Tăng cường công khai, minh bạch tài sản công
- Cập nhật: Thứ tư, 7/9/2016 | 2:10:09 PM
Sáng 7-9, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội tổ chức Hội thảo lấy ý kiến xây dựng Luật Quản lý tài sản công (sửa đổi). Dự án Luật này sẽ được trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp thứ 2 tới đây.
Toàn cảnh Hội thảo.
|
Tại hội thảo, nhiều ý kiến bày tỏ sự quan tâm đến các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công ở các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật có một số điểm mới, trong đó có việc bỏ quy định phân loại đơn vị sự nghiệp công lập thành đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính và đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính.
Đặc biệt, dự thảo bổ sung quy định về quản lý, vận hành tài sản công theo hướng cơ quan, nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập có thể tự thực hiện quản lý, vận hành tài sản công được giao quản lý, sử dụng hoặc thuê đơn vị có chức năng thực hiện quản lý, vận hành.
Đối với tài sản của Đảng Cộng sản Việt Nam, hiện có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị giao Chính phủ căn cứ các nguyên tắc quy định tại Luật này để ban hành nghị định quy định cụ thể. Loại ý kiến thứ hai cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động, vì vậy, việc quản lý, sử dụng tài sản thực hiện như chế độ áp dụng với cơ quan nhà nước (giữ như luật hiện hành).
Liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công ở các đơn vị sự nghiệp công lập, phát biểu tại hội thảo, PGS, TS Đặng Văn Du cho rằng quy định như dự thảo vẫn mang nặng tính bao cấp của ngân sách nhà nước và đi liền với đó là các thủ tục hành chính trong quản lý, sử dụng tài sản công còn khá nặng nề.
“Tôi thiên về cách tiếp cận dựa trên sự phân loại các đơn vị. Các đơn vị được giao tự chủ về chi thường xuyên và chi đầu tư sẽ phải thiết lập chế độ quản lý tương tự như doanh nghiệp, nghĩa là trao quyền cho các đơn vị này cao hơn các đơn vị chỉ bảo đảm được chi thường xuyên, bảo đảm được một phần chi thường xuyên hay hoàn toàn do nhà nước bảo đảm”, ông Đặng Văn Du nói.
Bên cạnh đó, chuyên gia này còn cho rằng, ở các đơn vị sự nghiệp công lập có huy động vốn, nhận góp vốn, liên doanh, liên kết với các tổ chức cá nhân khác thì cần tách bạch phần giá trị tài sản huy động từ khu vực tư ra khỏi tổng giá trị tài sản và bổ sung một điều luật về theo dõi, đánh giá, quản lý, sử dụng tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp công lập để cung cấp thêm thông tin, tăng cường sự công khai, minh bạch tài sản, hướng tới cải thiện chất lượng dịch vụ công.
Về quản lý, sử dụng tài sản của Đảng Cộng sản Việt Nam, PGS, TS Đặng Văn Thanh nhận định: “Không cần và không nên có quy định riêng. Nếu có quy định riêng thì đó là quy định về cấp phát kinh phí, tiêu chuẩn, chế độ; còn cơ chế quản lý và sử dụng thì phải thống nhất với mọi tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, cần làm rõ có phải tất cả tài sản của Đảng là tài sản công hay hình thành từ tiền Đảng phí".
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong đồng tình và có kiến nghị cụ thể: “Những tài sản có được từ Đảng phí thì được quản lý, sử dụng theo Điều lệ Đảng hiện hành”.
(Theo SGGP)
Các tin khác
YBĐT - Với năng suất hiện tại ước đạt 12 tấn/ha, cùng với đầu ra cho sản phẩm búp chè tươi ổn định, giá bán trung bình từ 5 - 6 nghìn đồng/kg, cây chè Shan đã mang lại lợi nhuận gấp 3 đến 4 lần so với trồng lúa.
Bộ Giao thông Vận tải vừa có chỉ đạo về việc xóa bỏ độc quyền của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VN), đồng thời yêu cầu xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có sai phạm được nêu trong kết luận thanh tra ngành đường sắt.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có văn bản yêu cầu sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đồng bộ với việc thực hiện “Kế hoạch hành động Năm cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm” trong lĩnh vực nông nghiệp.
8 tháng qua, thu ngân sách đạt 649,46 nghìn tỷ đồng, còn chi ngân sách 770,7 nghìn tỷ đồng.