Chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Lục Yên: Tác động từ chính sách
- Cập nhật: Thứ sáu, 25/11/2016 | 10:24:34 AM
YBĐT - Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), từ năm 2012 đến nay, huyện Lục Yên đã có hàng nghìn lượt hộ dân được nhận hơn 9 tỷ đồng từ tiền phí DVMTR.
Chính sách này thực sự là bước ngoặt quan trọng không chỉ góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về giá trị phòng hộ của rừng mà còn trực tiếp tạo thêm nguồn thu nhập cho người làm nghề rừng, góp phần nâng cao trách nhiệm giữ rừng.
Thực hiện công tác chi trả DVMTR, huyện Lục Yên đã thành lập Ban Chi trả tiền DVMTR cấp huyện do Hạt Kiểm lâm huyện là cơ quan thường trực. Để triển khai sâu rộng chính sách này tới các chủ rừng, Ban Chi trả DVMTR huyện Lục Yên đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức hội nghị tuyên truyền về chính sách.
Trong 5 năm qua, Ban đã tổ chức 46 hội nghị tuyên truyền, phổ biến chính sách chi trả DVMTR cho 3.334 lượt người với thành phần là các tổ, đội tham gia bảo vệ rừng, các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân. Ngoài ra, Ban còn thực hiện tuyên truyền qua tờ rơi, áp-phích, biển báo, tài liệu tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR tại các thôn, bản.
Nội dung tuyên truyền tập trung vào nguyên tắc, hình thức chi trả DVMTR, đối tượng và loại dịch vụ phải trả tiền DVMTR; trách nhiệm của các hộ nhận khoán bảo vệ rừng, diện tích rừng của từng bản, nhóm hộ được chi trả tiền DVMTR, đơn giá được chi trả của một héc-ta rừng.
Trên cơ sở diện tích lưu vực có cung ứng DVMTR được tỉnh phê duyệt, Ban Chi trả DVMTR huyện đã phối hợp với UBND các xã, các chủ rừng rà soát, xác định được phạm vi, ranh giới, diện tích, hiện trạng rừng và phân loại các chủ rừng có tham gia cung ứng DVMTR trên địa bàn huyện, xây dựng bản đồ quản lý lưu vực đối với diện tích rừng do UBND giao khoán.
Qua rà soát, hàng năm, huyện Lục Yên có từ 27.161 ha - 31.750 ha rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng. Sau 4 năm thực hiện, Ban Chi trả DVMTR huyện Lục Yên đã tiếp nhận và chi trả hơn 9,7 tỷ đồng cho các chủ rừng trên địa bàn. Toàn huyện đã có 19.688 lượt hộ được hưởng lợi từ chính sách.
Ông Hà Văn Hiếu ở xã Khánh Hòa cho biết: “Từ khi được Nhà nước chi trả tiền từ chăm sóc, bảo vệ rừng, người dân có thêm thu nhập nên công tác trồng rừng được quan tâm hơn, rừng được bảo vệ tốt hơn, không ai còn dám vào rừng chặt gỗ đem bán, hay phá rừng làm nương như trước”.
Ông Đặng Văn Tâm - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lục Yên cho biết: “Toàn huyện có trên 51.000 ha đất lâm nghiệp, chiếm 63% diện tích đất tự nhiên. Tuy nhiên, thực tế thu nhập từ rừng còn thấp, nhất là đối với người dân vùng sâu, vùng xa nên chưa thu hút được người dân tham gia công tác bảo vệ, phát triển rừng. Do đó, việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã huy động được các nguồn lực xã hội bổ sung nguồn tài chính tham gia bảo vệ rừng, góp phần xã hội hóa nghề rừng; cải thiện sinh kế, ổn định đời sống, nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ rừng đối với các hộ dân được hưởng lợi từ rừng. Từ đó, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, sử dụng và bảo vệ rừng cho các chủ rừng, góp phần vào công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Lục Yên cũng gặp những khó khăn nhất định. Ranh giới giữa các khu rừng, chủ rừng chưa rõ ràng dẫn đến việc chi trả rất phức tạp và mất nhiều công sức, trong khi cán bộ làm công tác chi trả DVMTR chủ yếu là kiêm nhiệm.
Địa hình phức tạp, diện tích cung ứng DVMTR nhỏ lẻ, phân tán, liên quan đến nhiều chủ rừng, nhất là diện tích rừng trồng nên việc chi trả tới các đối tượng được hưởng lợi DVMTR còn gặp nhiều khó khăn. Đơn giá chi trả thấp và có sự chênh lệch lớn về đơn giá chi trả bình quân trên 1 ha giữa các lưu vực khác nhau. Để việc chi trả DVMTR tốt hơn, cần có sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ hơn nữa của chính quyền cơ sở cũng như người dân.
Văn Thông
Các tin khác
Chiều 24/11, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Hội đồng thẩm định xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị thẩm định kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên.
Bộ Tài chính đề nghị các địa phương triển khai chương trình bình ổn thị trường, giá cả phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, đầu cơ,... gây tăng giá cục bộ những tháng cuối năm 2016 và dịp Tết Đinh Dậu 2017.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
YBĐT - Dịp cuối năm là thời điểm giao mùa, thời tiết hanh khô, sức đề kháng của vật nuôi kém, tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển mạnh. Để bảo vệ đàn vật nuôi huyện Yên Bình không ngừng tăng cường công tác kiểm tra, tuyên truyền cho người chăn nuôi nâng cao ý thức tự giác, chủ động phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.