Trạm Tấu đột phá ngô đồi
- Cập nhật: Thứ hai, 22/8/2016 | 11:04:08 AM
YênBái - YBĐT - Đến nay, Trạm Tấu đã chuyển đổi được gần 1.000 ha đất trồng lúa nương, trồng sắn kém hiệu quả sang trồng ngô hai vụ, giúp nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu chính đáng.
Là huyện vùng cao, trong những năm qua, vượt lên khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Trạm Tấu đã đoàn kết, năng động, sáng tạo nỗ lực phấn đấu vươn lên giành được những kết quả đáng phấn khởi. Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, sản xuất nông nghiệp của huyện vùng cao Trạm Tấu có bước phát triển vượt bậc.
Tổng sản lượng lương thực có hạt đến năm 2016 dự ước đạt 21.666 tấn, tăng trên 8.100 tấn so với năm 2010. Có được kết quả đó, là do huyện Trạm Tấu đã thành công trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là chuyển đổi diện tích lúa nương, sắn kém hiệu quả sang trồng ngô đồi.
Đến huyện Trạm Tấu những ngày này, trên các nương đồi từ các xã Làng Nhì, Phình Hồ, Tà Si Láng hay Trạm Tấu, Pá Hu, Xà Hồ... đều bạt ngàn một màu xanh của cây ngô. Nhờ cây ngô mà nhiều hộ dân đã thoát nghèo bền vững. Trong đó, Pá Hu là một điển hình. Trước đây, người dân ở Pá Hu chủ yếu sản xuất theo phương thức canh tác lạc hậu, sử dụng các giống cây trồng địa phương, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao nên đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn.
Lãnh đạo huyện Trạm Tấu kiểm tra chất lượng giống ngô mới trồng ở xã Trạm Tấu.
Thực hiện chương trình hành động của Đảng bộ huyện Trạm Tấu lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2010 - 2015 về chuyển đổi cơ cấu nội bộ ngành sản xuất nông - lâm nghiệp, Đảng bộ xã Pá Hu đã tập trung chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, quy hoạch vùng sản xuất, định hướng việc gieo trồng từng loại cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu của từng địa bàn; vận động nhân dân tích cực tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thâm canh tăng vụ. Nhờ vậy, từ năm 2011 đến nay, toàn xã chuyển đổi được 90 ha diện tích đất trồng lúa nương và trồng sắn kém hiệu quả sang trồng ngô 2 vụ cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Xã dần hình thành các vùng chuyên canh sản xuất ngô hàng hóa ở các thôn: Pá Hu 100 ha, Km 16 có 80 ha và thôn Cang Dông với 70 ha.
Đồng chí Hà Chánh Thảo - Phó Chủ tịch UBND xã Pá Hu hồ hởi cho biết: “5 năm trở về trước, bà con trong xã chủ yếu trồng giống ngô địa phương năng suất và chất lượng đạt thấp. Khi thực hiện chủ trương của huyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Pá Hu đã chỉ đạo đưa các loại giống mới cho năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Đến nay, gần như 100% diện tích sản xuất đều sử dụng các loại giống tốt như: ngô Biosee, Ag59, C919, NK66..., năng suất đạt trên 50 tạ/ha/năm. Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của xã giảm từ 5 - 7%”.
Còn ông Thào A Dao - thôn Pá Hu chia sẻ: “Trước đây gia đình mình nghèo lắm nhưng 3 năm trở lại đây, được cán bộ hướng dẫn, tuyên truyền mình đã chuyển đổi được 2 ha diện tích trồng lúa nương, trồng sắn kém hiệu quả sang trồng ngô theo hướng hàng hóa. Nhờ cây ngô mà gia đình không còn đói nghèo nữa”.
Cùng với Pá Hu, xã Trạm Tấu cũng là địa phương đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đồng chí Giàng A Chư - Chủ tịch UBND xã Trạm Tấu phấn khởi cho biết: “Trước đây, người dân trong xã chủ yếu gieo cấy giống ngô địa phương và lúa nương năng suất chẳng được là bao. Từ khi có nghị quyết của huyện, Đảng ủy xã đã chỉ đạo nhân dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng cho năng suất, chất lượng cao, phù hợp với thổ nhưỡng, đặc biệt là trồng ngô đồi thay diện tích lúa nương kém hiệu quả. Đến nay, hơn 500 ha ngô đều được bà con trồng bằng các giống mới, năng suất đạt cao”.
Thực tế đáng mừng là từ việc chuyển đổi sang trồng ngô đồi trên diện tích lúa nương, trồng sắn kém hiệu quả đã giúp nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu chính đáng. Điển hình như chị Hờ Thị Dở ở thôn Tấu Giữa, 5 năm trước, gia đình gặp muôn vàn khó khăn, cái đói, cái nghèo đeo đẳng. Nhưng đó là chuyện của quá khứ, còn bây giờ nhờ chịu khó, năng động, dám nghĩ, dám làm, đặc biệt là việc chuyển đổi 1,5 ha diện tích trồng lúa nương, sắn kém hiệu quả sang trồng ngô đã giúp gia đình chị có kinh tế ổn định, mua được xe máy, 7 con trâu bò, nuôi hàng trăm con gà, vịt... Chị Dở bảo: “Hàng năm, từ cây ngô gia đình thu về trên 30 triệu đồng, đời sống khá giả rồi”.
Diện tích trồng lúa nương, trồng sắn kém hiệu quả ở Trạm Tấu đã được chuyển đổi sang trồng ngô cho năng suất cao.
Từ năm 2010 trở về trước, huyện Trạm Tấu có hơn 1.200 ha diện tích lúa nương, mỗi năm gieo cấy 1 vụ, bắt đầu từ tháng 4 đến tận tháng 10 mới được thu hoạch, năng suất đạt 11 - 12 tạ/ ha. Đất sản xuất nông nghiệp hàng năm vẫn được đồng bào gieo trồng bằng các loại giống địa phương truyền thống nên sản lượng và giá trị trên cùng một diện tích đất canh tác không cao dẫn đến đời sống của nhân dân trên địa bàn còn bấp bênh “lúc đói, lúc no”.
Trước thực trạng đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Trạm Tấu lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế, nhất là nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, trong đó bắt đầu từ chuyển đổi cơ cấu nội bộ ngành sản xuất nông - lâm nghiệp. Nói là vậy, để biến Nghị quyết thành hành động là cả một quá trình khó khăn bởi tập tục canh tác của đồng bào vùng cao đã ăn mòn vào tâm thức, vì thế việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng lại càng khó hơn.
Đồng chí Nguyễn Văn Xa - Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết: “Để thực hiện tốt Nghị quyết ngay từ năm 2011, UBND huyện đã giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tham mưu cho UBND huyện xây dựng mô hình trồng ngô thử nghiệm trên đất trồng lúa nương với diện tích 41 ha ở xã Pá Lau bằng các giống ngô lai như NK4300, B256, B21... cho năng suất cao. Sau đó, huyện chỉ đạo nhân rộng mô hình trồng ngô trên đất đồi dốc ở hầu hết các xã, trong đó tập trung ở Xà Hồ, Bản Công, Pá Hu, Trạm Tấu, Tà Si Láng... năng suất đạt 56 tạ/ ha, hiệu quả cao gấp 4 lần so với trồng lúa nương truyền thống”.
Rõ ràng, việc chuyển đổi tập quán canh tác lúa nương và cây sắn kém hiệu quả sang trồng ngô ở Trạm Tấu đã mang lại những kết quả tích cực. Đến nay, toàn huyện có 3.519 ha diện tích trồng ngô cả năm, tăng trên 1.300 ha so với đầu năm 2010, trong đó có 950 ha trồng ngô 2 vụ. Bước đầu hình thành vùng sản xuất ngô hàng hóa ở các địa phương: Tà Si Láng 540 ha, Trạm Tấu 785 ha, Xà Hồ 430 ha, Pá Hu 494 ha...
Cùng với cây ngô, huyện Trạm Tấu cũng đã thành công trong việc chỉ đạo nhân dân chuyển đổi trồng 2 vụ lúa/ năm. Nếu như trước những năm 2010, số diện tích chuyển đổi từ 1 vụ sang trồng 2 vụ còn dừng lại con số khiêm tốn thì đến nay toàn huyện đã chuyển đổi được trên 1.466 ha, tăng 466 ha so với năm 2010, trong đó diện tích gieo cấy 2 vụ lúa là 1.350 ha, năng suất lúa đạt 46,1tạ/ ha.
Với tư duy đổi mới, dám nghĩ dám làm, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay Trạm Tấu đã chuyển đổi được gần 1.000 ha đất trồng lúa nương, trồng sắn kém hiệu quả sang trồng ngô hai vụ và chỉ đạo nhân dân gieo cấy 1.350 ha lúa hai vụ nên sản lượng lương thực có hạt của huyện có bước tăng đột phá. Đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, cái đói cái nghèo từng bước được đẩy lùi. Đó là tiền đề vững chắc cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong toàn huyện thực hiện tốt các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra.
Văn Tuấn - Mạnh Cường
Các tin khác
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì Hội nghị công bố hiện trạng môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, sau sự cố xả thải của Formosa làm hải sản chết hàng loạt.
YBĐT - Du lịch cộng đồng là hình thức du lịch mà cả người dân bản địa và du khách cùng tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch, qua đó người dân bản địa thu được các lợi ích kinh tế - xã hội, đồng thời chịu trách nhiệm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường, văn hóa địa phương.
YBĐT - Theo báo cáo nhanh của các địa phương đến sáng 21/8, mưa lũ do hoàn lưu bão số 3 đã gây thiệt hại lớn cho tỉnh Yên Bái, ước tính khoảng 210 tỷ đồng. Công tác khắc phục hậu quả đang được tập trung cao độ.
YBĐT - Theo Công ty cổ phần Đường sắt Yên Lào, 8 giờ 10 sáng 21/8, Công ty đã chính thức trả đường chạy tàu tất cả các vị trí trên đường sắt qua tỉnh Yên Bái.