Thị trường giá lợn: "hơi" thấp, thịt cao

  • Cập nhật: Thứ tư, 18/1/2017 | 9:52:43 AM

YBĐT - Trong hơn hai tháng trở lại đây, lợn hơi rớt giá liên tục, từ 50.000 đồng/kg nay xuống còn 27.000 đồng/kg. Người chăn nuôi lỗ nặng. Nếu giá không tăng, trong một, hai tháng nữa sẽ có nhiều hộ chăn nuôi phá sản. Nghịch lý là, mặc dù giá lợn hơi xuống thấp, nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua thịt với giá cao…

Giá lợn hơi giảm nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua thịt lợn với giá cao (ảnh chụp tại Km 6, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái ngày 16/1/2017).
Giá lợn hơi giảm nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua thịt lợn với giá cao (ảnh chụp tại Km 6, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái ngày 16/1/2017).

Anh Hoàng Đình Nhu vốn là giám đốc một công ty xây dựng có tiếng ở Yên Bái, sau hơn chục năm bươn chải với nghề xây dựng, tích cóp được ít vốn, năm 2014, anh chuyển nghề sang sản xuất nông nghiệp. Anh đầu tư trên 500 triệu đồng xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn nái, lợn thịt với quy mô 200 con và cả ngàn con gà thịt.

Vừa tổ chức chăn nuôi, anh còn ký kết với một nhà máy chế biến thức ăn gia súc làm đại lý cấp I cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Không phải là kỹ sư trồng trọt hay chăn nuôi nhưng chịu khó học hỏi thông qua sách báo, anh đã tổ chức mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm khá hiệu quả. Lứa đầu anh nuôi 10 lợn nái, 100 lợn thịt, 300 con gà thịt bán sau trừ chi phí lãi gần 100 triệu đồng. Lứa hai cũng vậy và kết thúc năm đầu chuyển nghề với ba lứa lợn, hai lứa gà anh thu lãi 270 triệu đồng.

Vạn sự khởi đầu nan, bước vào năm 2016, anh quyết định nhập thêm 20 con lợn nái, lợn đẻ ra bao nhiêu con anh đều để nuôi lợn thịt. Gần 200 con lợn thịt được chăn nuôi bài bản, đúng quy trình lớn nhanh như thổi, lại đúng vào thời điểm giá lợn hơi tăng cao, từ 42.000 đồng/kg tăng dần lên 45.000 đồng rồi 48.000 đồng và đỉnh điểm lên tới 53.000 đồng/kg; giá lên cao nhất cũng là thời điểm gần 200 lợn thịt nhà anh đến kỳ xuất chuồng, được trên 15 tấn bán thu trên 800 triệu đồng, sau trừ chi phí lãi trên 300 triệu đồng.

Vui mừng với kết quả đạt được, anh tiếp tục đầu tư nuôi lứa kế tiếp, lợn thì vẫn phát triển bình thường, nhưng giá lợn hơi cứ lao dốc không phanh. Chỉ vào đàn lợn 200 con, anh Nhu ngao ngán nói: “Sản xuất nông nghiệp quả lắm rủi ro, nào thiên tai, bão lũ, nào dịch bệnh, rồi giá cả đầu vào, đầu ra rất bấp bênh. Sau hai năm cực nhọc chăn nuôi, tích cóp được gần 500 triệu đồng nhưng từ tháng 7, tháng 8/2016 cho đến nay, giá lợn hơi giảm liên tục và ở thời điểm này chỉ còn chưa đầy 28.000 đồng/kg. Với giá này, mỗi con lợn nuôi, sau trừ chi phí người chăn nuôi lỗ 2 triệu đồng/con. Không chỉ giá thấp mà giờ bán cũng không ai mua, trong khi lợn vẫn phải ăn. Đàn lợn này đã quá kỳ xuất bán gần một tháng nhưng không bán được, trong khi chỉ tính tiền cám mỗi ngày cũng ngốn mất 4 triệu đồng. Thế là sau hai năm tích cóp, toàn bộ tiền lãi cũng đã bay theo giá lợn hơi rồi”.

Không riêng gì trang trại chăn nuôi của anh Nhu mà hầu hết các trang trại chăn nuôi, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Yên Bái đều rơi vào cảnh tương tự. Chị Nguyễn Thị Nhung - một chủ trang trại ở Trấn Yên rầu rĩ nói: “Nếu tình trạng giá lợn hơi thấp như thế này kéo dài, nhiều người chăn nuôi có nguy cơ phá sản. Và trớ trêu thay, giá lợn hơi xuống thấp mà người tiêu dùng vẫn phải mua thịt lợn với giá cao”.

Phải chăng đây là một nghịch lý trong khâu phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng hiện nay? Để hiểu rõ hơn, chúng tôi theo chân các chị nội trợ đến chợ Km 6, thành phố Yên Bái. Vào chiều ngày 16/1/2017, gần hai chục quầy bán thịt lợn, thịt bò, thịt trâu và thịt gà bày bán la liệt, thịt tươi rói. Vào một quầy bán thịt ngay đầu lối vào chợ, chị bán hàng mời chào đon đả, thịt mông 85.000 đồng/kg, sườn 85.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 80.000 ngàn đồng/kg. Cũng tương tự, tại chợ phường Minh Tân, chợ Km 4 Đồng Tâm, chợ Ga Yên Bái giá thịt lợn cũng sàn sàn một mức như vậy.

Chị Hòa - chủ quầy bán thịt lợn ở chợ Ga Yên Bái nói: “Giá thịt lợn nay đã giảm hơn tháng trước khoảng 5.000 - 10.000 đồng/kg tùy loại và tùy chất lượng thịt”. Qua thực tế tại các chợ, giá bán thịt cũng đã giảm hơn so với vài ba tháng trước, tuy nhiên mức giảm không nhiều chỉ vài ngàn đồng/kg tùy loại. Bà Linh - một chủ trang trại chăn nuôi ở huyện Yên Bình kiến nghị: “Giá lợn hơi giảm 18.000 -20.000 đồng/kg, nhưng giá thịt chỉ giảm 5.000 -8.000 đồng/kg do khâu trung gian và thương lái “ăn” chênh lệch quá lớn”.    

Nghịch lý trong khâu phân phối, tiêu thụ này, thiệt thòi nhất vẫn là người chăn nuôi, kế tiếp là người tiêu dùng. Các ngành, các cấp cần có giải pháp can thiệp kịp thời cho người chăn nuôi và người tiêu dùng bớt khó khăn - đó là mong muốn và kiến nghị của hầu hết các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Để chăn nuôi ổn định trở lại, người chăn nuôi không nên tái đàn một cách ồ ạt, chờ cho thị trường ổn định, cân đối cung cầu tương ứng mới phát triển chăn nuôi, tránh tình trạng giá bán giảm sâu.

Ngọc Trúc

Các tin khác
Các cơ sở kinh doanh chuẩn bị đủ lượng hàng hóa để phục vụ nhu cầu mua sắm tết của người dân.

YBĐT - Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 đã cận kề, cũng là lúc thị trường  tết rộn ràng, phong phú. Các doanh nghiệp, đại lý, cửa hàng đã chuẩn bị đầy đủ các loại hàng hóa từ cao cấp đến bình dân, từ hàng điện máy, gia dụng đến các mặt hàng quần áo thời trang, hàng nhu yếu phẩm... phục vụ nhu cầu người dân.

Lãnh đạo huyện Văn Yên tặng hoa chúc mừng các tập thể có thành tích xuất sắc trong chỉ đạo thực hiện thu ngân sách năm 2016.

YBĐT - Năm 2017, huyện Văn Yên phấn đấu thu ngân sách 120 tỷ đồng trở lên.

Người dân xã Tuy Lộc chăm sóc rau xanh phục vụ thị trường tết Nguyên đán.

YBĐT - Từ lâu, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái được biết đến là một vựa rau chuyên cung cấp cho thành phố Yên Bái và vùng lân cận. Với hơn 150 ha đất chuyên canh tác rau màu, mỗi năm Tuy Lộc cung cấp ra thị trường hàng nghìn tấn rau, củ, quả các loại. Rau ở đây trồng quanh năm, nhưng cuối năm thường trồng các loại rau có giá trị kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trong ngày tết như: su hào, bắp cải, khoai tây, cà rốt, các loại rau thơm...

Nhờ được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia súc, bà Nguyễn Thị Hái, thôn Khe Quyền xã Đông An, huyện Văn Yên chăm sóc tốt đàn trâu của gia đình.

YBĐT - Bên cạnh việc tạo điều kiện về vốn cho hội viên, thành lập và duy trì các tổ, các câu lạc bộ phát triển kinh tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh còn tích cực triển khai thực hiện các đề án đào tạo nghề cho lao động nữ khu vực nông thôn; trong đó, chú trọng tới việc xây dựng các mô hình sau đào tạo giúp các hội viên áp dụng vào thực tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục