Tỉnh táo trước vòng xoáy “tín dụng đen”
- Cập nhật: Thứ tư, 18/1/2017 | 2:16:04 PM
YBĐT - Chưa bao giờ dịch vụ cho vay tiền lại nhiều và dễ đến thế. Nhan nhản những tờ quảng cáo dán ở bờ tường, gốc cây, cột điện với nội dung na ná giống nhau: “Vay tiền không cần thế chấp, thủ tục nhanh, gọn, chỉ cần hóa đơn tiền điện, giấy đăng ký xe, chứng minh thư nhân dân…” kèm theo là số điện thoại di động để liên hệ.
Vì túng bấn, nhiều người đang tìm đến “tín dụng đen”.
|
Theo ghi nhận của phóng viên, phần lớn dịch vụ cho vay tín chấp chính là “tín dụng đen” - một hình thức cho vay nặng lãi; đối tượng vay chủ yếu là dân chơi cờ bạc, lô đề, cá độ bóng đá.
Khi cần gấp một khoản tiền nào đó để chi tiêu, thay vì vay mượn người thân quen, đến các ngân hàng hoặc quỹ tín dụng nhân dân, nhiều người đã nghĩ ngay tới những tờ quảng cáo vay tín chấp. Mở điện thoại ra, gọi vào số in trên tờ quảng cáo sẽ được một “nhân viên tư vấn” mời mọc, giới thiệu dịch vụ cho vay với những mỹ từ mà không một ngân hàng nào đạt được: thủ tục nhanh gọn, giải ngân ngay sau vài phút, đôi khi không cần ký bất cứ một loại giấy tờ gì vì “tin tưởng nhau là chính mà, thế mới gọi vay tín chấp chứ”…
Rồi những người đang túng bấn gật đầu, đề nghị khoản vay, đôi khi biết hoặc không hiểu những rủi ro, những hậu quả khôn lường sẽ đến với mình. Đầu tiên là lãi suất cắt cổ từ 6 đến 20%/tháng; khoản lãi tính luôn vào khoản vay, chẳng hạn vay 10 triệu đồng, lãi suất 100.000 đồng/ngày, vay 10 ngày hợp đồng tính luôn số vay là 11 triệu đồng. Nếu ai đó kết thúc hợp đồng trước hoặc đúng hạn, chấp nhận khoản lãi cao một lần cho xong thì đã là người rất may mắn.
Trường hợp không trả được đúng hẹn, lãi suất sẽ đột ngột tăng mà tỷ lệ phần trăm do bên cho vay tự đặt ra. Khi món tiền còn chưa lớn, bên cho vay dùng đủ mọi hình thức để ép con nợ phải thanh toán số tiền đã vay cùng khoản lãi không tưởng. Nếu có dấu hiệu chây ỳ thì sẽ có những tên đầu xanh, đầu đỏ, đầu trọc, xăm trổ đầy mình đến đe dọa, đánh đập, o ép. Nếu là khoản vay lớn hoặc khi lãi mẹ đẻ lãi con, lãi con sinh thêm lãi cháu… thì các đối tượng cho vay nặng lãi sử dụng nhiều cách để trói buộc người vay tiền như: hợp đồng vay hoặc buộc làm hợp đồng thế chấp, mua bán nhà đất có công chứng… Khi đã vào tròng, người vay hầu như không có lối thoát…
Biết là lãi suất cực kỳ cao, biết là sẽ gặp những rủi ro nhưng tại sao vẫn có nhiều và ngày càng nhiều nạn nhân của tín dụng đen? Hỏi chuyện chủ một tiệm cầm đồ có tên Quốc C. ở phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái, C. cho biết: “Người vay để làm ăn, buôn bán ít lắm, vay lãi cao mấy chục phần trăm kinh doanh gì cho lại; người kinh doanh có vay lãi ngày (vay tín dụng đen) cũng chỉ vay để đáo hạn ngân hàng, hoặc khi cực kỳ cần kíp, chỉ vay một đến hai ngày là cùng. Đại đa số người vay lãi ngày là dân chơi lô đề, cờ bạc, cá độ bóng đá. Người có “máu” cờ bạc luôn thế, chỉ mong có tiền để đi đánh bạc, bất kể tiền đó là tiền gì, của ai. Khi họ có tiền, họ chỉ nghĩ đến độ, đến chơi, hết tiền mới dừng để đi kiếm và cách kiếm nhanh nhất, thuận lợi nhất là vay “tín dụng đen” - không thế chấp, chỉ cần giấy tờ xe hoặc hóa đơn tiền điện”.
Để thẩm định độ chính xác của câu chuyện vừa nghe, chúng tôi tìm đến một số hiệu cầm đồ và các điểm kinh doanh dịch vụ tài chính, hỏi chuyện những tay cờ bạc và chuyên cho vay nặng lãi thì tất cả đều xác nhận là đúng. Họ còn cho biết thêm: “Doanh số cho vay sẽ tăng mạnh khi có những giải bóng đá lớn như: Giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup), Giải vô địch bóng đá châu Âu (Euro), Cúp C1, hàng tuần là Giải Ngoại hạng Anh, Tây Ban Nha; đặc biệt là trận đấu giữa các câu lạc bộ bóng đá lớn.
Thời gian gần đây, xuất hiện một số “dân chơi”, trong đó có cả những đối tượng còn rất trẻ, đang học cấp III hoặc học sinh các trường chuyên nghiệp, cần tiền để mua điện thoại, xe máy đắt tiền, làm tóc, có khi chỉ là bao các bạn một chuyến đi chơi hay tổ chức một buổi tiệc sinh nhật… Họ sẵn sàng mang chứng minh thư, thẻ học sinh, xe máy, xe đạp điện ra hiệu cầm đồ hoặc alô cho cái gọi là “dịch vụ tài chính” để vay tiền, chấp nhận lãi cao, không cần nghĩ tới hậu quả, chưa biết lấy nguồn ở đâu để trả, miễn là có tiền ngay để giải quyết vấn đề trước mắt. “Thôi quyết đi, đặt con xe lấy tiền tiêu đã, lâu lâu rồi tính tiếp” - đám học sinh (cả nam và nữ) thảo luận rồi đẩy chiếc xe đạp điện vào tiệm cầm đồ. Khi lấy được 3 triệu đồng quay ra, tất cả cùng hả hê.
Trao đổi với phóng viên về tình trạng cho vay nặng lãi, ông Đinh Trọng Giang - Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Yên Bái cho biết: “Trong quan hệ hợp đồng vay tài sản (tiền), lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Xét về tội “cho vay nặng lãi” thì hành vi này được xử lý theo quy định tại Điều 163 Bộ luật Hình sự: người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất bóc lột, thì bị phạt tiền từ 1 lần đến 10 lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 1 lần đến 5 lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. Theo quy định trên thì một trong những yếu tố cấu thành của tội cho vay nặng lãi là “lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên và có tính chất chuyên bóc lột...”.
Pháp luật quy định khá cụ thể về tội cho vay nặng lãi nhưng thực tế việc bắt giữ, xử lý tội danh này rất hạn chế, nói cách khác là rất ít vụ việc cho vay nặng lãi bị bắt giữ, người cho vay “có tính chất chuyên bóc lột” vẫn vô tư thu lợi bất chính và giàu lên một cách nhanh chóng, kéo theo đó là bao vấn đề xã hội khác... Nguyên nhân chính của vấn đề là các giao dịch cho vay không bao giờ ghi “mức lãi suất” mà đó chỉ là giao dịch miệng hoặc chỉ ghi lãi suất theo thỏa thuận nên rất khó chứng minh. Ngoài ra, việc chứng minh “có tính chất chuyên bóc lột” là điều khó khăn vì bản thân các giao dịch này thường được thể hiện dưới dạng thỏa thuận dân sự như ủy quyền, đặt cọc, vay tài sản... và đều được tự nguyện thực hiện, không lừa dối, cưỡng ép...
Khi mà vẫn còn những con bạc “khát nước”, những người ham chơi, thích ăn tiêu thì “tín dụng đen” và tình trạng cho vay nặng lãi còn đất sống, tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự xã hội, khiến bao người tan cửa, nát nhà, nghỉ học, nghỉ việc để bỏ trốn vì bị đe dọa đánh đập, khủng bố... và cả những vụ xiết nợ dẫn đến đánh nhau gây mất trật tự công cộng, đặc biệt có cả án mạng đã xảy ra trong quá trình xiết nợ.
Nhóm phóng viên nội chính
Các tin khác
YBĐT - Trong hơn hai tháng trở lại đây, lợn hơi rớt giá liên tục, từ 50.000 đồng/kg nay xuống còn 27.000 đồng/kg. Người chăn nuôi lỗ nặng. Nếu giá không tăng, trong một, hai tháng nữa sẽ có nhiều hộ chăn nuôi phá sản. Nghịch lý là, mặc dù giá lợn hơi xuống thấp, nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua thịt với giá cao…
YBĐT - Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 đã cận kề, cũng là lúc thị trường tết rộn ràng, phong phú. Các doanh nghiệp, đại lý, cửa hàng đã chuẩn bị đầy đủ các loại hàng hóa từ cao cấp đến bình dân, từ hàng điện máy, gia dụng đến các mặt hàng quần áo thời trang, hàng nhu yếu phẩm... phục vụ nhu cầu người dân.
YBĐT - Từ lâu, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái được biết đến là một vựa rau chuyên cung cấp cho thành phố Yên Bái và vùng lân cận. Với hơn 150 ha đất chuyên canh tác rau màu, mỗi năm Tuy Lộc cung cấp ra thị trường hàng nghìn tấn rau, củ, quả các loại. Rau ở đây trồng quanh năm, nhưng cuối năm thường trồng các loại rau có giá trị kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trong ngày tết như: su hào, bắp cải, khoai tây, cà rốt, các loại rau thơm...