Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh Yên Bái: Ý Đảng hợp lòng dân

  • Cập nhật: Thứ sáu, 30/12/2016 | 9:37:46 AM

YBĐT - Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với đề án tái cơ cấu ngành nông - nghiệp của tỉnh Yên Bái đã đi vào lòng dân, tạo ra bước đột phá cho nông nghiệp tỉnh nhà đồng thời đem đến cuộc sống ấm no, đủ đầy hơn cho người dân.

Mô hình nuôi cá lồng của gia đình anh Nguyễn Văn Đông ở thôn Trung Sơn, xã Mông Sơn (Yên Bình) mỗi năm cho thu nhập 120 triệu đồng.
Mô hình nuôi cá lồng của gia đình anh Nguyễn Văn Đông ở thôn Trung Sơn, xã Mông Sơn (Yên Bình) mỗi năm cho thu nhập 120 triệu đồng.

Như nhiều địa phương khác, trong thời gian qua, các chính sách hỗ trợ của tỉnh được huyện Yên Bình cụ thể hóa và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Từ năm 2008 - 2015 toàn huyện được tỉnh hỗ trợ đóng mới 333 lồng nuôi cá với tổng kinh phí hỗ trợ 1.047 triệu đồng. Năm 2016, tỉnh tiếp tục hỗ trợ, đóng mới 188 lồng với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/lồng.

Đây quả là một tin vui cho nhân dân, nhất là những hộ trực tiếp được hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh để đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Anh Nguyễn Văn Bình ở xã Thịnh Hưng cho biết: “Đầu năm 2016, được hỗ trợ 50 triệu đồng từ chính sách hỗ trợ nuôi trồng thủy sản cùng với nguồn vốn sẵn có, gia đình đã đầu tư hệ thống đăng lưới, cọc chắn căng lưới, nạo vét lòng hồ và xây dựng hệ thống ao ươm cá con. Nhờ vậy, gần 6 ha mặt nước eo ngách hồ được đầu tư nuôi nhiều loại cá như: trắm cỏ, chép, rô phi, nheo, vược biển... mỗi năm gia đình tôi đã thu về trên 200 triệu đồng”.

Cũng như anh Bình, trước đây, gia đình anh Nguyễn Văn Đông ở thôn Trung Sơn, xã Mông Sơn còn gặp nhiều khó khăn, đất nông nghiệp ít. Nhận thấy tiềm năng từ lòng hồ Thác Bà, nhất là nguồn nước, đầu năm 2015, anh Đông mạnh dạn vay mượn đầu tư 6 lồng nuôi cá nheo. Thấy có hiệu quả, đầu năm 2016 theo chính sách hỗ trợ của tỉnh, anh Đông đăng ký đóng mới 14 lồng nuôi cá với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/lồng.

“Nhờ có chính sách hỗ trợ của tỉnh, hiện gia đình mình có 20 lồng nuôi cá, mỗi năm cho thu nhập trên 120 triệu đồng, cuộc sống đã khá giả hơn” - anh Đông chia sẻ.

Đồng chí Vũ Quang Ưng - Phó Chủ tịch UBND xã Mông Sơn cho biết: “Từ một vài hộ dân ban đầu, đến nay toàn xã có 12 hộ đầu tư nuôi cá với 80 lồng và 1 mô hình quây lưới nuôi cá trên diện tích 4,5 ha. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ xã đề ra chỉ tiêu đóng mới 60 lồng cá, nhưng trong năm 2016, người dân đăng ký và đóng mới được 24/60 lồng. Đặc biệt, khi tỉnh có chính sách hỗ trợ cho người dân 10 triệu đồng/ lồng thì nhu cầu đóng lồng mới để nuôi cá trên hồ Thác Bà ngày càng tăng”.

Theo đồng chí Nguyễn Đức Điển - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình thì chính hỗ trợ phát triển sản xuất nông -  lâm nghiệp và thủy sản gắn với Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh đã trở thành cú huých lớn để người dân mạnh dạn chuyển đổi cách thức làm ăn và quyết tâm đầu tư theo hướng mô hình, góp phần tạo ra sản phẩm có chất lượng, từng bước hình thành các vùng hàng hóa cho hiệu quả kinh tế cao.

Chung niềm vui có được thành công từ các chính sách của tỉnh, anh Lý Tiến Thành ở thôn Tháp Cái 1, xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên phấn khởi chia sẻ: “Đầu năm 2016, nhờ có chính sách của tỉnh, gia đình mình được hỗ trợ 30 triệu đồng để đầu tư mô hình nuôi 15 con lợn nái sinh sản. Nhờ chăm sóc tốt đến nay mình đã phát triển đàn lợn lên 70 con”.

Năm 2016, thực hiện các quyết định của UBND tỉnh và huyện Văn Yên được hỗ trợ hơn 3,3 tỷ đồng vào các lĩnh vực: hỗ trợ phát triển chăn nuôi, giống lúa, ngô và thực hiện các đề án phát triển chăn nuôi theo đúng kế hoạch.

Đồng chí Khổng Giang Lam - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Yên cho biết: “Các chính sách hỗ trợ của tỉnh đã đi vào lòng dân, được người dân đánh giá cao, nhất là chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi, không những tiếp tục duy trì, nhân rộng đàn vật nuôi của huyện mà còn kịp thời đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm phục vụ trong dịp tết Nguyên đán này”.

Gia đình anh Lý Tiến Thành ở thôn Tháp Cái 1, xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên  được hỗ trợ 30 triệu đồng để đầu tư nuôi 15 con lợn nái sinh sản.

Có thể khẳng định, Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016 - 2020 với tổng kinh phí thực hiện 40.791 tỷ đồng và kinh phí bổ sung theo Quyết định 1421 trên 15 tỷ đồng là động lực mới tạo tiền đề cho người dân đầu tư sản xuất, thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh phát triển. Sau hơn 1 năm thực hiện các chính sách này đã tạo bước chuyển rõ nét.

Cụ thể, Đề án phát triển chăn nuôi đã thực hiện thụ tinh nhân tạo cho 2.671/2.650 con trâu, bò sinh sản, đạt 101% kế hoạch; triển khai hỗ trợ được 308/262 cơ sở chăn nuôi trâu bò tập trung, 118/90 cơ sở chăn nuôi lợn, 38/34 cơ sở chăn nuôi gà. Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản đã triển khai thực hiện 231/193 cơ sở nuôi cá lồng, 16/25 cơ sở nuôi cá eo ngách. Đề án phát triển cây ăn quả có múi đã trồng được 654 ha/594 ha, đạt 110% kế hoạch...

Nói về kế hoạch trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu để bổ sung một số chính sách, tập trung vào cây con giống chủ lực để tạo động lực cho phát triển kinh tế của tỉnh”.

Năm mới 2017 đã sang, hứa hẹn những thuận lợi và đổi thay mạnh mẽ từ những thành quả đã được dựng xây. Cùng với các chính sách đang thực hiện và những kế hoạch bổ sung trong những năm tiếp theo về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản gắn với Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh sẽ tạo đòn bẩy kích cầu, tạo động lực cho người dân mạnh dạn đầu tư và quyết tâm làm giàu trên chính quê hương mình.

Văn Tuấn

Các tin khác
Công nhân Công ty cổ phần Giao thông Yên Bái thi công tuyến đường Khánh Hòa - Minh Xuân.

YBĐT - Trong những năm gần đây, phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đột phá mạnh mẽ, đáp ứng được nhu cầu bức thiết của người dân, góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa, khoa học kỹ thuật các vùng miền, là yếu tố quyết định đến kết quả phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Với chiến lược kinh doanh phù hợp, Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn có một năm sản xuất kinh doanh thắng lợi.

YBĐT - Năm 2016, với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp đã cán đích thành công…

Đồng chí Nông Xuân Hùng - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Yên Bái chỉ đạo công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế.

YBĐT - Những ngày cuối cùng của năm 2016 đi qua trong bộn bề khó khăn, thách thức, song công tác thu ngân sách của tỉnh Yên Bái đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra. Tổng thu ngân sách ước đạt 2.255 tỷ đồng, bằng 129% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 41 % so với cùng kỳ.

Trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều cơ sở nuôi lợn thương phẩm có quy mô lớn.

YBĐT - Sau 1 năm triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong bối cảnh sản xuất nông, lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn như: thời tiết rét đậm rét hại, thiên tai, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã nỗ lực và chỉ đạo quyết liệt thực hiện các nội dung và giải pháp nên đã có tác động tích cực tới hiệu quả sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục