Cây thanh long ruột đỏ ở thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ
- Cập nhật: Thứ năm, 1/9/2016 | 8:48:25 AM
YBĐT - Với chủ trương phát triển đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị canh tác, đồng thời thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển vùng cây ăn quả của huyện Văn Chấn, trên cơ sở hỗ trợ giống, phân bón và một phần kinh phí đổ trụ bê tông, những năm qua, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ đã đưa vào trồng thí điểm mô hình thanh long ruột đỏ tại tổ dân phố 6A và tổ dân phố 7.
Cán bộ thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ trao đổi kinh nghiệm trồng thanh long với anh Trần Bá Đức.
|
Là hộ trồng thanh long đầu tiên cũng là hộ tham gia Dự án trồng thanh long ruột đỏ của địa phương, gia đình anh Trần Bá Đức, tổ dân phố 6A được nhiều người biết đến như một điển hình làm kinh tế giỏi. Cũng giống như những hộ dân ở tổ 6A, mặc dù diện tích đất rộng song những năm qua, gia đình anh chỉ trồng vài cây ăn quả như na, mận, đào, vì thế hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi đi tìm hiểu thực tế một số nơi thấy cây thanh long dễ trồng, đầu tư không nhiều mà hiệu quả kinh tế cao, có thể phù hợp với mọi đồng đất, vậy là năm 2012, anh Đức bắt đầu mua giống về trồng thử nghiệm 60 gốc thanh long.
Nhờ chăm sóc đúng quy trình nên sau 2 năm, cây thanh long đã bắt đầu cho thu hoạch. Lứa quả đầu tiên thắng lợi ngoài sức tưởng tượng đã tiếp thêm sức mạnh để vợ chồng anh Đức tiếp tục mở rộng diện tích trồng thanh long ruột đỏ. Năm 2013, sau khi có Dự án trồng thanh long ruột đỏ của huyện triển khai thí điểm trên địa bàn thị trấn, anh mạnh dạn đăng ký để mở rộng diện tích của gia đình. Sẵn có kinh nghiệm từ trước nên việc mở rộng diện tích của gia đình cũng không mấy khó khăn, sau 2 năm những gốc thanh long trồng mới cũng đã cho lứa quả đầu tiên. Từ 60 gốc thanh long ban đầu, đến nay, gia đình anh Đức đã có hơn 600 gốc thanh long ruột đỏ. Năm 2015, gia đình anh thu gần 4 tấn quả, trừ chi phí cũng lãi cả trăm triệu đồng.
Chia sẻ một số kinh nghiệm trồng thanh long ruột đỏ, anh Đức cho biết: “Trồng thanh long ruột đỏ không khó nhưng quan trọng là khâu chăm sóc để đạt năng suất cao, chất lượng tốt. Để trồng thanh long cần dựng trụ bê tông, mỗi trụ cao 2,3 m, phần nổi trên mặt đất cao 1,6 m cho cây mọc, tỏa nhánh xuống xung quanh. Khoảng cách hàng cách hàng, cây cách cây 2,5 m, bảo đảm cho cây được hưởng nguồn dinh dưỡng, ánh sáng mặt trời như nhau, mỗi trụ xi măng trồng 4 hom thanh long xung quanh. Sau khi trồng thanh long nên tưới nước định kỳ từ 2 đến 4 ngày một lần, do thanh long là loại cây không cần nhiều nước nên chú ý tưới trên thân cây, hạn chế tưới vào gốc. Nếu chăm sóc tốt, mỗi gốc thanh long có thể cho khoảng 50 quả, mỗi năm 7 - 8 lứa quả”.
Như vậy, với 600 gốc thanh long ruột đỏ hiện tại trong vườn, gia đình anh thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Điều đáng nói là cây thanh long ruột đỏ dễ phát triển, có thể tự nhân giống để mở rộng diện tích vườn. Hiện nay, giống thanh long của gia đình anh Đức đã được nhiều hộ trong vùng nhân rộng. Trong khi nhiều mặt hàng nông sản lo ngại về đầu ra thì với thanh long, thị trường tiêu thụ tương đối ổn định.
Cũng giống gia đình anh Đức, trước kia, gia đình anh Nguyễn Hồng Giang, tổ dân phố 7 cũng loay hoay với nhiều loại cây trồng mà không hiệu quả. Tham gia mô hình thử nghiệm trồng thanh long theo Dự án trồng thanh long của huyện Văn Chấn, anh được hỗ trợ về giống, phân bón và một phần kinh phí để đổ trụ trồng thanh long. Từ 40 gốc thanh long ban đầu, đến nay, gia đình anh Giang có 500 gốc thanh long đã cho thu hoạch.
Vụ quả năm 2015, gia đình anh thu về trên 3 tấn quả, dự tính năm 2016 này sẽ thu trên 4 tấn quả. Ngoài trồng thanh long ruột đỏ, gia đình anh còn phát triển thâm canh cây chè. Từ mô hình phát triển cây thanh long ruột đỏ và thâm canh cây chè, mỗi năm, gia đình anh Giang thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng.
Anh Giang cho biết: “Mô hình trồng thanh long ruột đỏ không mất nhiều công chăm sóc mà đem lại hiệu quả kinh tế cao, chỉ cần chú trọng đầu tư chăm sóc tốt thì chỉ 2 năm từ khi trồng là thanh long đã bắt đầu có quả”. Thời gian tới, anh Giang sẽ tiếp tục mở rộng diện tích thanh long ruột đỏ, nhân giống để cung cấp quả và giống cho người dân trên địa bàn, tạo thu nhập ổn định cho gia đình.
Từ mô hình thử nghiệm trồng thanh long ruột đỏ với diện tích 1,5 ha và 4 hộ dân tham gia, đến nay, toàn thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ có gần 5 ha thanh long ruột đỏ, tạo nên cơ cấu cây trồng đa dạng để nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, để cây thanh long ruột đỏ phát triển bền vững, địa phương cần có định hướng cụ thể phát triển loại cây này một cách phù hợp và tìm đầu ra ổn định cho nông dân. Đặc biệt là việc định hướng và thực hiện sản xuất thanh long theo hướng VietGAP để xây dựng thương hiệu sản phẩm thanh long ruột đỏ theo hướng an toàn, tạo sản phẩm sạch cho người tiêu dùng.
Thanh Tân
Các tin khác
Nếu hành khách mua vé tập thể trên một số tuyến sẽ được giảm giá tùy theo lượng khách và thời gian tàu chạy trong tuần.
YBĐT - Trong thời tiết thất thường tháng 8, đồng bào Mông xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu tranh thủ thời tiết ngớt mưa là lên nương gieo trồng ngô hè thu.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, đến hết tháng 8/2016, thiên tai, bão lũ gây thiệt hại gần 8,7 nghìn tỷ đồng, chưa tính đến thiệt hại do tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký Văn bản số 1532 về việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn.