Nghĩa Lộ: Cà chua rớt giá, dân xót xa
- Cập nhật: Thứ năm, 16/2/2017 | 8:23:31 AM
YBĐT - Trước, trong và sau tết Nguyên đán Đinh Dậu, giá bán cà chua trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ dao động từ 2.000 - 5.000 đồng/kg. Thời điểm hiện nay, cà chua đã vào mùa chín rộ nhưng giá cao nhất chỉ 3.000đ/kg.
Cà chua chín rộ nhưng nhiều nông dân không muốn thu hoạch vì rớt giá.
|
Một trong những nguyên nhân dẫn đến giá cà chua rẻ hiện nay là do nhiều hộ trồng cà chua thấy trước tết giá rẻ nên để cà chua chín cây, bây giờ mới thu hoạch, đợi giá lên.
Gia đình chị Hoàng Thị Minh Bắc - thôn Bản Vệ, xã Nghĩa An trồng 1.000 m2 cà chua giống Ấn Độ từ tháng 10/2016, gần tết gia đình chị đã bắt đầu thu hoạch song không được giá nên chị để lại. Hiện, cà chua chín rộ, có ngày gia đình thu hoạch 1 - 2 tạ cà chua song giá bán cao nhất là 3.000 đồng mà rất ít người mua. Nếu bán đổ cao lắm cũng chỉ được 1.000 - 1.500 đồng/kg. Chị Bắc cho biết: "Giá rẻ quá không bõ công thu hoạch, công ngồi bán và tiền xăng xe chở đi nhưng chẳng biết làm thế nào được, thôi thì bán vớt vát được đồng nào hay đồng đấy. Năm ngoái, trồng 800 m2 cà chua, giá bán từ 5.000 - 8.000đ/kg, cho thu nhập 25 triệu đồng/vụ. Năm nay, bán mãi vẫn chưa thu nổi 2, 3 triệu đồng".
Gia đình chị Lò Thị Thu - tổ 1, phường Cầu Thia có đến 12 năm trồng cà chua, là một trong những hộ đầu tiên của thị xã đưa cà chua vào sản xuất. Chị Thu thấy chưa năm nào giá cà chua xuống dốc như năm nay. Năm nay gia đình chị trồng 700 m2, nhờ có kinh nghiệm chăm sóc nên mặc dù thời tiết khá thất thường nhưng cà chua vẫn phát triển tốt và sai quả, bình quân mỗi cây cho thu hoạch từ 5 - 6 kg quả.
Xót công, xót của, hàng ngày chị Thu vẫn chở cà chua ra chợ bán được đồng nào đỡ đồng đấy nhưng có hôm ngồi cả buổi sáng mà cũng chỉ bán được vài cân. Không những thế, ruộng nhà chị không dùng để chuyên trồng các loại rau màu mà vẫn cấy 2 vụ lúa chính nên vụ chiêm xuân này gia đình chị phải cấy trà muộn, chị lo ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa.
Gia đình chị Hà Thị Piềng - bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi cũng trồng 500 m2 cà chua. Chị cho biết trồng cà chua đầu tư nhiều nhất là công làm đất, chăm sóc bởi làm cà chua phải đánh luống, làm cỏ, thường xuyên bón phân, bắc giàn, kiểm tra xem có sâu bệnh gì không để kịp thời phòng trừ. “Năm nay, cà chua là được mùa nhưng rớt giá, không bõ tiền đầu tư, công chăm sóc. Có thời điểm gia đình tôi không còn muốn thu hoạch, kệ cho cà chua rụng xuống gốc thì nhặt đem về nấu cho lợn ăn” - chị Piềng chia sẻ vậy.
Dạo một vòng quanh chợ nông sản Mường Lò thấy cà chua nhiều vô kể, đủ loại. Đẹp nhất, đắt nhất là 3.000 đồng, thậm chí có 2.000 đồng/kg, loại quả nhỏ thì chỉ 1.000 - 1.500 đồng/kg. Anh Đỗ Mạnh Thắng - một thương lái rau củ quả ở chợ nông sản vừa nhập mấy tạ cà chua hàng đẹp nhất với giá 1.000 đồng/kg để bán lẻ, cho biết: "Người mua cà chua không nhiều, thường các bà nội trợ chỉ mua một vài cân nhỏ lẻ.
Cũng thương người nông dân bỏ công sức, tiền của trồng trọt, thu hoạch rồi còn chẳng có ai mua nên mua lại giá rẻ cho họ rồi bán được được đồng nào hay đồng đấy. Năm nay giá cà chua rẻ cũng một phần do các thương lái nơi khác không về đóng hàng như mọi năm".
Câu chuyện được mùa rớt giá không còn phải xa lạ với người nông dân nhưng tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý sản xuất của các hộ dân, nhất là việc thực hiện chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang chuyên canh các loại rau màu chất lượng cao.
Hạnh Quyên
Các tin khác
YBĐT - Sau tết Nguyên đán, nông dân huyện Trấn Yên đang tập trung tái đàn và phát triển chăn nuôi trở lại. Tuy nhiên, do giá cả trước tết giảm mạnh nên nông dân thận trọng hơn trong việc tái đàn. Có gia đình bị lỗ khoảng 500.000 - 600.000 đồng/con nên ra tết rất thận trọng, chỉ tái đàn khoảng 60% so với thời điểm trước tết.
YBĐT - Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2016, Yên Bái bước vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 với mục tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn 7,4%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 9.200 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt trên 100 triệu USD; thu ngân sách trên 2.050 tỷ đồng; tạo việc làm mới cho trên 17.700 lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4%... Vậy đâu là giải pháp cơ bản để hoàn thành các mục tiêu?
YBĐT - Vào vụ đông xuân, những năm trước đây, những thửa ruộng bậc thang thường phải “ngủ đông” do điều kiện thời tiết ở Mù Cang Chải khắc nghiệt, thiếu nước, khô hạn, băng giá thì nay, trên những diện tích ấy đang trải dài một màu vàng của hoa cải dầu. Cây cải dầu đang là hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao đời sống cho bà con vùng cao huyện Mù Cang Chải.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về xử lý tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém và xử lý nợ xấu.