Giúp hội viên nông dân Mù Cang Chải phát triển sản xuất

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/2/2017 | 10:50:11 AM

YBĐT - Năm 2016 qua bình xét, toàn huyện đã có 283 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi.

Mô hình nuôi vịt đẻ trứng kết hợp trồng trọt của hộ gia đình ông Sùng A Khua, bản Đề Sủa, xã Lao Chải cho thu nhập 200 triệu đồng/năm.
Mô hình nuôi vịt đẻ trứng kết hợp trồng trọt của hộ gia đình ông Sùng A Khua, bản Đề Sủa, xã Lao Chải cho thu nhập 200 triệu đồng/năm.

Năm 2016, huyện Mù Cang Chải đạt trên 38.000 tấn lương thực có hạt. Trong đó, sản lượng thóc đạt trên 23.000 tấn; sản lượng ngô đạt trên 15.000 tấn. Tổng đàn gia súc chính toàn huyện là 64.624 con; trong đó, đàn trâu có trên 12.500 con; đàn bò trên 5.800 con; đàn lợn 40.000 con; đàn dê trên 6.100 con, đàn ngựa là 185 con. Tổng đàn gia cầm là 172.000 con. Nhân dân làm tốt công tác phòng chống cháy rừng, bảo vệ tốt rừng hiện có.

Trong năm đã thực hiện trồng mới 480ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Để có được điều đó có sự chung tay của các cấp chính quyền huyện Mù Cang Chải, đặc biệt, các cấp Hội nông dân từ huyện đến cơ sở đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua.

Ngay từ đầu năm 2016 đã có 2.352 hộ gia đình hội viên đăng ký danh hiệu sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp. Năm 2016 qua bình xét đã có 283 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi. Chất lượng và hiệu quả các phong trào được duy trì, ngày càng xuất hiện nhiều hộ gia đình nông dân có quy mô sản xuất phù hợp, thu nhập khá. Hộ gia đình ông Sùng Sính Vàng ở bản Tà Chơ, xã Cao Phạ với mô hình trồng hoa tam giác mạch phát triển du lịch kết hợp với chăn nuôi cho thu nhập 200 triệu đồng/năm.

Ông Vàng chia sẻ: “Được Hội Nông dân xã động viên, tôi được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật và còn được vay vốn phát triển kinh tế nên tôi cùng hộ ông Sùng A Cứ và Giàng A Của mạnh dạn trồng đồi hoa tam giác mạch trên đỉnh đèo Khau Phạ để phục vụ khách du lịch dừng chân tham quan tại đây”. Hay hộ ông Sùng A Khua, bản Đề Sủa, xã Lao Chải, phát triển mô hình chăn nuôi vịt đẻ trứng kết hợp trồng trọt cho thu nhập 200 triệu đồng/năm; gia đình ông Sùng A Làng ở bản Háng Cháng Lừ, xã Khao Mang có mô hình chăn nuôi trâu, bò, lợn cho thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/năm...

Ông Vũ Xuân Nhàn - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mù Cang Chải trao đổi: “Để giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế Hội Nông dân các cấp trong huyện đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân như: phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện kiện toàn 51/51 tổ tiết kiệm vay vốn, triển khai cho vay theo các chương trình của Chính phủ, thường xuyên phối hợp chặt chẽ trong công tác giao dịch hàng tháng, đến nay có 10/14 xã, thị trấn được nhận ủy thác vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội”.

Ngoài ra, Hội cũng xây dựng và sử dụng Quỹ hỗ trợ nông dân, chủ động làm tốt công tác tham mưu với Thường trực Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện về việc tổ chức triển khai xây dựng, phát triển và quản lý, sử dụng nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân. Hỗ trợ nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật, thực hiện theo chương trình, đề án của Chính phủ, của tỉnh, huyện về phát triển kinh tế Hội đã phối hợp với các ban, ngành tổ chức 17 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 1.041 lượt hội viên nông dân.

Năm 2016, Hội đã vận động hội viên khá giúp hội viên nghèo xoá được 3 nhà tạm, tổng trị giá 64,3 triệu đồng và 613 ngày công lao động; phối hợp với tỉnh Hội, các cơ quan phụ trách xã trao quà cho các bí thư chi bộ, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng tại các xã. Tổ chức Hội Nông dân đã tham gia tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân và nhân dân trong toàn huyện ăn chung một tết vào dịp tết Nguyên đán với tinh thần vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Với nhiều cách làm hiệu quả, phù hợp, Hội Nông dân Mù Cang Chải đã giúp hội viên từng bước xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống.

Minh Huyền

Các tin khác
Cà chua chín rộ nhưng nhiều nông dân không muốn thu hoạch vì rớt giá.

YBĐT - Trước, trong và sau tết Nguyên đán Đinh Dậu, giá bán cà chua trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ dao động từ 2.000 - 5.000 đồng/kg. Thời điểm hiện nay, cà chua đã vào mùa chín rộ nhưng giá cao nhất chỉ 3.000đ/kg.

Gia đình anh Nguyễn Văn Cửu tập trung tái đàn.

YBĐT - Sau tết Nguyên đán, nông dân huyện Trấn Yên đang tập trung tái đàn và phát triển chăn nuôi trở lại. Tuy nhiên, do giá cả trước tết giảm mạnh nên nông dân thận trọng hơn trong việc tái đàn. Có gia đình bị lỗ khoảng 500.000 - 600.000 đồng/con nên ra tết rất thận trọng, chỉ tái đàn khoảng 60% so với thời điểm trước tết.

Các địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh bê tông hóa đường giao thông, đáp ứng nhu cầu phát triển.

YBĐT - Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2016, Yên Bái bước vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 với mục tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn 7,4%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 9.200 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt trên 100 triệu USD; thu ngân sách trên 2.050 tỷ đồng; tạo việc làm mới cho trên 17.700 lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4%... Vậy đâu là giải pháp cơ bản để hoàn thành các mục tiêu?

YBĐT - Vào vụ đông xuân, những năm trước đây, những thửa ruộng bậc thang thường phải “ngủ đông” do điều kiện thời tiết ở Mù Cang Chải khắc nghiệt, thiếu nước, khô hạn, băng giá thì nay, trên những diện tích ấy đang trải dài một màu vàng của hoa cải dầu. Cây cải dầu đang là hướng đi mới trong  chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao đời sống cho bà con vùng cao huyện Mù Cang Chải.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục