Các bước xử lý tổ chức tín dụng yếu kém
- Cập nhật: Thứ tư, 15/2/2017 | 3:02:45 PM
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về xử lý tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém và xử lý nợ xấu.
NHNN đề xuất 9 bước xử lý TCTD yếu kém (Ảnh minh họa)
|
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề xuất ban hành Luật hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu. Để đảm bảo xử lý triệt để, toàn diện mọi vấn đề liên quan, NHNN đề xuất kết cấu của Luật sẽ bao gồm 03 phần.
Cụ thể, Phần 1 bao gồm các quy định về quy trình xử lý TCTD yếu kém, các biện pháp hỗ trợ phục hồi các TCTD yếu kém; Phần 2 bao gồm các quy định về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm các khoản nợ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Phần 3 gồm các Điều khoản sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD 2010 có liên quan đến việc khắc phục tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống TCTD, nâng cao năng lực quản trị, điều hành của TCTD.
9 bước xử lý TCTD yếu kém
Bước 1: Phát hiện TCTD yếu kém và xem xét đặt TCTD này vào kiểm soát đặc biệt
Bước 2: Đặt TCTD yếu kém vào tình trạng kiểm soát đặc biệt
Bước 3: Ban Kiểm soát đặc biệt (BKSĐB) chỉ đạo TCTD thuê hoặc trực tiếp thuê tổ chức kiểm toán độc lập đánh giá thực trạng tổng thể của TCTD được kiểm soát đặc biệt.
Bước 4: NHNN (hoặc cấp có thẩm quyền...) lựa chọn phương án xử lý TCTD yếu kém (củng cố, phục hồi hoặc xử lý pháp nhân).
Bước 5A: BKSĐB chỉ đạo các TCTD được đặt vào kiểm soát đặc biệt xây dựng phương án củng cố phục hồi (bao gồm cả phương án tăng vốn, thời hạn thực hiện phương án tăng vốn nếu có)
Bước 5B: BKSĐB chỉ đạo các TCTD được đặt vào kiểm soát đặc biệt xây dựng phương án xử lý pháp nhân theo các biện pháp tự nguyện (sáp nhập, hợp nhất, bán, giải thể)
Trường hợp không xây dựng, thông qua được phương án trong thời hạn quy định thì thực hiện theo bước 8
Bước 6: NHNN thông qua phương án 5A (5B) theo đề nghị của BKSĐB
Bước 7A: Thực hiện phương án 5A.
Hết thời hạn (bao gồm thời gian gia hạn nếu có) thực hiện phương án 5A mà không phục hồi được thì NHNN có quyết định chấm dứt thực hiện phương án củng cố, phục hồi 5A và yêu cầu TCTD xây dựng PA xử lý pháp nhân 5B (Việc xây dựng và thông qua Phương án 5B thực hiện theo Bước 5 quy trình này) hoặc chuyển sang thực hiện bước 8.
Bước 7B: Thực hiện phương án 5B. Hết thời hạn không thực hiện được chuyển sang bước 8.
Bước 8: NHNN trình cấp có thẩm quyền quyết định việc NHNN trực tiếp mua bắt buộc hoặc phá sản đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt trong các trường hợp sau: (i) TCTD không có khả năng hoặc không thực hiện việc tăng vốn theo phương án 5A; (ii) Không thực hiện được 5A, 5B trong thời hạn quy định; (iii) Việc mua lại chỉ thực hiện với điều kiện: ảnh hưởng an toàn hệ thống; đánh giá có khả năng phục hồi khi được áp dụng các biện pháp hỗ trợ của NHNN.
Bước 9A: Thực hiện phương án mua bắt buộc bao gồm các quy định về: Hình thức mua; Nguồn tài chính để mua; Phương thức, quy trình mua; Giá mua; Các biện pháp quản lý, xử lý, hỗ trợ phục hồi TCTD trong giai đoạn NHNN mua TCTD; Phương thức xử lý sau khi phục hồi (thoái vốn, chuyển nhượng, bán ....)
Bước 9B: Thực hiện phương án phá sản
Cái khó của NHNN trong xử lý các TCTD yếu kém
Xử lý ngân hàng yếu kém hiện nay đang là nút thắt quan trọng bậc nhất trong tiến trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020. NHNN cho biết, việc các TCTD lâm vào tình trạng yếu kém trong thời gian qua là có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Nguyên nhân quan trọng đầu tiên, theo NHNN, là do năng lực quản trị và kiểm soát rủi ro của các TCTD còn nhiều bất cập so với quy mô, tốc độ tăng trưởng, mức độ tăng trưởng, mức độ và yêu cầu về quản trị rủi ro trong hoạt động.
Còn nguyên nhân quan trọng thứ hai, là xuất phát từ tình trạng sở hữu chéo, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn thao túng ngân hàng. NHNN đánh giá, trên thực tiễn, rất khó phát hiện và kiểm soát đối với trường hợp cố tình sở hữu hộ hoặc sở hữu che giấu qua nhiều chủ thể.
Việc xử lý các TCTD yếu kém dưới hình thức cơ cấu lại hoặc kiểm soát đặc biệt, mặc dù đạt được một số kết quả bước đầu, song theo NHNN, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập, đặc biệt là trong khuôn khổ pháp lý.
NHNN nhận định, thực tế cho thấy quy định trên của Luật các TCTD 2010 còn thiếu quy định về trường hợp TCTD mất vốn lớn do nguyên nhân chủ quan khác không liên quan đến hoạt động kinh doanh của TCTD, chưa quy định rõ việc tiến hành ngay thủ tục phá sản TCTD mà không cần thực hiện kiểm soát đặc biệt đối với TCTD yếu kém không thể và không cần phục hồi...
Bên cạnh đó, theo quy định chấm dứt kiểm soát đặc biệt, là TCTD không khôi phục được khả năng thanh toán. Như vậy, muốn biết được TCTD có khôi phục được khả năng thanh toán hay không, NHNN nhiều khả năng vẫn sẽ phải bơm thêm tiền để “thử” trong một thời gian, sau đó mới có bằng chứng đưa ra kết luận. Tiếp đến mới có thể chấm dứt kiểm soát đặc biệt và tiến hành phá sản TCTD.
Cái khó tiếp theo là quy định về cho vay tái cấp vốn, cho vay đặc biệt. Điều 11 Luật NHNN 2010 quy định, tái cấp vốn là hình thức cấp tín dụng của Ngân hàng Nhà nước nhằm cung ứng vốn ngắn hạn và phương tiện thanh toán cho tổ chức tín dụng.
NHNN đánh giá, trong điều kiện ngân sách nhà nước không có nguồn lực dành cho việc tái cơ cấu TCTD yếu kém, quy định trên đã cản trở việc hỗ trợ vốn dài hạn của NHNN cho TCTD yếu kém thông qua công cụ tái cấp vốn. NHNN cho biết thêm, trên thực tế, để áp dụng biện pháp phục hồi, NHNN đã thực hiện tái cấp vốn ngắn hạn và xem xét cho gia hạn theo quy định.
Ngoài ra, theo NHNN, nhiều nội dung khác liên quan đến quá trình kiểm soát đặc biệt TCTD cũng chưa hoàn thiện, chưa đầy đủ, đặc biệt là quy định về thẩm quyền của NHNN khi xử lý TCTD yếu kém.
NHNN đánh giá, việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ của các ngân hàng mua bắt buộc là hết sức khó khăn, chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, dù vai trò của các ngân hàng hỗ trợ là rất quan trọng nhưng hiện chưa có quy định pháp luật quy định cụ thể và đầy đủ về quyền và trách nhiệm của ngân hàng hỗ trợ.
(Theo VOV)
Các tin khác
YBĐT - Sáng 15/2, tại thôn Hồng Lâu, xã Hồng Ca, các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Trấn Yên cùng đông đảo nhân dân địa phương đã tham gia Lễ ra quân trồng tre măng Bát Độ năm 2017.
YBĐT - Theo thống kê, tổng tài sản của LienVietPostBank Chi nhánh Yên Bái hiện nay là hơn 1.400 tỷ đồng, nguồn vốn đạt 1.400 tỷ đồng, đặc biệt 100% nguồn vốn đều huy động tại địa phương thông qua các tổ chức kinh tế và nguồn tiết kiệm dân cư.
YBĐT - Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn quản lý trên 70.000 ha rừng, trong đó có 47.606 ha rừng tự nhiên và trên 22.500 ha rừng trồng trên địa bàn 31 xã, thị trấn.
YBĐT - Một số tuyến đường trọng điểm, có tác động lớn đến phát triển không gian đô thị và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã được triển khai xây dựng, đưa vào sử dụng như: đường Yên Bái - Khe Sang, đường Nguyễn Tất Thành, đường Âu Cơ, đường Hoàng Thi...