, thức ăn và thỏ giống.
Đã nhiều lần ông định xuất bán vài lứa thỏ để trang trải nhưng lại thôi. Bởi ông đang phấn đấu xây dựng mô hình thỏ thương phẩm lên đến vài nghìn con để có thể ký hợp đồng với Công ty Dược phẩm Nippon Zoki Nhật Bản (Công ty sẽ ký hợp đồng khi đạt số lượng 1.000 con/ tháng).
Nhìn cái cách mà ông Hiên làm là có thể thấy được sự nhiệt huyết, quyết tâm làm giàu của ông. Trước nay, không chỉ có ông Hiên, mà nhiều người đã tìm hiểu về loài vật nuôi lông trắng, mắt hồng đáng yêu này nhưng còn e dè vì lo cho đầu ra của sản phẩm.
Nhưng khi Công ty Dược phẩm Nippon Zoki Nhật Bản xây dựng Nhà máy công nghệ sinh học Konishi Việt Nam tại Khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh và đi vào hoạt động, ước tính mỗi ngày Nhà máy cần hơn 2.500 con thỏ thương phẩm. Công ty mong muốn khu vực Tây Bắc sẽ đáp ứng mỗi ngày khoảng 1.000 con thỏ thương phẩm.
Theo tính toán chuyên môn, để có được 1.000 con thỏ nguyên liệu mỗi ngày, cần xây dựng được vùng nguyên liệu với khoảng 15.000 thỏ mẹ. Điều đó cho thấy, nhu cầu thỏ nguyên liệu cung cấp cho thị trường là rất lớn và đầy tiềm năng. Để đáp ứng được số lượng đó, việc chia thành nhiều vùng nguyên liệu rồi liên kết các chủ trang trại là rất cần thiết.
Trên gương mặt nhiều lo toan nhưng không giấu nổi niềm vui, ông Hiên khẳng định: "Số lượng 1.000 con thỏ/tháng là rất lớn, ngay cả với doanh nghiệp lớn như Doanh nghiệp Quang Thanh cũng chưa đáp ứng được. Vì vậy, gia đình tôi, Doanh nghiệp Quang Thanh và nhiều trang trại nuôi thỏ khác trong tỉnh đang cùng nhau liên kết đầu tư nhằm gom đủ số lượng để ký hợp đồng với Công ty của Nhật Bản. Nhiều người bảo tôi là mua dây buộc mình nhưng với tôi, đây là sự đầu tư có căn cứ, thực sự rất khả quan”.
Đánh giá về mô hình nuôi thỏ thương phẩm của gia đình ông Hiên, ông Phùng Tiến Thanh - Trưởng phòng Kinh tế thành phố cho biết: "Nuôi thỏ không phải là mô hình mới nhưng nuôi thỏ theo cách hiện đại như gia đình ông Nguyễn Anh Hiên thì ở thành phố Yên Bái chưa có nhiều. Với tư duy mới, dám nghĩ dám làm, dám đầu tư, mô hình này chắc chắn sẽ thành công”.
Hiệu quả có thể nhìn rõ là thế, nhưng với số lượng lớn đòi hỏi các cơ sở phải liên kết, cùng nhau góp sức vì mục tiêu chung. Nếu chỉ dừng ở suy nghĩ trước đây, khi người nông dân chỉ quanh quẩn với quy mô nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp thì trước vòng quay của cơ chế thị trường, họ sẽ bị tụt hậu.
Và việc xây dựng các mô hình theo hướng công nghiệp hóa gắn với tư duy thị trường, tự tìm cho mình bạn hàng lâu năm mới là chìa khóa của cánh cửa thành công trên con đường phát triển kinh tế hàng hóa, xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Với tư duy nhạy bén, năng động, dám nghĩ, dám làm như ông Hiên chính là đang nắm lấy cơ hội vô cùng quý báu đó.
Hoài Anh
Các tin khác
YBĐT - 62 hộ dân ở xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái vừa được hỗ trợ mỗi hộ 1 máy làm miến với tổng kinh phí 1,3 tỷ đồng.
YBĐT - Từ tháng 7/2014 đến nay, Văn phòng Đăng ký đất đai và Phát triển quỹ đất huyện Mù Cang Chải đã tiếp nhận 342 hồ sơ để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đảm bảo thời gian giải quyết theo quy định.
Ngày 23/5, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Quỹ Châu Á phối hợp cùng Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) tổ chức buổi Tọa đàm tham vấn “Rủi ro khi xuất khẩu đồ gỗ trong bối cảnh hội nhập TPP và EVFTA”.
YBĐT - Thời gian qua, cùng với các chương trình, dự án đầu từ của Nhà nước, Ban quản lý Dự án Giảm nghèo giai đoạn 2 huyện Lục Yên đã thực hiện hiệu quả nhiều công trình, tiểu dự án phát triển ở các xã khó khăn.