Sức bật mới nhờ tái cơ cấu
- Cập nhật: Thứ sáu, 30/12/2016 | 9:19:03 AM
YBĐT - Sau 1 năm triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong bối cảnh sản xuất nông, lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn như: thời tiết rét đậm rét hại, thiên tai, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã nỗ lực và chỉ đạo quyết liệt thực hiện các nội dung và giải pháp nên đã có tác động tích cực tới hiệu quả sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân.
Trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều cơ sở nuôi lợn thương phẩm có quy mô lớn.
|
Nhiều mô hình chuyển đổi hiệu quả
Cuối năm, tôi ghé thăm mô hình nuôi thuỷ sản của anh Nguyễn Đức Thịnh ở thôn Ao Khoai, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình. Dẫn chúng tôi đi thăm những lồng cá, anh Thịnh chia sẻ: “Từ năm 2011, tôi đã nuôi cá lồng và nuôi cá quây lưới trên hồ Thác Bà. Mỗi năm, từ tiền bán cá, tôi “bỏ túi” hơn trăm triệu đồng. Nhưng nhờ chính sách hỗ trợ chăn nuôi của tỉnh đã kích thích tôi làm ăn lớn. Năm 2016, tôi đầu tư 300 triệu đồng để đóng 15 lồng mới và tham gia Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản hồ Thác Bà để nuôi các loại cá: nheo, rô phi đơn tính, chim trắng và cá diêu hồng. Dự tính tết này, mỗi lồng cá, tôi sẽ cung cấp được 3 tấn cho các thương lái trong và ngoài tỉnh”.
Những trang trại chăn nuôi cho thu nhập hàng trăm triệu đồng đang xuất hiện ở khắp các vùng quê. Có được kết quả đó, chính là nhờ người dân đánh giá đúng tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, kết hợp với nhiều chính sách của tỉnh làm đòn bẩy trong sản xuất của nông dân. Gia đình anh Dương Trung Huỳnh ở thôn 3, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn trước đây chỉ chăn nuôi gia súc ở quy mô nhỏ lẻ.
Đầu năm 2016, được cán bộ nông nghiệp và chính quyền địa phương tuyên truyền về chăn nuôi đại gia súc theo Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, anh Huỳnh quyết định vay 80 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cùng với nguồn vốn vay của anh em bạn bè đầu tư 200 triệu đồng để phát triển đàn bò lai Sind và bò vàng.
Anh Huỳnh cho biết: “Hiện, gia đình tôi đã có 13 con bò nuôi theo mô hình bán chăn thả và được hỗ trợ 15 triệu đồng làm chuồng trại theo đề án phát triển chăn nuôi. Thời gian tới, tiền bán bê, tôi sẽ mua thêm con nái và mở rộng diện tích trồng cỏ để phát triển quy mô đàn”.
Bên cạnh việc hỗ trợ chăn nuôi, nhiều cây con, giống mới cũng được đưa vào áp dụng, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Thôn Bữu, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn có hơn 21 ha để sản xuất lúa nước. Những vụ sản xuất trước, người dân của thôn chủ yếu cấy giống lúa lai Thiên ưu 8 và lúa lai Nhị ưu 838, sản lượng và năng suất chưa được như mong muốn. Vụ mùa 2016, với sự hỗ trợ giống của ngành nông nghiệp, 4 hộ dân trong thôn đã mạnh dạn tham gia cấy giống lúa DQ11 trên diện tích 3.000 m2.
Bà Hoàng Thị Tính - Trưởng thôn Bữu cho biết: “Khi đưa giống DQ11 vào sản xuất, từ khâu làm mạ đến khi cấy, cây lúa phát triển tốt, sâu bệnh ít, bà con không phải bón phân nhiều như giống cũ mà lại cho năng suất tăng 0,3 tấn/ha so với các giống lúa cũ”.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án
Năm 2016, tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã góp phần quan trọng vào kết quả sản xuất, kinh doanh của toàn ngành; các chỉ tiêu về sản xuất đều đạt và vượt kế hoạch. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt trên 6.500 tỷ đồng, góp phần phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 311.800 tấn; các loại cây trồng khác cũng tăng cả về diện tích, sản lượng.
Nổi bật, trong sản xuất nông nghiệp là đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông, lâm sản tập trung với quy mô lớn như: vùng lúa hàng hoá, vùng chè, vùng quế, vùng cây ăn quả. Chăn nuôi đã đạt được nhiều kết quả tích cực, khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Tổng đàn gia súc chính ước đạt 662.000 con; giá trị sản xuất ngành chăn nuôi ước đạt trên 1.600 tỷ đồng. Kinh tế lâm nghiệp đã có bước bứt phá ngoạn mục, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Toàn tỉnh trồng mới được 15.177 ha rừng, sản lượng gỗ khai thác đạt trên 450.000 m3, khai thác 100.000 tấn tre, nứa, vầu và trên 4.000 tấn vỏ quế khô. Đặc biệt, thực hiện 8 tiểu đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, với nhiều chính sách hỗ trợ triển khai đồng bộ đã xây dựng được nhiều mô hình chăn nuôi, sản xuất hàng hóa bền vững, góp phần nâng cao thu nhập và xây dựng nông thôn mới. Trong đó, nhiều chỉ tiêu có kết quả vượt nhiều lần so với kế hoạch như: hỗ trợ cơ sở nuôi lợn, nuôi cá lồng, cá eo ngách, chuyển đổi đất kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ trồng quế...
Năm 2017, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, trong đó tập trung ưu tiên đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh. Trong đó, tiếp tục xây dựng vùng chuyên canh như: vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao với diện tích khoảng 2.500 ha, vùng cây ăn quả có múi quy mô 4.000 ha; tập trung phát triển vùng chè vùng cao với quy mô 3.500 ha, vùng tre măng Bát độ 4.000 ha.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại tập trung gắn với xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến, đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường; tiếp tục xây dựng các mô hình tổ chức mới trong nông nghiệp, xây dựng các cơ sở chế biến nông, lâm sản gắn với các vùng sản xuất chuyên canh; đa dạng hóa xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; tiếp tục đầu tư nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn thúc đẩy nông nghiệp phát triển toàn diện; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp, đặc biệt là đầu tư nâng cao giá trị nông, lâm sản.
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể trong tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở.
YBĐT - Năm 2016 đã qua, cùng với thắng lợi toàn diện của ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái, lĩnh vực chăn nuôi được đánh giá là một năm thắng lợi lớn với tổng đàn gia súc chính đạt 679.131 con, tăng 5,53% so với cùng kỳ.
YBĐT - Năm 2016, Ban Dân tộc tỉnh và các ngành, các địa phương trong tỉnh đã phối hợp triển khai thực hiện kịp thời các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS) vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) của Chính phủ đến các đối tượng trên địa bàn tỉnh được thụ hưởng.