Yên Bái chú trọng phòng dịch mùa mưa bão
- Cập nhật: Thứ sáu, 26/8/2016 | 1:49:24 PM
YBĐT - Đến 1/4/2016, toàn tỉnh có 103.900 con trâu, trên 22.000 con bò, trên 509.700 con lợn, tổng đàn gia cầm hơn 3,9 triệu con.
Cán bộ thú y huyện Yên Bình phun khử trùng tiêu độc tại các hộ chăn nuôi.
|
Vừa qua, cơn bão số 3 đã ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều tỉnh, thành phố. Trên địa bàn tỉnh Yên Bái cũng đã có mưa to, giông lốc. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, thời gian tới, thời tiết tiếp tục có những thay đổi phức tạp, diễn biến khó lường; mưa bão vẫn có thể tiếp tục xảy ra.
Đây là thời điểm nhạy cảm với đàn vật nuôi, là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh ở gia súc, gia cầm (GSGC) có nguy cơ bùng phát và lan ra diện rộng. Trước nguy cơ trên, Chi cục Thú y tỉnh chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Tính đến 1/4/2016, toàn tỉnh có 103.900 con trâu, trên 22.000 con bò, trên 509.700 con lợn, tổng đàn gia cầm hơn 3,9 triệu con. Giao mùa là thời điểm đàn vật nuôi dễ bị nhiễm bệnh do thời tiết thay đổi thất thường, đặc biệt là trong mùa mưa bão. Vào mùa mưa, mầm bệnh theo nước lũ sẽ lan đi khắp nơi. Lũ lụt càng lớn, quy mô càng rộng thì sự lan truyền mầm bệnh càng tăng, mức độ nguy hiểm càng lớn.
Mặt khác, trong khi có sự di chuyển đàn gia súc, gia cầm tránh lũ sẽ đem theo các mầm bệnh từ nơi này tới nơi khác. Các khâu chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh tẩy uế chuồng trại cũng không được thực hiện tốt, làm suy giảm đáng kể sức chống chịu bệnh tật ở vật nuôi, khiến cho các bệnh truyền nhiễm như: tiêu chảy, dịch tả, thương hàn… dễ lây lan và bùng phát. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi trong thời điểm này, các ngành chức năng cũng như người chăn nuôi cần chú trọng các biện pháp phòng trừ bệnh dịch cho đàn vật nuôi.
Biện pháp đầu tiên là thực hiện kế hoạch tiêm phòng các loại vắc-xin phòng chống bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho toàn bộ đàn GSGC. Thời điểm này, cán bộ nông nghiệp, thú y viên của các xã, thị trấn và thú y thôn, bản trên địa bàn toàn tỉnh vẫn đang tích cực đến từng gia đình để triển khai tiêm phòng vắc-xin lở mồm long móng (LMLM) đợt 1 cho đàn trâu, bò.
Để công tác tiêm phòng cho đàn GSGC đạt kết quả cao, UBND các cấp tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh để người dân hiểu rõ tính chất, mức độ nguy hại của các loại dịch bệnh, không chỉ gây hại ở đàn vật nuôi mà còn lây lan và gây tử vong ở người, nhất là các bệnh nguy hiểm như: tai xanh, dịch tả lợn, tụ huyết trùng lợn, LMLM, bệnh cúm gia cầm...
Chỉ tính trong 8 tháng, Chi cục Thú y tỉnh tổ chức tiêm phòng trên 370.600 liều vắc-xin phòng bệnh các loại như: tụ huyết trùng trâu bò, tụ huyết trùng lợn, dịch tả lợn, cúm gia cầm... Hiện nay, Chi cục đang tiến hành tiêm vắc-xin LMLM đợt 1 cho đàn trâu, bò với 61.800 liều từ nguồn hỗ trợ của tỉnh.
Cùng với việc chủ động tiêm phòng vắc-xin cho đàn GSGC, hiện nay, toàn tỉnh tiến hành phun khử trùng tiêu độc đợt 1 năm 2016 ở 1.940 thôn, bản, tổ dân phố ở 180 xã, phường; 186 chợ, điểm bán, điểm giết mổ, cơ sở ấp nở với 6.192 lít hóa chất. Bên cạnh đó, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng chống dịch bệnh để người dân tự bảo vệ đàn vật nuôi của gia đình, thường xuyên theo dõi đàn gia súc, gia cầm, nếu có triệu chứng bệnh phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y để kịp thời xử lý.
Các địa phương đã chú trọng vận động các hộ chăn nuôi chủ động tích trữ nguồn thức ăn tinh và bảo quản các phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn cho gia súc trong mùa mưa lũ; thường xuyên vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại, xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường chăn nuôi; chọn những nơi cao ráo, không bị ngập úng để di dời gia súc, gia cầm khi có ngập úng, lũ lụt xảy ra.
Đến thời điểm hiện nay, mặc dù trên địa bàn tỉnh chưa có bệnh dịch nguy hiểm xuất hiện trên đàn vật nuôi. Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn GSGC trước, trong và sau mùa mưa bão cần được các hộ chăn nuôi chủ động thực hiện thường xuyên, liên tục và sự quan tâm từ các cấp quản lý để đảm bảo an toàn dịch bệnh trên đàn GSGC, nhằm giảm thiệt hại cho người chăn nuôi.
Hồng Duyên
Các tin khác
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Y tế công khai thông tin về các đơn vị được phép nhập khẩu để phối hợp quản lý tránh sử dụng sai mục đích.
YBĐT - Trạm Tấu là huyện vùng cao, địa hình 100% là đồi núi độ dốc lớn, vách đứng xen kẽ các khe suối nhỏ, khi mùa mưa đến tạo thành thác lớn chảy. Bên cạnh đó, đồng bào các dân tộc trong huyện chủ yếu làm nương rẫy, ruộng bậc thang, công trình thủy lợi ở đầu các con suối có độ dốc cao, nhân dân định cư ở sườn núi. Vì vậy, khi có thiên tai xảy ra, công tác phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) gặp nhiều khó khăn.
YBĐT - Để có ngày một nhiều sản phẩm nông - lâm, thủy sản an toàn hơn, trong thời gian qua ngành nông nghiệp đã và đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp thực hiện trong sản xuất, giám sát, kiểm tra các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi.
Phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về tái cơ cấu nông nghiệp sáng 25/8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp phải gắn với thị trường. Người nông dân không chỉ làm ra những gì họ có thể mà là làm ra những gì thị trường yêu cầu.