Văn Chấn khởi sắc từ xây dựng nông thôn mới
- Cập nhật: Thứ ba, 30/8/2016 | 8:26:50 AM
YBĐT - Huyện Văn Chấn có 31 xã, thị trấn, trong đó có 17 xã vùng cao kinh tế - xã hội chậm phát triển, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao… Những yếu tố đó đã ảnh hưởng rất nhiều tới việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) của huyện.
Nhân dân xã Thanh Lương bê tông hóa đường giao thông nông thôn.
|
Song với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Chương trình XDNTM, bộ mặt nông thôn từ các xã vùng thấp đến vùng cao Văn Chấn đã có nhiều khởi sắc, đời sống của nhân dân được cải thiện hơn.
Đưa chúng tôi đến thăm những mô hình sản xuất giỏi của bà con nông dân ở các xã Sơn Thịnh, Thạch Lương, Phù Nham... qua những con đường liên xã, liên thôn, đường nội đồng được bê tông hóa và rải cấp phối đi lại thuận tiện, sạch sẽ, mới thấy được sự nỗ lực của người dân nơi đây trong XDNTM. Họ vừa sản xuất ra của cải vật chất làm giàu chính đáng, vừa tích cực đóng góp công sức, tiền của để xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa phương.
Dừng lại ở cánh đồng thôn Bản Chanh, xã Phù Nham, anh Nguyễn Văn Toản - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Ban chỉ đạo XDNTM của huyện trao đổi nhanh: "Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thường trực Huyện ủy, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM của huyện, các xã phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền với mục đích “nói cho dân hiểu” về ý nghĩa, mục đích của việc XDNTM. Từ đó vận động nhân dân tổ chức thực hiện, làm thay đổi nhận thức, trách nhiệm của mỗi người dân, khơi dậy phong trào tự thân vận động, cải thiện điều kiện sản xuất, đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ môi trường sống, xây dựng tổ chức cộng đồng, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội...".
"Với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, “phát huy nội lực” và thực hiện bằng nhiều biện pháp, 28 xã đã cơ bản hoàn thành tiêu chí đăng ký và giữ vững tiêu chí đã hoàn thành trong giai đoạn 2011 - 2015” - Anh Toản vừa thông tin sơ bộ về kết quả thực hiện XDNTM của huyện, chúng tôi đã tới cánh đồng thôn Bản Chanh, xã Phù Nham.
Như đã hẹn, anh Lò Tiến Hoàn - Phó Chủ tịch UBND xã Phù Nham đã chờ chúng tôi ở đây để đưa đi thăm quan những mô hình sản xuất giỏi ở thôn Bản Chanh. Anh chỉ tay về cánh đồng phía trước vẽ một vòng tròn giới thiệu: “Trong giai đoạn 2011 - 2015 xã đã hoàn thành quy hoạch và chia làm 7 vùng phát triển kinh tế theo tiềm năng phát triển của từng vùng như: phát triển cấy lúa hàng hóa trên 100 ha; quy hoạch trồng 141 ha cây cao su; phát triển nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi thủy cầm với quy mô trên 10 ha; vùng trồng rau màu và 34 ha cây ăn quả; trên 60 hộ phát triển sản xuất kinh doanh; phát triển chăn nuôi đại gia súc, với quy mô chuồng trại và bãi trồng cỏ là 5 ha và 200 con bò 3B nuôi thương phẩm...”.
Với mục tiêu cốt lõi trong thực hiện XDNTM là nâng cao thu nhập cho nhân dân, vì vậy việc triển khai chương trình phát triển sản xuất, kinh doanh được nhân dân trong xã đồng tình ủng hộ. Ông Lường Văn Chài ở thôn Bản Chanh, xã Phù Nham phấn khởi khoe: “Trước đây, gia đình tôi chủ yếu cấy 2 vụ lúa và làm một vụ màu, khi huyện, xã triển khai XDNTM gia đình tôi và nhiều hộ dân ở đây không chỉ cấy lúa mà còn trồng nhiều loại cây khác quanh năm cho thu nhập cao như: hành, cà chua, dưa lê, dưa chuột… Năm nay cà chua, hành được giá tôi thu trên 30 triệu đồng; dưa lê, dưa chuột được khoảng 50 triệu đồng, cộng với 10 triệu đồng tiền thu từ trồng lúa nữa, tổng thu được trên 90 triệu đồng”.
Do thực hiện tốt quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nên đời sống của nhân dân trong xã đã được cải thiện hơn, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 của xã đạt 22 triệu đồng, tăng 7 triệu đồng so năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 31% năm 2010, xuống còn 8,7% năm 2015 (theo chuẩn nghèo cũ). Đến nay, xã Phù Nham đã hoàn thành 19/19 tiêu chí về XDNTM, song do thay đổi về chuẩn nghèo mới (nghèo đa chiều) nên xã phải đánh giá lại các tiêu chí và đã hoàn thành hồ sơ đề nghị thẩm định, xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong thời gian tới.
