Với EVFTA, Việt Nam chuẩn bị đón "làn sóng" đầu tư từ châu Âu
- Cập nhật: Thứ tư, 1/2/2017 | 12:41:42 PM
Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu với Việt Nam (EVFTA) sau khi được ký kết sẽ khuyến khích hai làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam.
|
Đó là nhận định của ông Vincent Repay, một chuyên gia với gần 30 năm kinh nghiệp trong lĩnh vực hợp đồng quốc tế, giảng dạy về thương mại quốc tế tại Bỉ và hơn 10 năm tham gia đào tạo về kinh tế thị trường cho các cán bộ lãnh đạo trẻ của Việt Nam.
Chuyên gia Vincent Repay cho rằng làn sóng đầu tư thứ nhất bước đầu đã có thể nhận thấy được và chỉ mang tính ngắn hạn. Đó là trào lưu dịch chuyển của một số công ty sản xuất từ châu Âu sang Việt Nam vì yếu tố chi phí sản xuất rất cạnh tranh, cùng với đó là thuế nhập khẩu hàng hóa từ châu Âu sẽ được cắt giảm mạnh và thậm chí bằng không.
Các nhà đầu tư vì yếu tố chi phí sản xuất rẻ và thuế suất thấp thường tiến hành đầu tư nhanh chóng để đảm bảo thu được lợi nhuận, nhờ tận dụng nguồn nhân lực có chất lượng của Việt Nam.
Với làn sóng dịch chuyển sản xuất của doanh nghiệp châu Âu, Việt Nam được hưởng lợi nhờ có thêm nhiều việc làm cho nguồn nhân lực trẻ, đông đảo và được đào tạo với chi phí cạnh tranh.
Lợi thế về nguồn nhân lực cũng chính là yếu tố đóng góp cho sự phát triển nền kinh tế quốc dân trong khi chờ đợi sự bùng nổ để trở thành một nền kinh tế mạnh của khu vực.
Làn sóng đầu tư thứ hai sẽ hấp dẫn hơn trong trung hạn và dài hạn đối với Việt Nam. Đó là sự xuất hiện của các doanh nghiệp châu Âu với những sản phẩm đáp ứng cho nhu cầu trung và dài hạn của thị trường Việt Nam.
Các doanh nghiệp này sẽ tập trung vào cải thiện năng lực sản xuất, có thể kết hợp với các sản phẩm có xuất xứ nước ngoài, để đáp ứng nhu cầu của thị trường Việt Nam bằng những sản phẩm chất lượng cao.
Theo ông Repay, Việt Nam vẫn còn là thị trường khá khó khăn đối với các nhà đầu tư không phải người Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam mang đặc điểm riêng, kết hợp giữa các đặc thù châu Á và mô hình kinh tế kế hoạch hóa vốn đã được chứng minh có khả năng vực dậy nền kinh tế đất nước.
Việt Nam cũng thu được thành công khi áp dụng một cách sáng suốt các cơ chế tài chính quốc tế chủ yếu đến từ các nước châu Á trong những năm qua. Sự gần gũi về địa lý với Trung Quốc đã ảnh hưởng đến Việt Nam theo hướng chú trọng nhiều đến yếu tố giá cả hơn là chất lượng.
Ông Repay khuyến cáo Việt Nam cần nâng cao khả năng đánh giá mối quan hệ giữa chất lượng và giá cả của các nhà cung cấp để tránh việc mua phải những sản phẩm không bền vững, hoặc không đáp ứng nhu cầu xuất khẩu dù giá cả có vẻ rẻ.
Rất nhiều nhà sản xuất phụ trợ của Việt Nam đang phát triển chất lượng sản xuất cao hơn nhiều so với các nước có giá thành thấp. Theo ông Vincent Repay, vấn đề cấp bách đặt ra đối với các nhà sản xuất Việt Nam là cần gắn kết các dự án chất lượng với các đối tác châu Âu, ngay cả khi giá cả có cao hơn ít nhiều nhưng tất nhiên là không đến mức bị loại khi xét về yếu tố giá.
Liên quan đến nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, vấn đề mà các doanh nghiệp Việt Nam rất quan tâm, ông Repay cho biết thực tế tại châu Âu khác xa so với châu Á.
Xuất xứ của một sản phẩm, theo thực tiễn tại Liên minh châu Âu (EU), là đất nước tại đó sản phẩm được sản xuất hoặc lắp ráp, trừ trường hợp đặc biệt khi một doanh nghiệp châu Âu thiết kế một sản phẩm và gửi nguyên vật liệu dùng để sản xuất ra sản phẩm theo thiết kế, sau đó tái nhập thành phẩm về EU. Khi tái nhập thành phẩm, doanh nghiệp chỉ phải nộp thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng đối với chi phí vận chuyển và phần giá trị gia công tại Việt Nam của sản phẩm đó.
Chuyên gia Vincent Repay khẳng định không thể có chuyện một doanh nghiệp thuộc EU có thể chuyển trực tiếp hàng hóa gia công từ Việt Nam đến một nước khác ngoài EU mà sản phẩm lại có thể mang nhãn “sản xuất tại EU” được. Từ đó, ông cho rằng để đạt được thành công thì mục tiêu chính mà Việt Nam cần hướng tới là phải giành được sự công nhận về chất lượng.
Điều quan trọng nữa là cần làm chủ khả năng quản lý chất lượng trong sản xuất với quy mô vừa phải và định hướng vào các nhu cầu chuyên biệt, chấp nhận sự linh hoạt với mức giá và lợi nhuận biên ổn định.
Việc xác định đặt yếu tố chất lượng là mục tiêu dài hạn, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp thuộc EU, song song với tiếp cận các chương trình đào tạo cho các nước đối tác do các thể chế thuộc EU và các nước thành viên tổ chức sẽ góp phần bảo đảm thành công về kinh tế.
Từ nhiều năm nay, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ. Kim ngạch thương mại hàng hóa và dịch vụ hai chiều hiện nay đã lên tới khoảng 40 tỷ euro mỗi năm.
Theo dự đoán, trao đổi hàng hóa dịch vụ giữa EU và Việt Nam có thể đạt mức 100 tỷ euro/năm vào năm 2025. Như vậy, nếu tận dụng được quan hệ đối tác tự do thương mại rất tiềm năng này thì quan hệ kinh tế giữa hai bên sẽ phát triển lên một tầm cao mới.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
YBĐT - Bỗng nghe bản hòa tấu quen thuộc! Âm thanh từ suối nước róc rách trong xào xạc tiếng lá từ đồi quế bên nhà. Thanh âm ấy, là hơi thở của sức xuân đã về nơi "phố ở trong rừng". Nghe có vẻ là lạ! Nhưng kỳ thực, chừng 5 - 7 năm trở lại đây, kể từ khi cây quế có giá trên thị trường thì thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số đã dần dần biến thành phố.
YBĐT - Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 đã cận kề, thị trường hoa, cây cảnh trên địa bàn thành phố Yên Bái giờ mới là lúc tăng tốc, sôi động với các loại cây, hoa độc đáo, tấp nập người bán kẻ mua.
YBĐT - Mùa xuân này, khắp triền đồi của vùng đất Nậm Ngập phủ gam màu tươi mới của những vườn cam, quýt, phật thủ… trĩu cành. Đó chính là thành quả của sự quyết tâm, chọn hướng đi đúng đắn của chính quyền và sự mạnh dạn trong cách nghĩ của người dân để vùng đất Nậm Ngập “công trường đá đỏ” ngày nào nay được đánh thức, vươn lên mạnh mẽ, trở thành vùng đất tiềm năng từ cây trồng có múi.
Ngày 25/1, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết cùng với số điện thoại đã công bố, Cục này vừa bổ sung số điện thoại di động 091.181.1556 để tiếp nhận thông tin phản ánh vi phạm về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017.