Trấn Yên tập trung phát triển chăn nuôi hàng hóa

  • Cập nhật: Thứ hai, 13/6/2016 | 3:04:33 PM

YBĐT - Việc phát triển chăn nuôi quy mô lớn theo hướng hàng hoá đang phát huy hiệu quả tốt ở huyện Trấn Yên góp phần quan trọng xoá đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn.

Chăn nuôi thỏ ở xã Nga Quán, huyện Trấn Yên.
(Ảnh: Quỳnh Nga)
Chăn nuôi thỏ ở xã Nga Quán, huyện Trấn Yên. (Ảnh: Quỳnh Nga)

Trong những năm qua, huyện Trấn Yên đã thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi, tạo điều kiện để người dân mở rộng quy mô, hình thành các cơ sở chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại có đầu tư lớn về cơ sở vật chất, con giống và ứng dụng kỹ thuật chuyên sâu, rút ngắn chu kỳ sản xuất, nâng cao giá trị và hiệu quả ngành chăn nuôi. Từ đó đã giúp cho nhiều hộ nông dân ngày càng giàu lên nhờ chăn nuôi quy mô lớn.

Là một trong những hộ chăn nuôi lợn lâu năm trên địa bàn xã Báo Đáp nhưng phải đến năm 2010, được nhận hỗ trợ từ chính sách phát triển chăn nuôi của Nhà nước, gia đình bà Đào Thị Mai ở thôn Đồng Sâm mới quyết định chuyển hướng làm ăn từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô lớn.

Bà Đào Thị Mai - thôn Đồng Sâm, xã Báo Đáp phấn khởi nói: “Được hỗ trợ 30 triệu đồng cùng với nguồn vốn sẵn có, gia đình bà đã đầu tư hơn 100 triệu đồng xây dựng chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi. Nhờ đó, gia đình đã tăng số lượng đàn lợn lên 100 con/lứa và 10 lợn nái. Mỗi năm trang trại chăn nuôi của gia đình xuất chuồng trên dưới 15 tấn lợn thịt, trừ chi phí thu nhập trên 100 triệu đồng”.

Trước đây, người chăn nuôi do thiếu vốn, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật, chuồng trại chưa được đầu tư bài bản và chủ yếu là giống địa phương nên hiệu quả kinh tế không cao, gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, việc chuyển sang quy mô chăn nuôi hàng hóa là hướng đi phù hợp với nhiều hộ nông dân, phần lớn các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn đều ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như đầu tư: con giống, thức ăn, chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải bằng bioga… hạn chế dịch bệnh, tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi.

Đơn cử như ở thôn 3 thị trấn Cổ Phúc hiện nay đang phát triển mạnh các mô hình chăn nuôi gia cầm với quy mô tập trung. Nhờ triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi nên chỉ trong 3 năm trở lại đây đã có hơn chục cơ sở thành lập mới với quy mô ít nhất là 1.000 con/lứa. Từ đây, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Một trong những giải pháp để chăn nuôi hàng hóa phát triển là huyện đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, chỉ đạo thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và vận động nhân dân hưởng ứng; lựa chọn các hộ có đủ điều kiện thực hiện bảo đảm tiêu chí của dự án như khả năng về vốn sản xuất, bảo đảm nhân công, có kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi, có đất đai để xây dựng trang trại; tăng cường tập huấn khoa học kỹ thuật, dạy nghề cho người nông dân. 

Đặc biệt, sau khi được chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhiều nông dân đã chủ động học hỏi, tìm tòi và phát triển nhiều mô hình chăn nuôi các giống đặc sản như ba ba, thỏ, lợn lai lợn rừng… bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiện nay, ở Trấn Yên đã có hàng chục mô hình nuôi thỏ quy mô từ 1.000 con/lứa trở lên. Đây là một hướng đi mới, phù hợp điều kiện của địa phương, mặt khác, chuồng trại trong nuôi thỏ khá đơn giản, không tốn nhiều diện tích, chi phí đầu tư không lớn, khả năng quay vòng vốn nhanh. Một ưu điểm nữa là thỏ khá dễ nuôi, ít bệnh dịch. Ông Bùi Quốc Trị - thôn Bảo Long, xã Bảo Hưng chia sẻ: “Sau khi trừ chi phí đầu tư, 1 con thỏ thương phẩm cho thu lãi 120.000 đồng. Như vậy, với 1.000 con thỏ thương phẩm thì người chăn nuôi thu về không dưới 100 triệu đồng”.

