Tái đàn vật nuôi sau tết: Nông dân Trấn Yên đang thận trọng
- Cập nhật: Thứ năm, 16/2/2017 | 8:21:31 AM
YBĐT - Sau tết Nguyên đán, nông dân huyện Trấn Yên đang tập trung tái đàn và phát triển chăn nuôi trở lại. Tuy nhiên, do giá cả trước tết giảm mạnh nên nông dân thận trọng hơn trong việc tái đàn. Có gia đình bị lỗ khoảng 500.000 - 600.000 đồng/con nên ra tết rất thận trọng, chỉ tái đàn khoảng 60% so với thời điểm trước tết.
Gia đình anh Nguyễn Văn Cửu tập trung tái đàn.
|
Năm vừa qua, tình hình giá cả thị trường biến động lên xuống thất thường khiến người chăn nuôi trên địa bàn huyện gặp phải nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến kinh tế hộ, đặc biệt là đối với các hộ chăn nuôi tự phát. Nhiều thương lái ép giá xuống khiến người dân không kịp trở tay và chịu khá nhiều tổn hại về kinh tế.
Gia đình anh Nguyễn Văn Cửu ở thôn 7, xã Đào Thịnh là một trong nhiều gia đình trên địa bàn huyện bị ảnh hưởng từ biến động giá cả thị trường thời điểm trước tết chia sẻ: “Để phục vụ nhu cầu tiêu thụ thực phẩm dịp tết, gia đình tôi đã đầu tư nuôi trên 50 con lợn thịt. Tuy nhiên, do giá thịt lợn hơi giảm mạnh nên gia đình chật vật mãi mới chỉ bán được 40 con lợn. Hiện tại, trong chuồng của gia đình vẫn còn chục con lợn đã đến kỳ xuất chuồng vẫn chưa bán được. Tết năm ngoái, giá lợn hơi từ 40.000 - 45.000 đồng/kg, tết vừa rồi giá chỉ còn 28.000 - 30.000 đồng/kg. Vì gia đình nuôi 5 con lợn nái nên có sẵn giống, trừ chi phí thức ăn thì may lắm chỉ hòa vốn”.
Tuy nhiên, sau tết, gia đình anh Cửu vẫn tái đàn nhưng không dám đầu tư nuôi nhiều như những năm trước.
Cán bộ nông nghiệp xã Đào Thịnh Hoàng Văn Giáp cho biết: “Cũng theo tình hình biến động giá cả thị trường chung của cả nước, thua lỗ cũng là tình trạng mà khoảng hơn chục hộ chăn nuôi lợn tại xã Đào Thịnh đã gặp phải. Có gia đình bị lỗ khoảng 500.000 - 600.000 đồng/con nên ra tết rất thận trọng trong việc tái đàn, chỉ tái đàn khoảng 60% so với thời điểm trước tết. Nhiều gia đình nuôi quy mô lớn hơn, trong tết chưa bán hết được lợn nên ra tết vẫn phải loay hoay giải quyết số tồn đọng”.
Không riêng ở xã Đào Thịnh, hiện nay, người chăn nuôi ở các xã khác trên địa bàn huyện Trấn Yên cũng đang tập trung tái đàn. Đến thăm cơ sở chăn nuôi của gia đình anh Trần Trọng Tiến ở thôn 8, xã Việt Thành với quy mô 13 lợn nái và 30 lợn thịt, anh cho biết: “Gia đình tôi sống bằng nghề chăn nuôi nên kinh tế gia đình có ổn định hay không đều trông chờ vào tình hình thu mua trên thị trường. Trước tết, tuy giá lợn có giảm mạnh nhưng gia đình vẫn tiếp tục tái đàn với nguồn giống sẵn có. Trong quá trình tái đàn, để phát triển chăn nuôi, tôi luôn đề cao vấn đề tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại, đồng thời chọn giống tốt nhằm đạt năng suất cao”.
Thời điểm này, cơ sở chăn nuôi gà của gia đình chị Phan Thị Khánh Thuận ở thôn 3, thị trấn Cổ Phúc mới tái đàn 1.500 con giống gà Minh Dư. Chị Thuận cho biết: “Dịp tết, gia đình xuất chuồng hơn 4.000 con gà, khi trừ chi phí chăm sóc cũng thu được 200 triệu đồng/lứa. Hiện tại, gia đình đang tập trung tái đàn”. Theo kinh nghiệm của gia đình, bảo đảm đàn gà phát triển tốt trong quá trình chăn nuôi thì cần làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại, chủ động nguồn thức ăn, tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh... Ngoài ra, công tác vệ sinh khử trùng tiêu độc và xử lý nguồn nước thải cũng phải bảo đảm.
Thời gian tới, huyện Trấn Yên nỗ lực phấn đấu vượt kế hoạch năm 2016 cả về tổng đàn lẫn sản lượng với tổng đàn gia súc đạt 82.240 con, tổng đàn gia cầm đạt 814.000 con.
Đồng chí Nguyễn Thị Vui - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên cho biết: “Trước tình hình giá cả thị trường biến động dịp tết, nhiều người chăn nuôi khá lo ngại tái đàn gia súc, gia cầm sau tết. Song tín hiệu vui cho người nông dân là bắt đầu từ những ngày gần đây, giá lợn hơi đã tăng nhẹ lên khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg, người dân cũng phần nào thêm hy vọng vào chăn nuôi thời gian tới".
Để việc tái đàn thuận lợi, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng khuyến cáo các hộ chăn nuôi không nên tái đàn ồ ạt, nhất là tại các cơ sở chăn nuôi số lượng lớn và tại các vùng đã xảy ra dịch bệnh trong những năm trước để tránh thiệt hại có thể xảy ra. Bên cạnh đó, người dân chủ động theo dõi diễn biến thị trường để cân đối đàn cho phù hợp với điều kiện chăn nuôi và tình hình tiêu thụ.
Hải Hà
Các tin khác
YBĐT - Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2016, Yên Bái bước vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 với mục tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn 7,4%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 9.200 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt trên 100 triệu USD; thu ngân sách trên 2.050 tỷ đồng; tạo việc làm mới cho trên 17.700 lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4%... Vậy đâu là giải pháp cơ bản để hoàn thành các mục tiêu?
YBĐT - Vào vụ đông xuân, những năm trước đây, những thửa ruộng bậc thang thường phải “ngủ đông” do điều kiện thời tiết ở Mù Cang Chải khắc nghiệt, thiếu nước, khô hạn, băng giá thì nay, trên những diện tích ấy đang trải dài một màu vàng của hoa cải dầu. Cây cải dầu đang là hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao đời sống cho bà con vùng cao huyện Mù Cang Chải.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về xử lý tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém và xử lý nợ xấu.
YBĐT - Sáng 15/2, tại thôn Hồng Lâu, xã Hồng Ca, các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Trấn Yên cùng đông đảo nhân dân địa phương đã tham gia Lễ ra quân trồng tre măng Bát Độ năm 2017.