Chương trình XDNTM được các xã trong huyện triển khai thực hiện có hiệu quả, đến hết năm 2015, toàn huyện có 23 xã hoàn thành từ 5 tiêu chí trở lên, trong đó 6 xã hoàn thành 10 tiêu chí. Theo kế hoạch, trong năm 2016 Văn Chấn xây dựng 5 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tính đến tháng 7/2016, xã Phù Nham đã hoàn thành 19/19 tiêu chí; Đại Lịch 14/19 tiêu chí; Thượng Bằng La 16/19 tiêu chí; Nghĩa Tâm 11/19 tiêu chí; Thanh Lương 15/19 tiêu chí.
Hiện nay, huyện và các xã đang tập trung mọi nguồn lực, cùng với sự đóng góp của nhân dân để sớm hoàn thành 19 tiêu chí và đề nghị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2016.
Mặc dù là địa phương còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, xuất phát điểm XDNTM thấp, nhưng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân trong huyện, Chương trình XDNTM ở Văn Chấn đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nếu như năm 2011, tổng số ki-lô-mét đường giao thông ở các xã là 88,4 km, thì sau 5 năm thực hiện đã tăng lên 486,46 km, trong đó đường bê tông là 120,26 km, đường cấp phối là 186,35 km và mở mới 179,85 km...
Mô hình trồng cà chua của gia đình ông Lường Văn Chài ở thôn Bản Chanh, xã Phù Nham mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cùng các nguồn vốn lồng ghép XDNTM, các xã được sử dụng nguồn vốn trực tiếp của Chương trình XDNTM đã thành lập được 38 tổ hợp tác, nhóm hộ cùng sở thích và xây dựng được nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả; xây dựng được 17 mô hình chăn nuôi, 9 mô hình trồng trọt.
Điển hình như mô hình ngô đông tại xã Thượng Bằng La, xã Thanh Lương; mô hình lợn cho hộ nghèo tại xã Thượng Bằng La và xã Tân Thịnh; tổ hợp tác quản lý sử dụng máy móc nông nghiệp tại xã Thượng Bằng La, giúp các hộ dân đẩy nhanh tiến độ làm đất kịp thời vụ cho trồng cây vụ đông... Tổng nguồn vốn XDNTM đầu tư trong 5 năm qua trên địa bàn huyện là trên 345 tỷ đồng, trong đó vốn trực tiếp từ Chương trình XDNTM là 26,857 tỷ đồng; vốn lồng ghép là trên 245 tỷ đồng; vốn từ doanh nghiệp là 38,73 tỷ đồng; vốn do nhân dân đóng góp là 34,495 tỷ đồng, cùng với trên 62.700 ngày công lao động, hiến 295.338 m2 đất và 1.133 cây xanh có giá trị kinh tế...
Chương trình XDNTM đã và đang góp phần làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông dân và nông thôn của huyện Văn Chấn, đời sống của nhân dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 của huyện đạt 12,2 triệu đồng/người/năm, tăng 3,7 lần so năm 2010.
Để Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM trên địa bàn huyện sớm cán đích, trong năm 2016 và cả giai đoạn 2015 - 2020, huyện cần được Nhà nước bổ sung nguồn vốn XDNTM, nhất là tăng nguồn vốn cho hỗ trợ phát triển sản xuất giúp nhân dân nhanh thoát khỏi diện hộ nghèo, vì đây là tiêu chí rất quan trọng trong 19 tiêu chí để được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Minh Hằng
Các tin khác
YBĐT - Chiều 29/8, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cùng lãnh đạo một số sở, ngành đã có buổi làm việc với ông Shim In Bo - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam và một số nhà đầu tư của Hàn Quốc đến thăm và tìm hiểu cơ hội xúc tiến đầu tư xây dựng khu công nghiệp và khu du lịch nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh.
YBĐT - Tháng 8, tháng cao điểm của những đợt mưa dông kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất nông nghiệp của các huyện vùng cao. Song nhờ chủ động, tích cực chỉ đạo bà con nông dân từ khâu thu hoạch lúa đông xuân đến việc gieo cấy vụ mùa đúng khung thời vụ, chủ động chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh nên đến nay, toàn bộ diện tích lúa mùa của huyện Trạm Tấu sinh trưởng, phát triển tốt và đang bước vào giai đoạn cuối đẻ nhánh, đứng cái, hứa hẹn một vụ mùa năng suất cao.
YBĐT - Trong thời gian qua, các hội viên Hội Cựu Chiến binh (CCB) tỉnh đã tham gia nhận bảo vệ 26.421ha rừng phòng hộ đặc dụng, nhận khoán 19.550ha đất rừng tự nhiên sản xuất để trồng cây lâm nghiệp...
YBĐT - Theo Trạm Bảo vệ thực vật thị xã Nghĩa Lộ, hiện nay gần 760 ha lúa mùa của thị xã đang trong giai đoạn trỗ chắc xanh và cơ bản sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, trên địa bàn thị xã có mưa rất to đã khiến cho một số diện tích lúa bị đổ, cộng thêm mưa nhiều đã khiến cho rầy nâu, bệnh khô vằn, sâu cuốn lá nhỏ gây hại trên diện tích lúa mùa.