Với mục tiêu đưa chăn nuôi thành ngành kinh tế mũi nhọn những năm qua, huyện Trấn Yên đã có nhiều chính sách thúc đẩy chăn nuôi tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa. Cùng với đó từng bước cải thiện nâng cao chất lượng con giống đưa con giống có năng suất cao, chất lượng tốt vào sử dụng. Nhờ đó, chăn nuôi hàng hóa đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp.

Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ chăn nuôi hàng hóa đã trở thành đòn bẩy để chăn nuôi quy mô tập trung của huyện Trấn Yên phát triển. Hiện toàn huyện có 216 cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, trong đó, có 134 cơ sở nuôi lợn thịt quy mô 100 con/lứa, 45 cơ sở nuôi lợn nái quy mô từ 15 con/cơ sở và 37 cơ sở chăn nuôi gà, quy mô 1.000 con/lứa trở lên. Chăn nuôi trang trại theo hướng hàng hóa đã góp phần giải quyết công ăn việc làm tăng thu nhập cho người chăn nuôi.

Việc phát triển chăn nuôi quy mô lớn theo hướng hàng hoá đang phát huy hiệu quả tốt ở Trấn Yên góp phần quan trọng xoá đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn.

Bà Nguyễn Thị Vui - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trấn Yên khẳng định: “Thời gian tới, huyện tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn theo hướng chăn nuôi hàng hóa; tiếp tục thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ tự cung, tự cấp sang phát triển chăn nuôi quy mô tập trung. Đồng thời, làm tốt dự báo về thị trường cho người chăn nuôi; kết hợp với các doanh nghiệp đứng ra cung cấp giống chất lượng cũng như bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Thanh Tiến - Kim Oanh (Đài TT-TH Trấn Yên)

Các tin khác

Việt Nam đã trở thành quốc gia nhập khẩu thép nhiều nhất khu vực Đông Nam Á và xếp thứ bảy trên thế giới về quốc gia nhập khẩu nhiều thép trong năm 2015, theo xếp hạng của Hiệp hội Thép thế giới.

Quy hoạch và phát triển vùng ngô hàng hóa góp phần xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn.

YBĐT - Trong sản xuất lương thực, ngô là cây trồng quan trọng, diện tích và sản lượng ngô chỉ đứng sau cây lúa. Ngô hạt là loại lương thực không thể thiếu đối với đồng bào các dân tộc vùng cao. Ngoài ra, ngô còn để chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm và chất đốt. Mặc dù Yên Bái đã có nhiều cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ và chỉ đạo phát triển sản xuất song cây ngô vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của nó.

Nông dân huyện Lục Yên thu hoạch lúa xuân, năng suất ước đạt 60 tạ/ha.

YBĐT - Dẫu vẫn còn nhiều khó khăn nhưng hàng năm, Yên Bái luôn dành một nguồn vốn khá lớn hỗ trợ sản xuất nông nghiệp từ vùng thấp đến vùng cao, từ vùng đồng bào các dân tộc cho tới những vùng sản xuất hàng hóa. Những cơ chế, chính sách hỗ trợ đó đã làm nên một diện mạo mới trong phát triển sản xuất nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo và làm giàu trong nông nghiệp, nông thôn.

Trồng dưa lê giúp hội viên Hội Phụ nữ thị trấn Yên Thế nâng cao thu nhập.

YBĐT - Vài năm trở lại đây, nhiều hội viên Hội Phụ nữ thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa nước, cây màu kém hiệu quả sang trồng dưa lê đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập, từng bước xóa đói giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục