Gạch không nung chưa chiếm được thị trường
- Cập nhật: Thứ tư, 8/6/2016 | 10:18:14 AM
YBĐT - Gạch không nung đúng là tốt thật, nhưng người dân chưa quen dùng, muốn vào được thị trường trước hết nhà sản xuất phải tiếp tục hạ giá bán, đặc biệt phải khắc phục được trọng lượng viên gạch.
Để gạch không nung được thị trường chấp nhận, cần có sự quan tâm của cơ quan quản lý nhà nước.
|
Anh bạn hàng xóm kêu ca: “Đặt tiền trước mấy tháng ở Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng (VLXD) Yên Bái mà giờ vẫn chưa lấy được gạch xây nhà”. Tôi khuyên anh: “Sao không dùng gạch bê tông cho rẻ tiền và dễ mua hơn”. Anh lắc đầu: “Làm cái nhà, sống cả đời, ai lại dùng gạch ba vanh!”. Vợ chồng anh hàng xóm còn trẻ, đều thuộc diện hiểu biết mà không chấp nhận gạch bê tông, huống hồ ông chú già của tôi ở quê. Số là mấy bữa trước, chú gọi điện bảo tôi mua ngay vạn gạch để kịp thời khởi công nhà thờ họ. Tôi thưa: “Gạch bê tông được không chú?”. Vừa nghe ông đã gắt: “Phải là gạch đỏ, gạch bê tông thì tôi cần gì bảo anh!”.
Cả thế giới này chắc chỉ còn mỗi Việt Nam mình chuộng xây gạch đỏ (gạch nung) hơn gạch không nung. Chính sách bắt buộc dùng gạch không nung trong các công trình xây dựng đã ra đời, nhưng gạch không nung vẫn khó sống, còn các lò gạch vẫn cứ tiếp tục đỏ lửa, mặc sức hủy hoại tài nguyên và môi trường.
Khỏi phải bàn về tác hại của các lò gạch đối với tài nguyên và môi trường như: sử dụng đất giàu dinh dưỡng (phần lớn là đất phù sa); sử dụng than làm nhiên liệu; quá trình nung, đốt gây ra khói và mùi độc hại cho sức khỏe và cây trồng; phế thải (gạch phồng, non, vỡ, xỉ than) đổ bừa bãi, không bao giờ tiêu hủy hết; quá trình lấy đất làm nguyên liệu còn tạo thành hố sâu, hủy hoại hiện trạng tự nhiên, gây nguy hiểm cho con người (không ít vụ đuối nước tại các hố lấy đất làm gạch đã xảy ra).
Nhà nước đã ban hành các chính sách khuyến khích, doanh nghiệp chủ động, tích cực đầu tư vào lĩnh vực này, cụ thể là Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 28/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 09/2012/TT-BXD được Bộ Xây dựng ban hành năm 2012.
Theo đó, đến năm 2020 vật liệu không nung chiếm 40% sản lượng VLXD. Theo quy định, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước bắt buộc phải sử dụng VLXD không nung theo lộ trình: tại các đô thị loại 3 trở lên, phải sử dụng 100% VLXD không nung từ đầu năm 2013, các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% VLXD không nung cùng thời điểm và sau năm 2015 phải sử dụng 100%. Bên cạnh đó, pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng hoàn thiện và nghiêm ngặt, lò gạch nung, đặc biệt là những lò thủ công, không phép rất khó sống vì thanh tra tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ, nhất là cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường...
Tuy nhiên, vì rất nhiều lý do, trong đó phải kể đến sự buông lỏng của các ngành chức năng, sự phối hợp kém hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương, sự thiếu cương quyết của các cấp, các ngành nên các lò gạch vẫn cứ tồn tại, vẫn cứ dùng đất giàu dinh dưỡng, nhả khói, gây mùi và đổ phế thải lung tung ra môi trường.
Cùng với xã Văn Tiến của thành phố Yên Bái, xã Minh Quân huyện Trấn Yên được coi là “đất” gạch lâu năm. Thời điểm tháng 6/2016, trên địa bàn vẫn còn tồn tại 8 lò gạch thủ công. Ông Lê Đức Bắc - Chủ tịch UBND xã tiếp chúng tôi và kêu lên: “Tôi chán và khổ nhiều với mấy lò gạch trong xã này lắm rồi! Đơn thư gửi đi khắp nơi, công dân lên tận trụ sở xã phản ánh sự ô nhiễm quá nhiều lần. Xã cũng cương quyết lắm, áp dụng đủ biện pháp rồi, bản thân tôi cũng đã trực tiếp dùng máy bơm phun nước vào lò gạch cho nó tắt lửa... nhưng chỉ mình xã thì không đủ sức đâu, phải cấp huyện, cấp tỉnh, nhất là các ngành chức năng phải là chính. Giờ thì các lò vẫn đốt, chính quyền chỉ ép được họ chấp hành nghiêm quy định, không đốt gạch vào thời điểm lúa trổ đòng và ngô phun râu”.
Được biết, các cấp, các ngành của huyện và tỉnh cũng hăng hái vào cuộc nhưng không tỏ ra cương quyết trong chuyện dẹp bỏ, vẫn đồng ý cho các chủ lò gạch đốt hết than, dùng hết số đất đã khai thác sẽ nghỉ nghề gạch, nhưng thực tế thì than và đất chẳng bao giờ hết vì than hết lại mua, đất hết lại đào, lại đi thu gom từ các nơi về và các lò gạch lại tiếp tục đỏ lửa!
Mùa xây dựng năm 2016, tình trạng “cháy” gạch đã diễn ra, nhiều công trình phải chờ từng xe gạch để xây, giá gạch tăng chóng mặt, có loại lên đến 1.500 đồng/viên, nhưng đó là gạch nung thôi, còn gạch bê tông thì vẫn sản xuất cầm chừng lắm. Hai cơ sở sản xuất gạch, một nung, một không nung ở xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên phản ánh chân thực tình trạng này. Bên lò gạch nung, máy chạy hết công suất, gạch ra lò tới đâu là bán hết veo tới đó, những mẻ gạch chất lượng kém như A3 vẫn có người chấp nhận mua; xe gạch nối đuôi nhau chờ bốc hàng, công nhân phải phun nước vào gạch mới ra lò cho nguội để kịp bốc. Phía bên đối diện là nhà máy gạch không nung xây dựng khá quy mô nhưng kém tấp nập hơn, những kiêu gạch thành phẩm xếp dài chưa được tiêu thụ hết.
Đem câu chuyện gạch không nung trao đổi với Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Cảnh - Hội Kiến trúc sư Việt Nam thì được biết: “Thế giới hạn chế và từ bỏ gạch nung từ rất lâu. Chính phủ mình đã có quy định cụ thể về vấn đề này, nhưng việc thiếu cương quyết của cơ quan quản lý nhà nước trong việc dẹp bỏ gạch nung, cũng như trách nhiệm của chủ đầu tư, của nhà tư vấn trong việc đưa gạch không nung vào công trình còn nhiều vấn đề. Gạch không nung cũng có nhiều loại, chất lượng cũng rất bảo đảm; nhiều người biết rõ, tòa nhà Keangnam cao nhất Việt Nam sử dụng hoàn toàn vật liệu không nung. Chúng ta cần cương quyết loại bỏ gạch nung và tuyên truyền mạnh mẽ để gạch không nung được sử dụng rộng rãi là việc rất nên làm, phù hợp với thời đại”.
Một công trình xây dựng sử dụng 100% gạch không nung.
Ông Nguyễn Thanh Tân - một nhà thầu xây dựng cho biết: “Gạch không nung đúng là tốt thật, nhưng người dân chưa quen dùng, muốn vào được thị trường trước hết nhà sản xuất phải tiếp tục hạ giá bán; đặc biệt phải khắc phục được trọng lượng viên gạch. Thực tế, gạch không nung cũng không quá nặng, loại gạch đặc không nung của Công ty Tài Đức ở xã Bảo Hưng và một số cơ sở khác chỉ nặng hơn gạch đặc Xuân Lan từ 300g đến 400g, gạch bê tông loại có lỗ còn nhẹ hơn nữa. Như vậy, với những công trình dân dụng xây một, hai tầng; những công trình xây dựng trên nền địa chất tốt hoặc xây tường 110 mm… thì không có vấn đề gì”.
Đúng là gạch không nung vẫn chưa vào được thị trường vì người dân chưa quen dùng. Chúng ta đều biết, trong thương trường, thói quen và tâm lý người tiêu dùng là yếu tố rất quan trọng để sản phẩm vào được thị trường; các nhà sản xuất gạch không nung cần phải có chiến lược bán hàng tích cực, phải đẩy mạnh tuyên truyền, phải có giá bán hợp lý hơn. Về công nghệ cũng cần cải tiến công nghệ sản xuất, phải thay đổi nguyên vật liệu cho viên gạch nhẹ hơn thì khách hàng mới lựa chọn. Song song với việc dẹp bỏ các cơ sở sản xuất gạch gây ô nhiễm, các cấp chính quyền, các chủ đầu từ cần lưu tâm đến việc lựa chọn gạch không nung. Làm như vậy, không những đúng với chính sách, pháp luật mà còn hạ được giá thành công trình, góp phần bảo vệ tài nguyên và môi trường, ủng hộ công nghệ mới, vật liệu mới.
Tấn Đạt
Các tin khác
YBĐT - Vừa qua, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và kinh tế phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông trật tự (Công an huyện Văn Chấn) bắt giữ một xe tải chở trên 650 kg nội tạng động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
YBĐT - Vụ đông xuân 2015 - 2016, huyện Lục Yên gieo cấy 3.435 ha lúa, đến nay lúa xuân đang thu hoạch, năng suất dự kiến bình quân 56 tạ/ha.
YBĐT - Mùa hè đến, thị trường điện lạnh ở Yên Bái sôi động hẳn lên bởi nhu cầu sử dụng các thiết bị chống nóng của người dân tăng mạnh.
YBĐT - Từ đầu năm đến nay, sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện Văn Chấn vẫn giữ được nhịp độ hoạt động ổn định và có bước tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Văn Chấn cũng đang gặp không ít khó khăn, đòi hỏi những giải pháp tháo gỡ kịp thời từ các cấp, ngành.