Yên Bái: Chung sức xóa đói giảm nghèo
- Cập nhật: Thứ sáu, 17/2/2017 | 8:10:07 AM
YBĐT - Năm 2016 là một năm bất lợi và khó khăn, đặt ra nhiều thách thức đối với tỉnh Yên Bái. Tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, bị tác động, chi phối bởi suy giảm kinh tế, thương mại thế giới và khu vực; rét đậm, rét hại, băng giá, thiên tai, bão lũ liên tục xảy ra trên địa bàn tỉnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
Hộ ông Đỗ Đình Sắc ở thôn Đồng Phú, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên đã vươn lên thoát nghèo bằng ý chí tự lực.
|
Tuy nhiên, những kết quả toàn diện đạt được trong năm 2016 của tỉnh Yên Bái có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi đây là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và cũng là năm tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Yên Bái đã hoàn thành 30/31 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2016, trong đó có 13 chỉ tiêu vượt kế hoạch; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,3%, thu nhập bình quân đầu người đạt 29 triệu đồng, thu cân đối ngân sách đạt 2.295 tỷ đồng - cao nhất từ trước đến nay...
Trong số 13 chỉ tiêu vượt kế hoạch của năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo giảm 5,29% so với năm 2015, tăng 1,29% so với chỉ tiêu kế hoạch năm và riêng hai huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải giảm 8% so với năm 2015, tăng 1,5% so với chỉ tiêu kế hoạch năm.
Theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, kết quả rà soát trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2016 cho thấy, tổng số hộ nghèo là 55.437 hộ, chiếm tỷ lệ 26,97%; tổng số hộ cận nghèo là 21.222 hộ, chiếm tỷ lệ 10,32%. Huyện Trạm Tấu có 67% số hộ nghèo, chiếm tỷ lệ cao nhất tỉnh và tiếp đến là huyện Mù Cang Chải có 66,79% số hộ nghèo.
Công tác giảm nghèo vượt chỉ tiêu kế hoạch năm đề ra đã thiết thực góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững trên địa bàn. Chỉ tiêu kế hoạch năm 2017, tỉnh Yên Bái phấn đấu giảm 4% số hộ nghèo so với năm 2016, riêng hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải giảm 6,5%.
Năm 2017, các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai nhiều giải pháp để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo. Trước hết là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác giảm nghèo bền vững. Đồng thời xây dựng hệ thống các văn bản chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện, coi công tác giảm nghèo là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng và của chính bản thân người nghèo.
Các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm làm thay đổi, chuyển biến nhận thức và vận động người nghèo, hộ nghèo, người chưa có hoặc thiếu việc làm phát huy khả năng của chính họ để chủ động phấn đấu vươn lên làm giàu chính đáng.
Việc thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo cho hộ nghèo, người nghèo theo hướng chuyển dần sang hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng nhằm khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo. Bên cạnh đó cần bổ sung một số chính sách hỗ trợ phù hợp đối với hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo và tăng cường các chính sách hỗ trợ cộng đồng để bảo đảm thoát nghèo bền vững.
Công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ năng giảm nghèo cho người dân cũng cần được tăng cường. Muốn giảm nghèo hiệu quả phải xác định rõ nguyên nhân đói nghèo của các hộ như: thiếu vốn, thiếu lao động, thiếu đất sản xuất... để có biện pháp hỗ trợ phù hợp đồng thời phân công cụ thể cán bộ cấp xã, thôn trực tiếp giúp đỡ hộ nghèo.
Mặt khác cần chú trọng nghiên cứu, nhân rộng các mô hình, kinh nghiệm xóa đói giảm nghèo hiệu quả, nhất là những mô hình tạo nhiều việc làm, dễ thực hiện nhưng mang lại thu nhập bền vững cho hộ nghèo.
Một vấn đề nữa là cần tăng nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; điều chỉnh đối tượng, mức vay, lãi suất, thời hạn cho vay phù hợp gắn với chính sách khuyến nông - công - lâm - ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng mô hình thoát nghèo gắn với cộng đồng dân cư trên địa bàn.
Nguyễn Thơm
Các tin khác
YBĐT - Năm 2016 qua bình xét, toàn huyện đã có 283 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi.
YBĐT - Trước, trong và sau tết Nguyên đán Đinh Dậu, giá bán cà chua trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ dao động từ 2.000 - 5.000 đồng/kg. Thời điểm hiện nay, cà chua đã vào mùa chín rộ nhưng giá cao nhất chỉ 3.000đ/kg.
YBĐT - Sau tết Nguyên đán, nông dân huyện Trấn Yên đang tập trung tái đàn và phát triển chăn nuôi trở lại. Tuy nhiên, do giá cả trước tết giảm mạnh nên nông dân thận trọng hơn trong việc tái đàn. Có gia đình bị lỗ khoảng 500.000 - 600.000 đồng/con nên ra tết rất thận trọng, chỉ tái đàn khoảng 60% so với thời điểm trước tết.
YBĐT - Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2016, Yên Bái bước vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 với mục tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn 7,4%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 9.200 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt trên 100 triệu USD; thu ngân sách trên 2.050 tỷ đồng; tạo việc làm mới cho trên 17.700 lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4%... Vậy đâu là giải pháp cơ bản để hoàn thành các mục tiêu?