Sản xuất công nghiệp Văn Chấn: Tăng trưởng nhưng còn nhiều khó khăn
- Cập nhật: Thứ tư, 8/6/2016 | 9:57:34 AM
YBĐT - Từ đầu năm đến nay, sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện Văn Chấn vẫn giữ được nhịp độ hoạt động ổn định và có bước tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Văn Chấn cũng đang gặp không ít khó khăn, đòi hỏi những giải pháp tháo gỡ kịp thời từ các cấp, ngành.
Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè ở Văn Chấn đang gặp nhiều khó khăn.
|
Những ngày này, các xưởng máy tại các doanh nghiệp chè ở Tân Thịnh, Bình Thuận, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, thị trấn Nông trường Liên Sơn đã hoạt động. Trên các nương chè, người mua kẻ bán tấp nập. Cùng với đó, các doanh nghiệp khai thác đá, thủy điện, sản xuất vật liệu xây dựng… cũng tăng cường hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Theo báo cáo của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, trong 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp ước đạt trên 330 tỷ đồng, tăng 9,77% so với cùng kỳ. Nổi bật trong số này là các doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Thủy điện Văn Chấn, Công ty TNHH Trường Thành, Công ty cổ phần Thịnh Đạt, Công ty TNHH Đại Đồng Tiến… Ông Kim Tiến Dũng – Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: “Ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp này đã đẩy mạnh hoạt động sản xuất, do vậy, giá trị sản lượng đạt cao, góp phần tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế của huyện”.
Có thể thấy, bên cạnh những thuận lợi trong cơ chế thu hút đầu tư do huyện triển khai như: mặt bằng, thủ tục hành chính, nhân lực, vùng nguyên liệu dồi dào, còn phải kể đến sự mạnh dạn đầu tư, cải tạo, nâng cấp dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp… Nhờ đó, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn và biến động nhưng tốc độ, giá trị sản xuất công nghiệp của huyện Văn Chấn vẫn giữ được nhịp độ phát triển khá. Thế nhưng qua tìm hiểu thực tế, các doanh nghiệp ở Văn Chấn đang gặp nhiều khó khăn như: thiếu vốn, thị thường không ổn định, giá thành sản phẩm thấp, nhiều sản phẩm không có đầu ra. Đặc biệt, mặc dù đã vào vụ chè mới nhưng các đơn vị sản xuất chè đang gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề thu mua nguyên liệu đầu vào cũng như sự hạn chế của đầu ra sản phẩm.
Ông Kim Tiến Dũng cho biết thêm: “Nguyên nhân là do công suất chế biến của các nhà máy hiện nay đã vượt gấp đôi hoặc ba lần khả năng cung cấp của vùng nguyên liệu. Thứ hai, do cách thu hái không đúng phẩm cấp dẫn đến sản phẩm kém chất lượng cho khâu chế biến. Thứ ba, diện tích chè trồng cải tạo mới được trồng nên sản lượng thu hái còn thấp”.
Cũng theo ông Dũng, một khó khăn nữa ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất công nghiệp của huyện là việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp gặp nhiều khó khăn. Điều này xuất phát từ việc hệ thống giao thông chưa bảo đảm, chi phí giải phóng mặt bằng, san tạo mặt bằng lớn (1,6 tỷ đồng/ha), trong khi đó nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư cơ sở hạ tầng thấp, không đủ để tạo mặt bằng sạch.
Trao đổi về những khó khăn này, được biết, trước mắt để hoàn thành mục tiêu đạt trên 1.000 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010) trong năm 2016, huyện tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh chè. Đồng thời, huyện tăng cường gặp gỡ, trao đổi cùng doanh nghiệp; tăng cường vận động nhân dân đẩy mạnh sản xuất và có những cơ chế giúp người dân đầu tư, thâm canh năng suất, chất lượng cho chế biến.
Về lâu dài, thời gian tới, huyện tiếp tục rà soát tình hình hoạt động, sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện nhằm có các giải pháp, các cơ chế hữu hiệu giúp các doanh nghiệp từng bước tháo gỡ khó khăn.
Bên cạnh đó, huyện đầu tư mở rộng Cụm công nghiệp Sơn Thịnh theo quy hoạch của tỉnh và đẩy mạnh thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, lấp đầy cụm công nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm công nghiệp khai thác, chế biến. Ngoài những giải pháp trên, huyện cũng mong có sự hỗ trợ, tháo gỡ của tỉnh và các ngành chức năng để thúc đẩy công nghiệp địa phương phát triển.
Hùng Cường
Các tin khác
YBĐT - Qua đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Yên Bái, 5 tháng qua, thị trường tiền tệ trên địa bàn tiếp tục ổn định, không có những biến động bất thường; các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) thực hiện nghiêm túc các quy định về lãi suất huy động vốn, cho vay theo quy định.
Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Bộ trưởng Trần Hồng Hà vừa phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” sẽ được triển khai thực hiện từ năm 2017 đến năm 2020.
YBĐT - Chỉ còn ít thời gian nữa là diện tích lúa đông xuân 2015 - 2016 trên địa bàn huyện Mù Cang Chải sẽ được thu hoạch. Có được kết quả này phải nói đến sự chủ động của huyện trong chỉ đạo sản xuất cũng như nỗ lực khắc phục những khó khăn, ảnh hưởng bởi yếu tố khách quan trong quá trình sản xuất.
Từ 2011- 2016, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã huy động được 186.660 tỉ đồng để đầu tư 62 dự án theo hình thức BOT và BT.